Hà Nội: Thu hút FDI và dấu ấn hạ tầng

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với tiềm năng và lợi thế lớn, triển khai nhiều giải pháp sát cánh hỗ trợ đồng hành cùng doanh nghiệp, những năm qua thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Hà Nội đã đạt được những kết quả khá tích cực.

Top địa phương thu hút nhiều FDI đầu tư mới

Sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính, giai đoạn 2008 - 2022, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội của Hà Nội huy động đạt gần 4,04 triệu tỷ đồng, tăng hàng năm 11,04%. Cơ cấu đầu tư xã hội dịch chuyển rõ nét, khu vực Nhà nước giảm từ 51% năm 2010 xuống còn khoảng 34,3%; khu vực ngoài Nhà nước tăng nhanh, từ 35,3% lên khoảng 54,8%.

Hà Nội luôn trong top những địa phương có số dự án FDI đầu tư mới nhiều nhất. Ảnh minh hoạ
Hà Nội luôn trong top những địa phương có số dự án FDI đầu tư mới nhiều nhất. Ảnh minh hoạ

Riêng về thu hút FDI, giai đoạn 2018-2020, Hà Nội luôn trong nhóm dẫn đầu cả nước, trong đó: năm 2018 và 2019 xếp thứ 1/63 tỉnh, thành với số vốn lần lượt đạt 7,5 tỷ USD và 8,67 tỷ USD; năm 2020, xếp thứ 3/63 tỉnh, thành đạt 3,83 tỷ USD. Trong 2 năm 2021 và 2022, do bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên thu hút FDI vào TP Hà Nội có sự giảm sút. Tuy nhiên, Hà Nội vẫn là điểm đến hấp dẫn. Tính đến cuối năm 2022, đã thu hút mới trên 4.500 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 33 tỷ USD; các doanh nghiệp FDI đã đóng góp trên 10% thu ngân sách, 11% số lao động trong các doanh nghiệp, 11% vốn đầu tư phát triển toàn xã hội...

Trong 11 tháng năm 2023, TP thu hút gần 2,7 tỷ USD vốn FDI. Riêng trong tháng 11, TP  Hà Nội thu hút 49,7 triệu USD vốn FDI. Hà Nội là một trong 4 địa phương có số dự án FDI đầu tư mới nhiều nhất (chiếm tới 67,4% số dự án mới của cả nước trong 11 tháng).

Đánh giá về bức tranh tổng quát thu hút FDI trên địa bàn TP Hà Nội thời gian gần đây, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng: dòng vốn FDI có xu hướng tiếp cận thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của doanh nghiệp, dự án hiện hữu và cả dự án mới. Cho thấy, niềm tin của các nhà đầu tư được nâng lên.

Còn chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, đà tăng nguồn vốn FDI của Hà Nội từ các tập đoàn nước ngoài gia tăng là minh chứng rõ nét nhất, tạo dựng niềm tin mạnh mẽ về sự tăng trưởng trong mắt nhà đầu tư quốc tế.

Những yếu tố giúp Hà Nội luôn nằm trong Top dẫn đầu các tỉnh, TP về thu hút vốn đầu tư nước ngoài bởi Hà Nội là Thủ đô của cả nước, với lợi thế cạnh tranh kinh tế - xã hội phát triển bền vững, nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng cao, thị trường tiềm năng, dịch vụ đa dạng. Hơn nữa Hà Nội được đánh giá cao về cơ sở hạ tầng, chi phí thời gian, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, luôn sát cánh hỗ trợ đồng hành cùng doanh nghiệp.

TP đã ban hành và thực hiện các kế hoạch hàng năm về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, xúc tiến đầu tư...

Dấu ấn các khu công nghiệp, dự án hạ tầng

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, cùng với cả nước bước vào thời kỳ hội nhập quốc tế sâu, rộng với nhiều cơ hội và thách thức đan xen, Hà Nội đã và đang xác định cộng đồng doanh nghiệp nói chung, cộng động doanh nghiệp FDI nói riêng là động lực quan trọng cho quá trình hội nhập và phát triển của Thủ đô.

Khu công nghệ cao Hoà Lạc
Khu công nghệ cao Hoà Lạc

Dự kiến, năm 2024, Hà Nội phấn đấu thu hút FDI đạt khoảng 3,15 tỷ USD; trong đó, các dự án có sử dụng đất khoảng hơn 2,15 tỷ USD, các dự án thương mại, dịch vụ khoảng 1 tỷ USD. Năm 2025, Hà Nội phấn đấu thu hút FDI đạt khoảng 2,7 tỷ USD; trong đó, các dự án có sử dụng đất khoảng hơn 1,5 tỷ USD, các dự án thương mại, dịch vụ đạt khoảng 1,2 tỷ USD.

Hà Nội xác định một số ngành, lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư phù hợp với xu hướng phát triển chung, có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và khai thác các lợi thế của Thủ đô. Đồng thời khai thác các thế mạnh của các tỉnh, TP trong vùng như phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, xây dựng TP thông minh; công nghiệp hỗ trợ sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường và tiêu hao ít năng lượng. Tiếp đến là các dự án lĩnh vực công nghệ thông tin; nghiên cứu phát triển; du lịch, dịch vụ tài chính, ngân hàng; đào tạo nhân lực; nông nghiệp công nghệ cao, thực phẩm sạch an toàn…

Hà Nội đang xây dựng phương án phát triển khu, cụm công nghiệp để phục vụ công tác lập Quy hoạch Thủ đô, đồng thời chuẩn bị tốt các điều kiện tiếp nhận quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc; tập trung đẩy mạnh hạ tầng giao thông, trong đó có tuyến đường Vành đai 4, hạ tầng điện lực, viễn thông, thông tin để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là trong các lĩnh vực phát triển đô thị, sản xuất, khoa học và công nghệ.

Một số khu công nghiệp đang đứng đầu ở Hà Nội là khu công nghiệp tập trung Sài Đồng A có vị trí tại Thị trấn Sài đồng thuộc Thủ đô Hà Nội. Khu công nghiệp Sài Đồng A có diện tích 420 ha; là khu công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Chủ đầu tư là Công ty liên doanh giữa Công ty Điện tử Hà Nội (Hanel) và Công ty Deawoo Engineer Contruction (Hàn Quốc). Quy hoạch đề xuất khu công nghiệp tập trung Sài Đồng A tiếp tục duy trì khu công nghiệp tại đây với diện tích 197 ha, theo hướng thu hút đầu tư nước ngoài để xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp, chuẩn bị mặt bằng cho các doanh nghiệp FDI vào thuê đất để đầu tư sản xuất kinh doanh.

Kế tiếp là khu công nghiệp Nội Bài được phát triển bởi Công ty TNHH phát triển Nội Bài có tổng diện tích là 100 ha, được chia thành hai bước phát triển: Bước 1 (50ha), bước 2 (50ha) và đã được cho thuê 100%. Thời gian thuê là 50 năm (tính từ năm 1994 đến năm 2044) các nhà đầu tư chủ yếu bao gồm đến từ: Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore và Malysia. Trong đó nhà đầu tư Nhật Bản chiếm 70% và số dự án đã đầu tư tại đây là 39 dự án.

Tiếp theo có thể kể đến là Khu công nghiệp Thăng Long, với cơ sở hạ tầng Quy mô phát triển, khu công nghiệp Thăng Long có diện tích đất chiếm 302ha. Thời gian thuê đất tới năm 2047. Cho đến nay, Khu công nghiệp Thăng Long đã thu hút 31 nhà đầu tư, hầu hết là các nhà đầu tư của Nhật, ngoại trừ 1 nhà đầu tư của Malaysia và 1 của Singapore. Các nhà đầu tư này phần lớn là ngành điện tử, lắp ráp điện tử, sản xuất linh kiện ô tô và xe máy.

Một khu vực nữa không thể không kể tới đó là khu công nghệ cao sinh học, có quy mô diện tích khoảng 200ha thuộc địa phận các xã Tây Tựu, Liên Mạc, Thụy Phương, Minh Khai và Cổ Nhuế của Quận Từ Liêm. Khu công nghệ cao sinh học Hà Nội sẽ đầu tư xây dựng các xí nghiệp, công trình phát triển công nghệ và thử nghiệm; trung tâm điều hành, dịch vụ công cộng, công viên cây xanh, hồ điều hòa, khu đào tạo, viện nghiên cứu, bệnh viện, khách sạn...

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho hay: TP sẵn sàng đồng hành, sát cánh cùng nhà đầu tư; đảm bảo an ninh, an toàn, ổn định; đảm bảo cung ứng thiết yếu (điện, nước, logistics), đẩy mạnh phát triển hạ tầng và cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao. TP tiếp tục đổi mới trong công tác xúc tiến đầu tư, gắn kết với xúc tiến thương mại, du lịch cũng như gắn với hoạt động đối ngoại, văn hóa. Đẩy mạnh vai trò của các cơ quan xúc tiến đầu tư đối với các tổ chức ngoại giao và khu vực kinh tế vốn đầu tư nước.

Mới đây Chính phủ đã bàn giao Khu công nghệ cao Hoà Lạc về cho UBND TP Hà Nội quản lý. Với hạ tầng đồng bộ, Khu công nghệ cao Hoà Lạc có đầy đủ điều kiện để hỗ trợ tốt nhất cho các nhà đầu tư muốn tìm đến một vị trí là trung tâm kinh tế của vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Đến nay, khu công nghệ cao Hòa Lạc đã thu hút được 106 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 85.602 tỷ đồng và 702,57 triệu USD trên tổng diện tích khoảng 380ha.

Được biết, thời gian tới Hà Nội sẽ đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trên cao, đường sắt đô thị nổi và ngầm. Đặc biệt sẽ phấn đấu hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng đường vành đai 4 đúng tiến độ và xây thêm đường vành đai 5 trước năm 2027. Với việc hạ tầng ngày một phát triển, các dự án như đường vành đai và một loạt các khu công nghiệp, công nghệ cao mới đang được đẩy mạnh sẽ là các yếu tố Hà Nội tăng khả năng cạnh tranh, hướng tới sự phát triển trong dài hạn.