Hà Nội: Gần 27% diện tích canh tác vụ Xuân chưa có nước

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Báo cáo số 35/BC-TCTL-QLCT của Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) cho thấy, tính đến ngày 15/2 (tức 30 tết âm lịch), trong khi 11 địa phương khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ có lấy nước vụ Xuân năm 2018 đã cơ bản đủ nước thì nhiều diện tích canh tác của Hà Nội hiện vẫn chưa có nước.

Thực tế trong thời gian các đợt lấy nước, mực nước sông Hồng tại Hà Nội đã được duy trì ở mức trung bình Đợt 1 là 2,10m, cao nhất đạt 2,30m; Đợt 2 là 2,14m, cao nhất 2,48m, Đợt 3 là 1,99m, cao nhất đạt 2,21m. Tổng lượng xả của các hồ chứa thủy điện trong Đợt 1 là 1,48 tỷ m3, Đợt 2 là 2,56 tỷ m3, Đợt 3 là 1,70 tỷ m3; tổng cộng 3 Đợt là 5,74 tỷ m3 nước.

 Vận hành trạm bơm Phù Sa lấy nước vụ Xuân .

Nhìn chung, dòng chảy hệ thống sông Hồng không được duy trì bảo đảm mức yêu cầu (thấp nhất +2,2m), trong tổng thời gian 3 đợt lấy nước có 254 giờ mực nước tại Hà Nội không đạt +2,2m (tương đương khoảng 70% tổng thời gian xả nước 3 đợt). Nguyên nhân do nhà máy thủy điện Hòa Bình chỉ vận hành được 7/8 tổ máy (1 tổ máy vào thời kỳ thay thế thiết bị định kỳ trong thời gian các đợt xả nước). Dòng chảy như thực tế diễn ra trong các đợt lấy nước không ảnh hưởng đến việc lấy nước của các công trình thủy lợi vùng triều nhưng ảnh hưởng khá nghiêm trọng đến hiệu suất lấy nước của một số công trình thủy lợi lớn ở TP Hà Nội, tỉnh Bắc Ninh do mực nước thấp hơn mực nước lấy nước hiệu quả.

Kết thúc Đợt 1 (24 giờ ngày 19/1), diện tích có nước tổng cộng của các địa phương là 180.190 ha, đạt 29,5 % tổng diện tích gieo cấy theo kế hoạch; kết thúc Đợt 2 (24 giờ ngày 3/2), diện tích có nước là 455.449 ha, đạt 74,4% tổng diện tích gieo cấy theo kế hoạch; kết thúc Đợt 3 (tính đến 15 giờ ngày 12/2/2018), diện tích có nước là 536.515 ha, đạt 87,68% tổng diện tích gieo cấy theo kế hoạch, tuy nhiên nếu không kể tỉnh Bắc Giang (địa phương chỉ có khoảng 20% diện tích lấy nước từ hệ thống sông Hồng, hiện đã cơ bản hoàn thành kế hoạch lấy nước phần diện tích này) thì diện tích có nước trung bình các tỉnh còn lại đạt 92,62%; trong đó: Hà Nam 100%, Phú Thọ 100%, Nam Định 98,68%, Ninh Bình 98,64%, Thái Bình 98,59%, Hưng Yên 98,31%, Hải Phòng 98,14%, Hải Dương 90,94%, Vĩnh Phúc 92,58%, Bắc Ninh 91,74%, Hà Nội 72,63% (tức còn gần 27% diện tích chưa có nước). Các diện tích còn lại sẽ chủ động cấp nước từ các trạm bơm mới xây dựng có thể vận hành không phụ thuộc vào dòng chảy sông Hồng (Vĩnh Phúc, Bắc Ninh), từ nguồn lợi dụng thủy triều (Hải Phòng, Hải Dương), từ nguồn nước tích trữ trong hệ thống kênh mương (Hưng Yên).

Diện tích chưa đủ nước thấp nhất là Hà Nội (hiện còn 26.788 ha); các huyện có diện tích gieo cấy nhiều nhưng diện tích đủ nước thấp là: Đông Anh (45,6%), Phúc Thọ (62,4%), Thạch Thất (69,7%), Quốc Oai (44,4%). Trong đó, Đông Anh chủ động được nguồn nước do đã tích trữ được trong hệ thống kênh tiêu và từ trạm bơm dã chiến (diện tích đủ nước thấp do còn nhiều diện tích cây vụ Đông chưa thu hoạch). Các huyện Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai có tổng diện tích khó khăn chưa cấp đủ nước tổng cộng khoảng 2.000 ha, thuộc vùng cấp nước của Trạm bơm Phù Sa. Hiện nay, Công ty đã xây dựng phương án cụ thể để cấp nước cho khu vực này sau khi kết thúc các đợt xả nước từ các hồ thủy điện (sử dụng Trạm bơm dã chiến Phù Sa: 1.500ha, hỗ trợ tưới từ hồ Đồng Mô: 500ha).