Hà Nội: Ghi nhận 548 ca thủy đậu, tăng cao ở nhóm mầm non, tiểu học

Thảo Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, trong tuần, Hà Nội ghi nhận 70 trường hợp mắc bệnh thủy đậu, giảm 37,5% so với tuần trước (112/0).

Cộng dồn từ đầu năm 2023 đến nay, TP ghi nhận 548 ca mắc thủy đậu. Số mắc ghi nhận cao ở nhóm tuổi mầm non (36,5%) và tiểu học (38%).

Bệnh nhân ghi nhận tại 18/30 quận huyện, một số đơn vị có số mắc cao như: Chương Mỹ (230), Mê Linh (69), Ba Vì (60), Nam Từ Liêm (56), Mỹ Đức (42); số mắc năm 2023 tăng so với cùng kỳ 2022 (4/0).

Phun thuốc khử khuẩn tại trường Tiểu học Văn Võ, huyện Chương Mỹ.
Phun thuốc khử khuẩn tại trường Tiểu học Văn Võ, huyện Chương Mỹ.

Đáng chú ý, dù thời điểm này, Hà Nội chưa bùng phát dịch thủy đậu, tuy nhiên, trên địa bàn huyện Chương Mỹ trước đó đã ghi nhận các ổ dịch rải rác (2 ổ dịch tại trường Tiểu học Văn Võ với 12 ca mắc và ổ dịch tại trường Mầm non Đồng Lạc với 22 ca mắc).

Trung tâm y tế huyện Chương Mỹ đã phối hợp với y tế các xã và nhà trường tổ chức phun thuốc khử khuẩn, vệ sinh trường lớp, đồ chơi, đồ dùng học tập, thiết bị bán trú. Đồng thời, tuyên truyền, hướng dẫn thầy cô giáo, phụ huynh học sinh biện pháp chăm sóc, điều trị bệnh cho các cháu và biện pháp ngăn ngừa ổ dịch lây lan ra diện rộng.

Theo đánh giá của CDC Hà Nội, so với cùng kỳ năm 2022, số ca mắc thủy đậu ghi nhận năm 2023 tăng cao. Bệnh nhân ghi nhận phần lớn ở nhóm tuổi mầm non và tiểu học.

Dự báo, bệnh thủy đậu thường có xu hướng gia tăng vào mùa Đông Xuân. Do đó, số ca mắc có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Do đó, các bác sĩ khuyến cáo, thời tiết thất thường, độ ẩm không khí cao, tạo điều kiện cho virus gây bệnh thuỷ đậu phát triển và lây lan. Do vậy, phụ huynh cần tiêm phòng vaccine thuỷ đậu đầy đủ cho con. Bởi biến chứng của bệnh thuỷ đậu rất nặng nề, gây nguy hiểm đến tính mạng hoặc để lại di chứng sau này.

Thủy đậu là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Varicella Zoster gây ra. Bệnh rất dễ lây lan thành dịch. Bệnh lây truyền chủ yếu qua việc tiếp xúc với chất dịch nốt thủy đậu của người bệnh từ da, quần áo, hoặc qua đường hô hấp khi giao tiếp, nói chuyện với người mắc bệnh.

Theo bác sĩ Trần Thị Kim Anh - Trưởng khoa Nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, hiện nay rất nhiều gia đình quan niệm bệnh nhân mắc thủy đậu phải kiêng nước, kiêng gió. Tuy nhiên, thầy thuốc khuyến cáo bệnh nhân cần được giữ vệ sinh sạch sẽ bằng cách tắm nước ấm và trong phòng kín.

Bên cạnh đó, bệnh nhân mắc thủy đậu cần ăn uống đầy đủ, thức ăn mềm, uống đủ nước, có thể uống thêm nước hoa quả, vệ sinh mũi họng hằng ngày. Ngoài việc vệ sinh sạch sẽ, bệnh nhân tránh gãi làm vỡ các nốt phỏng vì dễ gây bội nhiễm và tạo sẹo. 

Ngoài ra, các bác sĩ khuyến cáo, tiêm phòng vaccine là cách phòng bệnh chủ động, hiệu quả nhất. Đối với trẻ lớn hơn và người lớn, nên tiêm đủ 2 liều cách nhau ít nhất 6 tuần là tốt nhất.