Hà Nội: Phê duyệt, điều chỉnh chủ trương đầu tư 10 dự án sử dụng vốn đầu tư công

Linh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Tại Kỳ họp thứ 14 HĐND TP Hà Nội khóa XV diễn ra sáng nay (15/4), với 92/92 đại biểu có mặt tán thành (đạt 91,09% tổng số đại biểu), HĐND TP đã thông qua Nghị quyết về phê duyệt chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư một sổ dự án sử dụng vốn đầu tư công của TP Hà Nội.

Theo đó, HĐND TP quyết nghị phê duyệt chủ trương đầu tư 6 dự án nhóm C sử dụng vốn đầu tư công của TP Hà Nội (thuộc lĩnh vực hạ tầng giao thông), với tổng mức đầu tư dự kiến 34 tỷ 639 triệu đồng, gồm:

Cầu vượt cho người đi bộ qua đường 2,5 tại khu vực chợ đầu mối phía Nam, quận Hoàng Mai (tổng mức đầu tư dự kiến 5.200 triệu đồng); cầu vượt cho người đi bộ qua đường Liễu Giai, quận Ba Đình (tổng mức đầu tư dự kiến 8.009 triệu đồng); cầu vượt cho người đi bộ tại trước tòa nhà HH1A, HƯD3, CT5-X2 trong khu đô thị Bắc Linh Đàm, quận Hoàng Mai (tổng mức đầu tư dự kiến 3.944 triệu đồng); cầu vượt cho người di bộ qua đường Nguyền Hoàng, quận Nam Từ Liêm (tổng mức đầu tư dự kiến 5.533 triệu đồng); cầu vượt cho người đi bộ qua đường Ngọc Hồi tại khu vực bến xe Nước Ngầm, quận Hoàng Mai (tổng mức đầu tư dự kiến 6.001 triệu đồng); cầu vượt cho người đi bộ qua đường Đào Tấn, quận Ba Đình (tổng mức đầu tư dự kiến 5.952 triệu đồng). Cả 6 dự án này đều do Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội làm chủ đầu tư, thời gian thực hiện trong năm 2021-2022.

 Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền trình bày Tờ trình của UBND TP Hà Nội

Bên cạnh đó, HĐND TP quyết nghị điều chỉnh chủ trương đầu tư 4 dự án (gồm 3 dự án nhóm B và 1 dự án nhóm C) sử dụng vốn đầu tư công của TP (thuộc lĩnh vực hạ tầng giao thông và lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật), với tổng mức đầu tư dự kiến 713 tỷ 272 triệu đồng, gồm:

Thứ nhất, dự án xây dựng HTKT khu tái định cư xã Hồng Kỳ phục vụ di dân vùng ảnh hưởng môi trường của Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn (vùng bán kính 500m từ hàng rào khu LHXLCT Sóc Sơn). Theo đó, điều chỉnh tổng mức đầu tư từ 89.756 triệu đồng thành 101.600 triệu đồng (các nội dung khác giữ nguyên theo Phụ lục 20 ban hành kèm theo Nghị quyết 12/NQ-HĐND ngày 5/12/2018 của HĐND TP về chủ trương đầu tư 26 dự án thuộc Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020 của TP).

Thứ hai, dự án Sửa chữa, bảo trì, lắp đặt bổ sung, thay thế linh kiện, thiết bị và phương tiện hệ thống PCCC đã được trang bị, lắp đặt theo thiết kế ban đầu tại các chung cư tái định cư (Khu Xuân La, Xuân Đỉnh, Nghĩa Đô, Phú Thượng, Mễ Trì Hạ, Lê Đức Thọ, Cầu Diễn và khu Thành phố Giao lưu)- giai đoạn 1 (23 vị trí). Theo đó, giữ nguyên quy mô theo chủ trương đầu tư được duyệt tại Quyết định số 4650/QĐ-ỨBND ngảy 05/9/2018 của UBND TP; bổ sung các nội dung sửa chữa, bảo trì, lắp đặt, thay thế linh kiện, thiết bị và phương tiện PCCC cho các tòa nhà CT1A, CT1B, CT1C khu đô thị Thành phố Giao lưu, quận Bắc Từ Liêm. Tổng mức đầu tư điều chỉnh từ 12.043 triệu đồng thành 14.919 triệu đồng; thời gian thực hiện điều chỉnh từ năm 2018-2019 thành 2018-2020 (các nội dung khác giữ nguyên theo Quyết định 4650/QĐ-UBND ngày 5/9/2018 của UBND TP phê duyệt chủ trương đầu tư dự án).

 Phó trưởng Ban Kinh tế Ngân sách HĐND TP Hà Nội Vũ Ngọc Anh trình bày báo cáo thẩm tra

Thứ ba, dự án xây dựng tuyến đường từ Trung tâm thể thao quân đội Bộ Quốc phòng đến Khu bảo tàng quân sự Việt Nam (bao gồm cả cầu qua sông Nhuệ): Quy mô đầu tư được điều chỉnh như sau: Xây dựng tuyến đường mới dài L=350m với mặt cắt ngang phần đường điển hình B=30m (Bmặt=15m, Bhè=2x7,5m=15,0m) với đầy đủ hệ thống HTKT đồng bộ theo quy hoạch, gồm 2 đoạn tuyến. 

Tổng mức đầu tư được điều chỉnh từ 227.793 triệu đồng thành 109.899 triệu đồng; thời gian thực hiện điều chỉnh từ năm 2018-2020 thành 2018-2022 (các nội dung khác giữ nguyên theo văn bản 291/HĐND-KTNS ngày 31/5/2018 của Thường trực HĐND TP phê duyệt chủ trương đầu tư dự án).

Thứ tư, dự án Xây dựng tuyến đường từ trạm bơm cầu Ngà qua đường 70 đến hết địa phận quận Nam Từ Liêm (tuyến đường ven sông cầu Ngà): Quy mô đầu tư được điều chỉnh như sau: Xây dựng tuyến đường mới có quy mô như đã phê duyệt tại văn bản số 293/HĐND-KTNS ngày 31/5/2018 của Thường trực HĐND TP; bổ sung xây dựng cầu vượt trực thông tại nút giao giữa tuyến đường với đường sắt quốc gia Bắc Hồng - Văn Điển đảm bảo giao cắt khác mức với đường sát theo quy định theo nội dung đã phê duyệt tại Khoản 5, Điều 1, Quyết định 3272/QĐ-UBND ngày 19/6/2019 của UBND TP. 

Tổng mức đầu tư được điều chỉnh từ 392.942 triệu đồng thành 486.854 triệu đồng; thời gian thực hiện điều chỉnh từ năm 2018-2020 thành 2018-2022 (các nội dung khác giữ nguyên theo văn bản 293/HĐND-KTNS ngày 31/5/2018 của Thường trực HĐND TP phê duyệt chủ trương đầu tư dự án).

 Các đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết 

Để tổ chức thực hiện Nghị quyết, HĐND TP giao UBND TP chỉ đạo các đơn vị chủ đầu tư và các đơn vị liên quan rà soát, chuẩn xác quy mô, nội dung đầu tư, có giải pháp đấu nối thích hợp, khớp nối đồng bộ, lựa chọn phương án, giải pháp kỹ thuật phù hợp, đảm bảo tránh trùng lặp, tiết kiệm, hiệu quả và tổ chức triển khai thực hiện; xác định nguồn gốc đất đai, xây dựng phương án, kinh phí GPMB đảm bảo đúng chế độ, chính sách hiện hành. 

Với các dự án giao thông áp dụng đúng quy định xử lý các trường hợp đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng đang tồn tại dọc các tuyến đường giao thông và nguyên tắc thực hiện các dự án đầu tư xây dựng đường giao thông mới trên địa bàn Hà Nội; trình cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư dự án theo đúng quy định của Luật Đầu tư công và pháp luật liên quan. 

Đồng thời, giao UBND TP chỉ đạo các sở, ngành liên quan thường xuyên rà soát tiến độ đầu tư các dự án, tăng cường kiểm tra, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ngân sách; tránh lãng phí, thất thoát trong quá trình đầu tư xây dựng công trình; hướng dẫn, phối hợp, giải quyết TTHC tạo thuận lợi giúp chủ đầu tư hoàn thành dự án đảm bảo đúng mục tiêu, tiến độ, chât lượng công trình.

Trước đó, trình bày Tờ trình của UBND TP Hà Nội về vấn đề này, Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho hay: Để thực hiện điều chỉnh các dự án này, tổng vốn đầu tư thuộc trách nhiệm ngân sách TP sẽ giảm 7,364 tỷ đồng, sẽ được điều chỉnh điều hòa trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020 cấp TP.

Trình bày báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Hà Nội, Phó Trưởng Ban Vũ Ngọc Anh khẳng định: Liên quan nguồn vổn và khả năng cân đối vốn cho các dự án, 6 dự án mà  trình HĐND TP quyết định mới chủ trương đầu tư đều được triển khai trong các năm 2021-2022, tổng mức đầu tư của 6 dự án là 34.639 triệu đồng và được đầu tư 100% từ ngân sách cấp TP, Ban cho rằng việc ngân sách cấp TP cân đối nguồn vốn để thực hiện hoàn thành 6 dự án này là khả thi, không gây khó khăn cho việc cân đối chung của ngân sách cấp TP trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. 

Với 4 dự án đang triển khai thực hiện đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư, (2 dự án đường giao thông gồm 1 dự án điều chỉnh giảm tổng mức đầu tư, 1 dự án điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư (thuộc phần cơ cấu vốn ngân sách quận Nam Từ Liêm) làm giảm áp lực nhu cầu vốn cho ngân sách TP, việc đảm bảo cân đối nguồn vốn bổ sung từ ngan sách quận đã được HĐND quận thống nhất; 2 dự án lĩnh vực HTKT có nhu cầu cân đối bổ sung khoảng 14 tỷ đồng từ ngân sách cấp TP là khoản kinh phí không lớn đối với khả năng cân đối của ngân sách cấp TP. Như vậy, đảm bảo khả năng cân đối vốn đối với 10 dự án đề xuất HĐND TP phê duyệt và phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công.