Hà Nội: Hiệu quả từ mô hình y học gia đình ở huyện Ứng Hòa

Đào Phương Thúy - TTYT Ứng Hòa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, mô hình trạm y tế (TYT) hoạt động theo nguyên lý y học gia đình (YHGĐ) được triển khai hiệu quả tại huyện Ứng Hòa, Hà Nội, góp phần nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân.

Những “trái ngọt” đầu tiên

Mạng lưới y tế cơ sở (YTCS) hiện nay, nhất là y tế tuyến xã có vai trò như “người gác cổng”, là tuyến y tế gần dân nhất, bảo đảm cho người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế, được chăm sóc sức khỏe kịp thời, với chi phí thấp.

YTCS ngày càng thể hiện tầm quan trọng trong việc thực hiện các nội dung chăm sóc sức khỏe ban đầu, các chương trình, mục tiêu về y tế, dân số… 

Trong khi đó, nguyên lý YHGĐ hướng đến mục tiêu chăm sóc người bệnh một cách toàn diện và liên tục, nhằm phát hiện sớm, xử lý sớm các vấn đề bệnh tật, dự phòng và duy trì sức khỏe cho cá nhân trong cộng đồng.

Tại huyện Ứng Hòa, sau gần 4 năm triển khai (từ năm 2019), mô hình TYT hoạt động theo nguyên lý YHGĐ bước đầu mang lại hiệu quả.

Từ hoạt động của mô hình, góp phần đảm bảo sự công bằng trong chăm sóc sức khỏe Nhân dân, giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên; từng bước nâng cao nhận thức cho người dân trong việc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của bản thân...

Theo quy định, các cơ sở YHGĐ (gồm các trạm y tế, phòng khám đa khoa, chuyên khoa tư nhân, khu vực...) là nơi đầu tiên tiếp nhận, quản lý, chăm sóc sức khỏe ban đầu. Đồng thời là nơi tư vấn, cấp cứu, khám chữa bệnh đa khoa theo nguyên lý YHGĐ cho cá nhân, hộ gia đình.

Khi triển khai thành công mô hình YHGĐ mang lại hiệu quả giảm chi phí y tế, tăng tuổi thọ người dân, giảm tỷ lệ bệnh nặng, tăng sự hài lòng của người dân về các dịch vụ y tế, bảo đảm công bằng trong chăm sóc y tế.

Mặt khác, triển khai hoạt động YHGĐ hiệu quả, không những giúp khắc phục triệt để tình trạng quá tải bệnh viện, mà còn góp phần cải tổ hệ thống y tế.

Từ khi trở thành một trong những trạm y tế đầu tiên thực hiện theo mô hình nguyên lý YHGĐ, trạm y tế xã Đồng Tiến đã có một cơ ngơi khang trang, với các trang thiết bị hiện đại, phục vụ cho các chuyên khoa. Không chỉ được Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Ứng Hòa đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, TYT xã Đồng Tiến còn được nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ.

Khám chữa bệnh cho người dân ngay trong ngày đầu khai trương theo nguyên lý YHGĐ tại TYT xã Trường Thịnh, huyện Ứng Hòa.
Khám chữa bệnh cho người dân ngay trong ngày đầu khai trương theo nguyên lý YHGĐ tại TYT xã Trường Thịnh, huyện Ứng Hòa.

Bác sĩ Nguyễn Văn Trại - Trưởng TYT xã Đồng Tiến cho biết, hiện trạm có 8 cán bộ y bác sĩ. Ngay sau khi triển khai mô hình YHGĐ, trạm đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cán bộ, chú ý đặc biệt trong khâu đón tiếp, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho bệnh nhân, từ đó thu hút người dân trên địa bàn xã tới trạm.

Theo TTYT huyện Ứng Hòa, năm 2019, TTYT huyện đã triển khai được 16/29 TYT hoạt động theo nguyên lý YHGĐ đạt 55%. Nhiều TYT trên địa bàn đi vào hoạt động theo nguyên lý YHGĐ hiệu quả.

Đơn cử như các TYT xã: Đồng Tiến, Hoa Sơn, Quảng Phú Cầu, Hòa Xá, Hòa Nam, Hòa Phú, Phù Lưu, Đại Hùng, Đông Lỗ, Trung Tú, Phương Tú, Trầm Lộng, Tảo Dương Văn, Hồng Quang, Cao Thành, Đội Bình.

Năm 2020, TTYT huyện Ứng Hòa đăng ký triển khai mới 9 TYT hoạt động theo nguyên lý YHGĐ. Tính đến 29/9/2020, TTYT huyện đã triển khai mới thêm 5 TYT xã, thị trấn (Liên Bạt, Vạn Thái, Viên An, Đại Cường, Kim Đường). Như vậy, tổng số TYT xã đã triển khai hoạt động theo nguyên lý YHGĐ đạt 21/29 trạm (đạt 72,4 %).

Sau một thời gian triển khai các TYT theo nguyên lý YHGĐ, số lượt người dân khám chữa bệnh đã tăng lên đáng kể.

Tính đến 31/8/2020, tổng số lượt khám chữa bệnh chung của 29 TYT xã, thị trấn là 71.885 lượt. Trong đó, 19 trạm y tế điểm đã triển khai là 52.958 lượt. Tổng số lượt khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) là 60.404 lượt (trong đó, tính riêng 19 TYT xã, thị trấn là 44.974 lượt).

Trong khi đó, năm 2022, tổng số lượt khám chữa bệnh chung là 170.542 lượt. Trong đó, số lượt khám chữa bệnh BHYT là 165.099 lượt đạt 132% so với năm 2021 (năm 2021 là 125.060 lượt).

Tính riêng trong quý I/2023, tổng số lượt khám chữa bệnh chung là 49.257 bệnh nhân. Trong đó số lượt khám chữa bệnh BHYT là 45.978 lượt bệnh nhân đạt 150% so với cùng kỳ năm 2022 (30.644 lượt).

Đầu tư nâng cao chất lượng hoạt động

Việc triển khai mô hình giúp các TYT xã, thị trấn dễ dàng nắm được tình hình sức khỏe của từng người dân, qua đó có phác đồ điều trị hiệu quả và phù hợp. Đồng thời, quản lý tốt được các bệnh không lây nhiễm trong cộng đồng. Ngoài ra, người dân cũng nhận thức được sự cần thiết trong bảo vệ sức khỏe của mình, thường xuyên đến TYT khám, chữa bệnh theo đúng định kỳ, giảm nguy cơ mắc các bệnh lây nhiễm…

Trong mô hình YHGĐ, TYT xã là một trong những nơi đầu tiên đón tiếp và chăm sóc sức khỏe cho người dân. Vì vậy, việc đầu tư, củng cố, nâng cấp chất lượng hoạt động của các TYT xã thời gian qua được huyện Ứng Hòa quan tâm, đầu tư nâng cao chất lượng hoạt động. Rà soát, duy tu cơ sở vật chất của các TYT xã, thị trấn.

Ngoài việc đầu tư mới, TTYT huyện đã tu sửa các hạng mục xuống cấp của TYT xã Viên An, Đại Cường, Liên Bạt. Lắp mới biển phòng, sơ đồ các phòng buồng, lắp đặt bộ cửa... Sắp xếp các buồng phòng, quan tâm đến công tác khám bệnh, chữa bệnh theo đúng hướng dẫn của Sở Y tế Hà Nội.

Đồng thời, TTYT huyện rà soát các máy móc, trang thiết bị phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh báo cáo Sở Y tế Hà Nội mua sắm bổ sung máy móc, trang thiết bị.

Đơn vị chủ động điều chuyển máy móc, trang thiết bị: Máy siêu âm (TYT Liên Bạt) để phục vụ công tác chuyên môn. Chuẩn bị đầy đủ máy móc, trang thiết bị, hóa chất cho công tác y tế dự phòng. Đảm bảo đủ cơ số thuốc cho điều trị dự phòng. Dụng cụ, trang thiết bị, hóa chất phục vụ công tác xét nghiệm mẫu bệnh phẩm.

Đặc biệt, tháng 3/2023, TTYT Ứng Hòa đã khai trương TYT xã Sơn Công, cũng là TYT cuối cùng trong 29 xã trên địa bàn huyện hoạt động theo mô hình nguyên lý YHGĐ.

Hiện TTYT Ứng Hòa đang tiếp tục rà soát và đào tạo đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ các TYT xã; chỉ đạo các trạm lập hồ sơ quản lý bệnh nhân, nhất là bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính không lây nhiễm một cách đồng bộ, đầy đủ.

Đồng thời, phối hợp với địa phương đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu và ủng hộ, trong đó, chú trọng tuyên truyền trực tiếp tại các TYT xã. Qua các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe, lập hồ sơ qua đợt khám chữa bệnh… để người dân hiểu và tham gia các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu ngay tại cơ sở, không phải đi xa.

Để đổi mới hoạt động của TYT cơ sở, thiết nghĩ, ngành y tế cần có những đổi mới đột phá, thực chất về cơ chế và phương thức hoạt động của TYT xã, phường nhằm thực hiện vai trò là tuyến đầu trong công tác phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu, liên tục, toàn diện và lồng ghép.

Đặc biệt, nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ TYT xã, phường, chuyển giao kỹ thuật cho các TYT... Có như vậy, y tế cơ sở mới tạo được niềm tin với Nhân dân, tạo đà cho mô hình nguyên lý YHGĐ phát triển.