70 năm giải phóng Thủ đô

Hà Nội đi đầu trong phát triển công nghiệp văn hóa

An Nhiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với những thay đổi tích cực về chính sách, phát triển công nghiệp văn hóa (CNVH) của Thủ đô đã từng bước có sự chuyển động tích cực.

Điểm nổi bật tạo nên đột phá, bước tiến mới quan trọng trong chiến lược phát triển CNVH là tầm nhìn rộng mở, quyết tâm chính trị cao, đặc biệt là Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU “về phát triển CNVH Thủ đô với định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Lan tỏa hình ảnh Thủ đô năng động, sáng tạo

Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVII của Đảng bộ TP và Chương trình công tác toàn khóa của Ban Chấp hành Đảng bộ TP khóa XVII, nhằm thúc đẩy phát triển văn hóa, con người Hà Nội theo hướng bền vững, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, Thành ủy Hà Nội ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/2/2022 về “Phát triển CNVH trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Nghị quyết đặt ra mục tiêu là tạo bước phát triển toàn diện ngành CNVH Thủ đô cả về quy mô, chất lượng sản phẩm, dịch vụ và thị trường, bảo đảm phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tốc độ, tỷ trọng, giá trị gia tăng cao; hoạt động có tính chuyên nghiệp với kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại… Để thực hiện các mục tiêu, TP đã và đang hoàn thiện cơ chế, chính sách, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đối với các ngành CNVH được thực hiện bài bản.

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cùng lãnh đạo Hà Nội khai mạc Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023. Ảnh: Quang Thái
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cùng lãnh đạo Hà Nội khai mạc Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023. Ảnh: Quang Thái

Với những thay đổi về chính sách, CNVH Thủ đô đã từng bước có sự chuyển động tích cực. Nguồn lực chi thường xuyên cho sự nghiệp văn hóa thông tin của toàn TP từ năm 2017 đến nay là 5.207.995 triệu đồng, bình quân chiếm tỷ trọng 1,9% trong tổng chi thường xuyên ngân sách địa phương.

Các lĩnh vực thuộc CNVH cũng đạt được nhiều kết quả quan trọng. Cụ thể, về lĩnh vực du lịch, năm 2023, tổng lượng khách du lịch đến Hà Nội đạt 24 triệu lượt, tăng 27% so với năm 2022 (tăng 9,1% so với kế hoạch, tương đương 83% kết quả năm 2019). Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 87,65 nghìn tỷ đồng, tăng 45,5% so với năm 2022 (tăng 13,83% so với kế hoạch, tương đương 84,4% kết quả năm 2019).

Cùng với du lịch, lĩnh vực thiết kế sáng tạo của Hà Nội tạo dấu ấn đậm nét với thành công lớn của Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023. Sau 3 năm tổ chức, lễ hội năm 2023 diễn ra với quy mô lớn ở nhiều địa điểm, huy động nhiều loại hình sáng tạo như: thiết kế, thời trang, biểu diễn nghệ thuật, âm nhạc. Lễ hội đã “đánh thức” những di sản công nghiệp có tuổi thọ 100 năm tưởng như "ngủ quên" thành địa điểm văn hóa hấp dẫn: nhà máy xe lửa Gia Lâm, tháp nước Hàng Đậu. Sau 12 ngày tổ chức, lễ hội thu hút 200.000 lượt người tham dự, đông nhất đối với một lễ hội văn hóa tại Hà Nội kể từ sau dịch Covid-19.

Năm 2023 đánh dấu hoạt động hiệu quả, sôi động của các lễ hội văn hóa, âm nhạc, du lịch như: lễ hội Áo dài, lễ hội Âm nhạc quốc tế gió mùa, Born Pink World Tour, lễ hội Thu Hà Nội… góp phần lan tỏa hình ảnh Thủ đô năng động, sáng tạo, an toàn, mến khách, đồng thời cho thấy tiềm năng lớn để Hà Nội trở thành trung tâm biểu diễn nghệ thuật của cả nước. Theo thống kê, trong năm 2023,

Hà Nội đã tổ chức hơn 2.000 sự kiện, hoạt động, đóng góp tích cực vào tăng trưởng GRDP của Thủ đô. Hà Nội đang tiến tới đạt mục tiêu trở thành một trong những trung tâm CNVH hàng đầu của cả nước.

Các lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm; quảng cáo; phát thanh truyền hình cũng được tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức các hoạt động. Đối với lĩnh vực xuất bản, từng bước khẳng định vai trò, vị trí của xuất bản trong chiến lược phát triển ngành CNVH Thủ đô Hà Nội với thành công của Hội Sách Hà Nội, Phố Sách Hà Nội.

Đòn bẩy để bứt phá

Theo Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, kinh nghiệm bước đầu của Hà Nội đầu tiên phải kể đến là nhận thức của chính quyền về vai trò của phát triển CNVH. Đây là điều kiện đóng vai trò quyết định.

Bên cạnh đó, TP cũng quan tâm, tạo cơ chế, chính sách, môi trường cho hoạt động sáng tạo để thu hút các tổ chức, cá nhân, nghệ sĩ, DN và người dân tham gia vào thực hành sáng tạo; lựa chọn những ngành nghề, lĩnh vực địa phương mình có lợi thế nhất để tập trung đầu tư, tạo nền tảng tiền đề cho các ngành nghề, lĩnh vực khác. Cùng với đó, tranh thủ kinh nghiệm, sự tư vấn, hợp tác, trao đổi, giúp đỡ ủng hộ của các tổ chức quốc tế để phát triển CNVH. Đặc biệt, quan tâm xây dựng và phát triển thế hệ công dân sáng tạo ngay từ trong nhà trường bằng nội dung, chương trình, phương pháp phù hợp.

Hiện nay, CNVH được Chính phủ xác định bao gồm 12 lĩnh vực: quảng cáo; kiến trúc; phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công mỹ nghệ; thiết kế; điện ảnh; xuất bản; thời trang; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật - nhiếp ảnh và triển lãm; truyền hình và phát thanh; du lịch văn hóa. Nhìn lại những hoạt động, sự kiện trong năm qua, có thể nhận thấy rõ những nỗ lực, cố gắng của các ngành, lĩnh vực để phát triển CNVH của Thủ đô rộng khắp, hiệu quả, bền vững.

Đáng nói, với việc Thành ủy Hà Nội ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU, Hà Nội là địa phương đầu tiên của cả nước có một Nghị quyết chuyên đề về phát triển CNVH. Quá trình phát triển CNVH là cả chặng đường dài. Để thành công, cần có sự quyết tâm lớn của cả hệ thống chính trị và sự vào cuộc, đồng lòng của người dân. Những dấu ấn đạt được trong năm 2023 ở nhiều lĩnh vực được kỳ vọng sẽ là “đòn bẩy” để CNVH của Thủ đô phát triển hiệu quả, sáng tạo hơn trong năm 2024, từ đó góp phần hiện thực hóa chiến lược mà Nghị quyết số 09-NQ/TU đề ra.

 

 

Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025, ngành CNVH Thủ đô trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; đến năm 2030, Hà Nội nằm trong nhóm các TP có ngành CNVH phát triển hàng đầu, có thương hiệu, sản phẩm uy tín, khả năng cạnh tranh cao với các TP trong khu vực Đông Nam Á; phấn đấu doanh thu từ các ngành CNVH đóng góp khoảng 8 - 10% GRDP của Thủ đô.

 

Năm 2024, Hà Nội sẽ xác định vùng, quận, huyện có sẵn lợi thế, tiềm năng, tài nguyên để tập trung đầu tư, phát triển ngành CNVH phù hợp, phấn đấu các ngành CNVH đóng góp khoảng 5% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TP; tiếp tục rà soát, đề xuất các cơ chế, chính sách, quy hoạch cho lĩnh vực văn hóa để kịp thời giải quyết vướng mắc, nhất là khi Luật Thủ đô được thông qua và có hiệu lực.