Hà Nội phát triển hệ thống máy bán hàng tự động: Tiện ích, thiết thực

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù hệ thống máy bán hàng tự động (MBHTĐ) mới được triển khai nhưng đã tạo được sự thuận tiện cho người dân khi sử dụng, hạn chế được tình trạng biến nơi công cộng thành khu vực bán hàng rong. Chính vì vậy, hệ thống MBHTĐ được người tiêu dùng đánh giá là điểm nhấn trong việc hình thành văn minh thương mại Hà Nội cần nhân rộng.

 Người tiêu dùng mua nước tại máy bán hàng tự động đặt tại hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: Lê Nam
Người dân hào hứng
Nhằm nâng cao tiện ích cho người dân khi dạo chơi tại không gian phố đi bộ Hồ Gươm, cuối năm 2016, Sở Công Thương Hà Nội và DN đã lắp đặt 7 MBHTĐ chứa 300 sản phẩm, được bảo quản ở nhiệt độ 5oC. Đến nay, sau hơn 2 năm đưa vào sử dụng, hệ thống MBHTĐ đã trở nên quen thuộc với người dân, du khách khi tham quan không gian đi bộ Hồ Gươm và khu vực phụ cận. Theo Công ty CP Đầu tư và Thương mại VVM (DN lắp đặt, khai thác máy), doanh thu bình quân từ MBHTĐ đạt khoảng 70 triệu đồng/máy/tháng.

Việc lắp đặt MBHTĐ xung quanh Hồ Gươm đã hạn chế được tình trạng người dân phải đi mua đồ uống từ những hàng rong với giá cao. Chị Phạm Thị Mai (quận Tây Hồ) cho biết: "Mua hàng trên MBHTĐ rất tiện ích, dễ dàng, chỉ cần đưa tiền vào máy, nhấn nút chọn sẽ mua được sản phẩm ưng ý. Sau 2 năm TP Hà Nội lắp đặt, vận hành máy, tôi không thấy cảnh hàng rong buôn bán mời chào khách tại phố đi bộ".

Ông Nguyễn Sỹ Tứ ở 53 Hàng Ngang chia sẻ: “Trước đây, xem các bộ phim nước ngoài tôi mới thấy MBHTĐ, nhưng nay đã có mặt tại Hà Nội. Điều này cho thấy văn minh thương mại đang dần hiện hữu ở Thủ đô, mang lại tiện ích cho người tiêu dùng”. Vì vậy, ông Tứ và nhiều người dân có chung mong muốn sẽ có thêm nhiều chiếc MBHTĐ được đặt tại các tuyến phố của Hà Nội, nhất là tại các địa điểm công cộng để người dân được sử dụng các dịch vụ tiện ích nhiều hơn nữa.

Điều đáng nói, nếu như các MBHTD trên thế giới thường dùng tiền xu, thì những chiếc máy bán hàng lắp đặt tại không gian phố đi bộ khu vực Hồ Gươm nhận tiền giấy, rất thuận tiện cho người tiêu dùng.

Sẽ lắp đặt thêm tại các địa điểm công cộng

Mặc dù ưu điểm của MBHTĐ là rất lớn, song cũng còn những hạn chế như không nhận tiền cong vênh, chưa có chức năng trả lại tiền thừa, thay vào đó gợi ý để khách hàng mua sản phẩm tương đương giá trị còn lại. Sản phẩm bán trong máy chủ yếu là thức uống, chưa có đồ ăn nhanh như MBHTĐ ở nước ngoài.

Nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, đồng thời khắc phục những bất cập trong quá trình vận hành, khai thác hệ thống MBHTĐ, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ra Quyết định số 3672/QĐ-UBND phê duyệt Mạng lưới MBHTĐ đặt tại địa điểm công cộng trên địa bàn TP đến hết năm 2020. Theo đó đến năm 2020, Hà Nội sẽ lắp đặt và đưa vào vận hành khoảng 1.000 MBHTĐ tại các địa điểm công cộng bao gồm khuôn viên công viên, vườn hoa, bệnh viện, trường học, bến xe, nhà ga...
Diện tích đất tại vị trí lắp đặt MBHTĐ phải đủ từ 2 - 3m2. Ưu tiên bê tông hóa một phần đất thảm cỏ, cây xanh vừa đủ để đặt chân đế MBHTĐ, thay cho việc đặt trên lối đi trong khuôn viên công viên, vườn hoa. Tại cùng một vị trí lắp đặt MBHTĐ, tùy theo nhu cầu thực tế có thể bố trí tối đa 4 máy liền kề; bảo đảm khoảng cách, bán kính cách nhau giữa các vị trí lắp đặt các máy từ 500 - 1.000m.

Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Lê Hồng Thăng cho biết: Tiêu chí lựa chọn MBHTĐ gồm: Dòng máy, đời máy, kiểu máy, năm sản xuất tiên tiến, hiện đại… Khuyến khích lắp đặt máy đạt tiêu chuẩn của các nước công nghiệp phát triển G7, sử dụng máy chạy bằng năng lượng mặt trời, có thiết bị theo dõi an ninh trong quá trình vận hành. Đặc biệt, hỗ trợ tối đa người tiêu dùng, nhất là người già, trẻ em, người khuyết tật khi sử dụng MBHTĐ thông qua các bảng tên, bảng giá sản phẩm, hướng dẫn sử dụng, thông tin đường dây nóng in cỡ chữ to, dễ nhìn, đa ngôn ngữ và sử dụng bàn phím dễ tương tác trên máy.

Bên cạnh đó, MBHTĐ lắp đặt tại các địa điểm công cộng trên địa bàn Hà Nội còn phải có khả năng cung cấp đa dạng, phong phú các sản phẩm, chủng loại thức ăn, đồ uống. Đồng thời, có khả năng chấp nhận nhiều hình thức thanh toán (tiền mặt, thẻ ngân hàng, thanh toán trực tuyến, thanh toán sử dụng mã QR), chấp nhận các loại tiền giấy, tiền polymer Việt Nam và có chức năng trả lại tiền thừa.
Thời gian tới, Sở Công Thương Hà Nội sẽ phối hợp với các sở, ngành, địa phương, DN triển khai lắp đặt hệ thống MBHTĐ theo Quyết định đã được TP phê duyệt. Nếu phát huy được những ưu điểm, MBHTĐ sẽ trở thành một điểm nhấn thương mại hiện đại, văn minh tại Hà Nội, đáp ứng đa dạng nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân.