Hà Nội chủ động phòng chống bão số 2

Nhóm PV
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 16/7, Ban Chỉ huy PCTT TP Hà Nội đã ban hành Công điện số 03/CĐ-BCH yêu cầu Ban chỉ huy PCTT và Tìm kiếm cứu nạn các quận, huyện, thị xã, sở, ngành, DN thủy lợi, thoát nước, cây xanh; điện lực TP chủ động đối phó, xử lý kịp thời, có hiệu quả với bão số 2 và tình hình mưa lũ có thể xảy ra.

Hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra

Theo đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương nêu trên theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão và tình hình mưa lũ trên các phương tiện thông tin đại chúng; thông tin, cảnh báo kịp thời đến người dân để chủ động phòng tránh. Kiểm tra các trọng điểm xung yếu, các công trình (đặc biệt các công trình đang thi công), chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, trang thiết bị, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ”, chủ động chỉ đạo đối phó kịp thời với mọi diễn biến của bão và mưa lũ, đảm bảo an toàn công trình, tính mạng, tài sản của Nhà nước và Nhân dân, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra.
 Hà Nội chủ động phòng chống bão số 2
Tăng cường công tác kiểm tra hồ đập trên địa bàn, chỉ đạo các đơn vị quản lý hồ chứa nước bố trí lực lượng thường trực, theo dõi, vận hành hồ, đặc biệt là đối với các hồ chứa nước đã đầy nước, sẵn sàng lực lượng vật tư, phương tiện để xử lý khi có tình huống xảy ra. Thông báo cho các chủ đầu tư và đơn vị có công trình đang thi công ở ven sông, trên sông, chủ các phương tiện vận tải thủy biết thông tin trên để chủ động các biện pháp bảo đảm an toàn cho người, tài sản và các phương tiện. Các chủ đầu tư, các đơn vị thi công tại các công trình, đặc biệt là công trình nhà cao tầng, các cẩu tháp phải được đặc biệt chú ý bảo đảm an toàn khi có gió bão mưa lớn gây lún sụt làm đổ cẩu.

Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội sẵn sàng triển khai phương án tiêu thoát nước đô thị, đặc biệt là các quận nội thành. Các công ty thủy lợi triển khai tiêu kiệt nước đệm trên các kênh mương và trục tiêu chính. Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh tổ chức lực lượng kịp thời giải tỏa cây đổ khi có mưa to, gió lớn; hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản; không làm ảnh hưởng đến giao thông và sinh hoạt của Nhân dân.

Bộ Tư lệnh Thủ đô, Công an TP chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng cứu, giữ gìn trật tự trị an khi có tình huống xảy ra trên địa bàn TP. Phối hợp với Sở GTVT phân luồng giao thông khi có tình huống úng, ngập xảy ra, đặc biệt là khu vực nội thành.

Ban Chỉ huy PCTT TP Hà Nội cũng yêu cầu các thành viên Ban Chỉ huy thực hiện các nhiệm vụ đã được phân công, chủ động kiểm tra đôn đốc các quận, huyện, thị xã để chỉ đạo các công tác phòng chống úng ngập theo quy định. Kịp thời nắm bắt tình hình, báo cáo về Thường trực Ban Chỉ huy PCTT TP. Tổ chức trực ban 24/24, theo dõi, tổng hợp và báo cáo kịp thời mọi diễn biến mưa, lũ, úng ngập về Ban Chỉ huy PCTT TP theo quy định.

Chủ động tiêu thoát nước đệm

Theo dự báo, sáng nay, bão số 2 mới chính thức đổ bộ vào đất liền, nhưng những ngày qua, mưa đã diễn ra rộng khắp trên địa bàn các tỉnh, TP khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và ven biển từ Quảng Ninh tới Hà Tĩnh. Cùng với các địa phương khác trong vùng có thể chịu ảnh hưởng của bão số 2, Hà Nội đã gấp rút chuẩn bị các phương án nhằm ứng phó chủ động trước mỗi diễn biến của mưa bão.

Chiều 16/7, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai (PCTT) TP Hà Nội đã tổ chức 4 đoàn công tác do lãnh đạo các Sở NN&PTNT (2 đoàn), Xây dựng và GTVT đi kiểm tra công tác ứng phó với thiên tai tại các quận, huyện, thị xã. Tại Trạm bơm Thạch Nham (huyện Thanh Oai), từ ngày 15/7, khi áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão số 2, hàng chục công nhân trạm bơm đã được phân công ứng trực 24/24 giờ, sẵn sàng vận hành 5 tổ máy bơm chống úng cho diện tích khoảng 7.000ha cây trồng (chủ yếu thuộc địa bàn huyện Thanh Oai). Theo ông Bùi Anh Thái - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển thủy lợi sông Nhuệ, ngoài trạm bơm Thạch Nham, 12 trạm bơm khác với tổng số 60 tổ máy bơm các loại cũng đang ở trạng thái sẵn sàng vận hành chống úng.

Theo thống kê của Chi cục Thủy lợi (Sở NN&PTNT Hà Nội), trong ngày hôm qua (16/7), còn có 2 DN thủy lợi khác của Hà Nội vận hành 5 trạm bơm với tổng số 16 tổ máy bơm; nâng tổng lưu lượng bơm lên mức 455.500m3/giờ. Cùng với vận hành các trạm bơm tiêu nước tại một số hệ thống kênh chính, các địa phương cũng chủ động hạ thấp mực nước trên hệ thống thủy lợi. Bà Nguyễn Thị Ngọc Hà - Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh cho hay, rút kinh nghiệm đợt mưa lớn vào đầu tháng 7 khiến trên 500ha lúa và hoa màu trên địa bàn bị ngập úng, gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng, những ngày qua, địa phương đã tuyên truyền bà con nông dân tiêu thoát nước đệm, chống úng ngập khi có mưa lớn.

Ngày 16/7, ngay sau khi có công điện khẩn của Ban Chỉ huy PCTT TP Hà Nội, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội có kế hoạch ứng trực giải quyết thoát nước do ảnh hưởng của cơn bão số 2.

Ông Lê Vũ Quảng Sương - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết, Công ty đã yêu cầu các xí nghiệp trực thuộc thực hiện một số nội dung nhằm chuẩn bị đối phó với bão số 2. Đến 7 giờ ngày 16/7, mọi công việc chuẩn bị ứng phó với cơn bão số 2 đã hoàn thành. Cụ thể, các kho vật tự dự phòng PCTT tại cụm công trình đầu mối Yên Sở và Bắc Thăng Long - Vân Trì được kiểm tra, sẵn sàng sử dụng khi cần huy động. Công ty đã chuẩn bị 20.000 bao tải cát, 10.000m2 bạt chắn sóng, 30 xuồng, 15 động cơ... sẵn sàng ứng cứu trong trường hợp khẩn cấp. Công ty bố trí 100% lực lượng ứng trực với hơn 2.300 cán bộ, công nhân viên. 200 đầu xe máy, thiết bị cơ giới đảm bảo hoạt động giải quyết thoát nước tại các vị trí được phân công và chủ động giải quyết các điểm phát sinh khi có yêu cầu của Ban Chỉ huy PCTT TP và Công ty. Các xe bơm di động, xe hút, téc sẵn sàng khi có mưa di chuyển đến các điểm ứng trực. Đồng thời, rà soát các công trình đang thi công trên địa bàn quản lý, thanh thải dòng chảy, tháo dỡ các trường hợp làm thu hẹp dòng chảy. Kiểm tra và xử lý các sự cố bất cập của ga thu trên các tuyến phố đảm bảo khả năng thu nước. Đóng cọc căng dây cảnh báo nguy hiểm trên hệ thống sông mương. Tổ chức thu dọn tấm chắn, vật cản trên các ga thu... Trạm bơm Yên Sở tiếp tục duy trì 4 tổ bơm khẩn cấp để tạo dòng chảy. Các cửa đập điều tiết như Thanh Liệt, hồ Ba Mẫu... được kiểm tra đảm bảo vận hành trơn tru, các cửa phai hồ điều hòa đã được mở 100% để đưa nước vào hồ khi có mưa.
 Ảnh minh họa. Nguồn internet.
Thành lập tổ cơ động xử lý kịp thời cây gãy đổ do bão

Để chủ động đối phó, xử lý kịp thời, có hiệu quả với mọi diễn biến bất lợi của cơn bão số 2 gây ra, ngày 16/7, Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh Hà Nội yêu cầu các đơn vị trực thuộc nghiêm túc tổ chức thực hiện triển khai các nhiệm vụ.

Cụ thể, Công ty yêu cầu các xí nghiệp, đơn vị trực thuộc bố trí 100% lực lượng ứng trực theo địa bàn đã được phân công. Bắt đầu trực từ 15 giờ ngày 16/7 đến khi có lệnh dừng trực của Công ty. Kiểm tra, chằng chống các cây lâu năm, cây quý hiếm trong các vườn hoa, công viên. Kiểm tra ngay hệ thống cọc chống các cây mới trồng trên địa bàn các xí nghiệp được giao quản lý. Thực hiện ngay công tác chằng chống, gia cố lại nếu hệ thống cọc chống bị mất hoặc hỏng.

Đồng thời, nạo vét cống rãnh, mương máng, phòng chống úng ngập cục bộ ở các công viên, vườn hoa như: Bách Thảo, Hoàn Kiếm, Vườn ươm Yên Sở, Cổ Nhuế và 17 Thụy Khuê. Huy động toàn bộ các trang thiết bị, phương tiện, dụng cụ phòng bão, ứng trực sẵn sàng đáp ứng yêu cầu giải tỏa cây đổ, cành gãy khi có sự cố xảy ra. Thành lập tổ cơ động, hoạt động để đáp ứng kịp thời khi có bão xảy ra. Tổ chức lực lượng thống kê cây đổ, cành gãy để xử lý kịp thời có hiệu quả nhất, GPMB, thông đường nhanh, vệ sinh sạch sẽ.

Giám đốc các xí nghiệp, các đơn vị bố trí lực lượng kiểm tra, xác định vị trí, tình trạng cây đổ, để cung cấp thông tin cho Xí nghiệp Quản lý cắt sửa cây xanh sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ. Xí nghiệp Quản lý cắt sửa cây xanh phối hợp với Xí nghiệp Quản lý công viên cây xanh số 3 tập kết phương tiện vận chuyển: Cẩu tự hành, xe nâng, xe cẩu… về Bách Thảo (từ 15 giờ ngày 16/7) sẵn sàng ứng trực khẩn trương giải tỏa cây đổ, cành gãy. Rà soát các trường hợp cây nghiêng nguy hiểm, cây sâu mục đã có lệnh của Công ty tiến hành thực hiện công tác cắt triệt tiêu nguy hiểm, đảm bảo an toàn.

Ngoài ra, các đơn vị cần tổng hợp thông tin tình hình, thông báo thường xuyên theo địa bàn cho chỉ huy các nhóm báo cáo nhanh về Ban Chỉ huy PCTT TP và Sở Xây dựng.

Trước diễn biến mưa lớn có thể phải mở 3 cửa xả hồ Hòa Bình khiến mực nước sông Hồng lên cao xấp xỉ mức báo động 1, UBND TP Hà Nội cũng đã có Công văn số 3466 yêu cầu các đơn vị liên quan triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn khi các hồ thượng nguồn sông Hồng xả lũ.