Hà Nội: Rõ trách nhiệm các sở, ngành trong chậm chuyển đổi các phòng công chứng

Linh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sở Tư pháp đề nghị Thành phố kiến nghị các cơ quan T.Ư tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện các quy định của Luật Công chứng về chuyển đổi phòng công chứng thành văn phòng công chứng, hoặc trường hợp cần thiết không phải chuyển đổi mà thực hiện chủ trương tự chủ với các phòng công chứng.

Sau các buổi giám sát tình hình chấp hành pháp luật trong hoạt động công chứng tại một số phòng công chứng trên địa bàn Hà Nội, sáng nay (6/6), đoàn giám sát của Ban Pháp chế HĐND TP đã có buổi làm việc với Sở Tư pháp và các sở, ngành, đơn vị liên quan.
Quang cảnh buổi làm việc.
Theo Sở Tư pháp, từ năm 2015-2018, toàn TP đã tăng từ 104 lên 122 tổ chức hành nghề công chứng, trong đó 10 phòng công chứng và 112 văn phòng công chứng (VPCC), với 470 công chứng viên phủ khắp các quận, huyện, thị xã. Hàng năm, Sở phối hợp với Hội Công chứng viên, các sở, ngành liên quan thường xuyên kiểm tra hoạt động các tổ chức hành nghề công chứng, kịp thời chấn chỉnh vi phạm.
Tuy nhiên, trước những khó khăn từ thực tế, lãnh đạo Sở Tư pháp đề nghị TP lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ban, ngành phối hợp, thông tin kịp thời với Sở trong quản lý về công chứng trên địa bàn. Đặc biệt, TP cần kiến nghị các cơ quan T.Ư tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện quy định của Luật Công chứng về chuyển đổi phòng công chứng thành VPCC, hoặc trường hợp cần thiết không phải chuyển đổi phòng công chứng mà thực hiện chủ trương tự chủ với các phòng công chứng theo Nghị quyết 19 ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành T.Ư khóa XII.
 Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Ngô Anh Tuấn trao đổi tại buổi làm việc.
Đặc biệt, nhấn mạnh cố gắng của cán bộ công chức Sở trong quản lý hoạt động công chứng tại TP và những vướng mắc về thể chế trong chuyển đổi các phòng công chứng, Giám đốc Sở Tư pháp Ngô Anh Tuấn cũng khẳng định: Dù chuyển đổi hay không chuyển đổi phòng công chứng, trách nhiệm chính về cung cấp dịch vụ công cho người dân vẫn thuộc về Nhà nước.
Do đó, với một số phòng ở Sóc Sơn, Đông Anh, Ba Vì… tuy có lượng giao dịch, nguồn thu ở các phòng đó thấp hơn ở các quận, là những địa bàn mà người dân vẫn có nhu cầu và đặt tín nhiệm cao với công chứng Nhà nước, đoàn cần kiến nghị TP trong thực hiện lộ trình tự chủ nên giữ lại những phòng này.
Trước các ý kiến tại đây, đoàn giám sát đánh giá cao trách nhiệm của Sở Tư pháp trong tham mưu TP về hoạt động công chứng theo Luật Công chứng, góp phần đưa hoạt động này trên địa bàn cơ bản tốt. Dù vậy, Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP Nguyễn Hoài Nam thẳng thắn nêu rõ: Sở chưa hoàn thành nhiệm vụ được giao là cơ quan chủ trì thực hiện chỉ đạo của TP về chuyển đổi các phòng công chứng theo chủ trương của Đảng, Nhà nước, bởi Kế hoạch 32 của UBND TP nêu rõ đến tháng 12/2018 phải chuyển đổi được 5 phòng công chứng thành VPCC, nhưng đến nay chưa chuyển được đơn vị nào. 
“Vấn đề không phải muốn hay không muốn, mà chủ trương từ T.Ư, Chính phủ đã rất rõ là phải chuyển đổi, không còn cách nào khác. Nếu UBND TP, Sở Tư pháp vẫn muốn giữ một số phòng công chứng thì cần báo cáo, thuyết minh được lý do cụ thể”, Trưởng đoàn nhấn mạnh, và đề nghị: Sở bổ sung báo cáo những khó khăn cụ thể liên quan đến thực thi luật, nghị định để Quốc hội, Bộ Tư pháp có văn bản hướng dẫn, giải thích hoặc cần thiết thì điều chỉnh; đồng thời cần đề xuất TP những giải pháp góp phần giải quyết vướng mắc trong hoạt động chuyển đổi phòng công chứng. Đoàn sẽ báo cáo HĐND TP về nguyên nhân khách quan, chủ quan trong việc để chậm chuyển đổi này; trách nhiệm cụ thể của các sở, ngành, đơn vị.