Hà Nội ghi nhận 2.063 ca mắc tay chân miệng, tăng 1,4 lần

Hà Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, Hà Nội ghi nhận thêm 265 ca mắc tay chân miệng trong tuần đầu tiên của tháng 10/2023 (từ ngày 29/9 đến 6/10), tăng gấp đôi so với cuối tháng 9 và tăng hơn 3,5 lần so với cuối tháng 8.

Tính từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội ghi nhận 2.063 ca mắc tay chân miệng (tăng gần 1,4 lần so với cùng kỳ năm 2022) nhưng chưa ghi nhận ca tử vong.

Ngoài ra, tuần qua, TP cũng ghi nhận thêm 2 ổ dịch tay chân miệng tại 2 quận, huyện là Sóc Sơn và Đống Đa. Tính từ đầu năm đến nay đã có 47 ổ dịch, hiện còn 2 ổ dịch đang hoạt động.

Hiện nay đang giai đoạn thời tiết chuyển mùa, mưa nắng thất thường kết hợp với việc học sinh quay trở lại trường học sau thời gian nghỉ hè khiến số ca tay chân miệng gia tăng. Đặc biệt, TP ghi nhận ổ dịch tại các trường mầm non, mẫu giáo. Dự báo, thời gian tới, số ca mắc có thể tiếp tục gia tăng.

Do bệnh tay chân miệng chuyển biến nhanh, khó lường nên khi phát hiện trẻ mắc bệnh, gia đình nên đưa con đến khám tại các cơ sở y tế.
Do bệnh tay chân miệng chuyển biến nhanh, khó lường nên khi phát hiện trẻ mắc bệnh, gia đình nên đưa con đến khám tại các cơ sở y tế.

Tay chân miệng là bệnh lý thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi (có đến 90%). Đối với trẻ mắc tay chân miệng ở mức độ nhẹ, chỉ có loét miệng, tổn thương ở da đi kèm hoặc không kèm sốt thì trẻ có thể được điều trị và theo dõi tại nhà. Tuy nhiên, nhiều cha mẹ vẫn bối rối không biết chăm sóc cho trẻ tại nhà như thế nào để tránh tình trạng bệnh trở nặng.

Theo bác sĩ Đỗ Thị Thuý Nga – Phó Trưởng khoa Nội Tổng quát, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, có 2 biến chứng thường gặp với bệnh tay chân miệng là biến chứng thần kinh và biến chứng suy hô hấp, suy tuần hoàn. Tuy nhiên, năm nay Khoa tiếp nhận nhiều trẻ biến chứng thần kinh hơn, trong đó điển hình nhất là viêm não.

Do bệnh tay chân miệng chuyển biến nhanh, khó lường nên khi phát hiện trẻ mắc bệnh, gia đình nên đưa con đến khám tại các cơ sở y tế, để được tư vấn về cách chăm sóc, cách phát hiện triệu chứng nặng, từ đó kịp thời điều trị. Cha mẹ không nên tìm hiểu trên mạng rồi tự ý dùng thuốc, có thể khiến bệnh của trẻ nặng thêm.

Hiện chưa có vaccine phòng bệnh tay chân miệng và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Do đó, các chuyên gia y tế lưu ý, biện pháp phòng bệnh là vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường nhằm hạn chế lây lan. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh tay chân miệng, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn và xử trí kịp thời.

Qua đó, chuyên gia y tế khuyến cáo, để phòng, chống bệnh tay chân miệng đối với khối trường Mầm non, Tiểu học tăng cường vệ sinh lớp học, đồ chơi, khăn mặt của học sinh...

Bên cạnh đó, hướng dẫn giáo viên biện pháp phòng, chống bệnh tay chân miệng như: Rửa tay cho trẻ trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; thường xuyên lau rửa toàn bộ sàn nhà bằng chất tẩy rửa, đồ chơi, đồ dùng của trẻ, bàn, ghế bằng dung dịch sát khuẩn.

Ngoài ra, cha mẹ không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống. Cha mẹ không nên chủ quan khi trẻ mắc tay chân miệng, cần phải theo dõi chặt chẽ diễn biến của bệnh.