Hà Nội:Tỷ số giới tính khi sinh còn ở mức cao 113 trẻ trai/100 trẻ gái

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 16/6, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS - KHHGĐ) Hà Nội tổ chức hội thảo nâng cao hiệu quả tuyên truyền về công tác DS - KHHGĐ trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh chưa có nhiều cải thiện

Báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện công tác dân số kế hoạch hóa gia đình, Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Hà Nội Nguyễn Minh Xuân cho biết, trong 6 tháng đầu năm năm 2022, tỷ lệ giảm sinh con thứ 3 trở lên trên địa bàn TP đạt 7,2 % (giảm 321 trẻ tương đương giảm 0,4 % trẻ so với cùng kỳ, năm 2021 là 7,6%). Tỷ số giới tính khi sinh còn ở mức cao 113 trẻ trai/100 trẻ gái, tăng so với cùng kỳ năm 2021 (112,7 trẻ trai/100 trẻ gái). Tỷ lệ sàng lọc trước sinh 6 tháng đầu năm 2022 đạt 84,24%, tăng so với cùng kỳ năm 2021 (83,93%), sàng lọc sơ sinh 89,17 %  tăng so với  cùng kỳ năm 2021 (88,15 %). Tổng số người sử dụng biện pháp tránh thai mới 6 tháng đầu năm 2022 là 405.810 người (đạt 105,3% kế hoạch năm), tăng 2.032 người so với cùng kỳ năm 2021 (403.778 người).

Phát biểu tại hội thảo, Chi cục trưởng Chi cục DS - KHHGĐ Hà Nội Tạ Quang Huy cho biết, thời gian qua, công tác dân số Thủ đô luôn nhận được sự quan tâm của các cơ quan truyền thông, báo chí và đạt được những kết quả nhất định. Thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới, hội thảo là cơ hội để kết nối, tăng cường thông tin giữa cơ quan báo chí với các trung tâm y tế quận, huyện để làm rõ hơn hoạt động dân số, nâng cao chất lượng dân số và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; góp phần hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của thành phố Hà Nội. Đồng thời, góp phần để công tác tuyên truyền dân số vào cuộc sống đạt kết quả cao nhất.

Chi cục trưởng Chi cục DS - KHHGĐ Tạ Quang Huy chia sẻ tại hội thảo.
Chi cục trưởng Chi cục DS - KHHGĐ Tạ Quang Huy chia sẻ tại hội thảo.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, những năm qua Hà Nội đã có nhiều biện pháp và hoạt động nhằm cải thiện tỷ số giới tính khi sinh, tuy nhiên đây vẫn là vấn đề đáng chú ý trong thực hiện chỉ tiêu hằng năm. Vậy những nguyên nhân, khó khăn nào khiến tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh chưa có nhiều cải thiện lớn? Cũng có ý kiến băn khoăn, tỷ lệ sinh con thứ ba và có tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh cao thường rơi vào các huyện ngoại thành như Mỹ Đức, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Mê Linh…? Nguyên nhân của thực trạng này có phải do khoảng cách về trình độ, nhận thức giữa nội thành và ngoại thành? Ngành dân số Thủ đô đã triển khai công tác thanh tra, kiểm tra như thế nào để hạn chế tình trạng lựa chọn giới tính thai nhi?

Đề cập về vấn đề này, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thanh Oai Nguyễn Đình Túc khẳng định, việc giảm tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh những năm gần đây chưa được như mong muốn là vấn đề các cơ sở luôn trăn trở. Cách đây 3 năm, huyện Thanh Oai có tỷ số giới tính khi sinh là 114 trẻ trai/100 trẻ gái. Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm 2022, tỷ số này ở ngưỡng 112 trẻ trai/100 trẻ gái và địa phương phấn đấu mục tiêu 111,8 trẻ trai/100 trẻ gái. Mỗi năm giảm từ 0,2 - 0,3 điểm tỷ số giới tính khi sinh là sự thay đổi đáng kể với nỗ lực lớn. Thực tế, nhiều gia đình ở vùng ngoại thành vẫn giữ tục lệ, tâm lý mong muốn có con trai. Cùng với việc có điều kiện kinh tế, các gia đình càng có xu hướng lựa chọn con trai nhiều hơn.

“Biện pháp cải thiện tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh hiện nay chủ yếu vẫn là qua hình thức tuyên truyền “mưa dầm thấm lâu” để người dân nhận thức rõ sự bình đằng giữa trẻ em trái và trẻ em gái. Cùng với đó là cần có chế tài và khung xử phạt, biện pháp răn đe mạnh mẽ hơn nữa đối với các cơ sở lựa chọn giới tính thai nhi” - ông Túc chia sẻ.

Thường xuyên thanh kiểm tra phòng khám tư nhân lựa chọn giới tính thai nhi

Thông tin về công tác thanh tra, kiểm tra phòng khám tư nhân lựa chọn giới tính thai nhi của các cơ quan chức năng, Chi cục trưởng Chi cục DS - KHHGĐ Tạ Quang Huy chia sẻ, UBND TP đã phân cấp cho UBND các quận, huyện phối hợp với phòng y tế thường xuyên kiểm tra. Đến khoảng tháng 8 – 9/2022, 30 quận, huyện sẽ có báo cáo rõ về vấn đề này.

Cũng tại hội thảo, có ý kiến băn khoăn, Nghị quyết 21-NQ/TW ban hành khiến chính sách dân số đã được nới lỏng, nghĩa là các cặp vợ chồng có thể sinh con thoải mái? Làm rõ hơn về vấn đề này, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ khẳng định, nhận thức này chưa hoàn toàn đúng đắn. Quan điểm của Hà Nội là vẫn thực hiện phương châm mỗi cặp vợ chồng nên có hai con.

Nghị quyết 21-NQ/TW nêu rằng, chuyển trọng tâm chính sách từ DS - KHHGĐ sang DS và phát triển. Trên cơ sở thực hiện Nghị quyết, Chính phủ đã ban hành các chương trình hành động, chia các tỉnh, TP thành 13 khu vực. Đối với các tỉnh, TP có mức sinh cao thì tiếp tục thực hiện giảm sinh. Đối với các tỉnh, TP có mức sinh thấp (bình quân 1,5-1,6 con/phụ nữ) thì phải tăng sinh và nâng chỉ số con bình quân của phụ nữ. Đối với các tỉnh, TP đạt được mức sinh thay thế (bình quân 2,1 con/phụ nữ) thì tiếp tục duy trì mức sinh thay thế.

“Hà Nội thuộc nhóm duy trì mức sinh thay thế. Do vậy, trong chỉ tiêu kế hoạch, từ năm 2022, TP không giao chỉ tiêu giảm tỷ suất sinh thô mà chỉ giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 để duy trì mức sinh thay thế” - ông Tạ Quang Huy nhấn mạnh.

Liên quan đến một số câu hỏi đội ngũ nữ công nhân lao động tại các khu công nghiệp trên địa bàn Thủ đô có nhiều hạn chế trong chăm sóc sức khỏe sinh sản (SHSS), đại diện Chi cục DS - KHHGĐ Hà Nội cho biết, nhiều năm qua, đây là đối tượng ngành DS rất khó tiếp cận. Tuy nhiên, Chi cục Chi cục DS - KHHGĐ cũng đã đẩy mạnh các hoạt động truyền thông tại các khu nhà trọ vào ngày nghỉ, ngoài giờ làm, thậm chí là các buổi tối tới nữ công nhân lao động. Về hình thức cung cấp dịch vụ, các đơn vị đã phối hợp với tổ chức Công đoàn xây dựng mô hình dân cư đặc thù; trực tiếp xuống cơ sở, phát tờ rơi, khám sức khỏe cho đối tượng này. Nhờ đó, nhận thức của nữ công nhân cũng dần được nâng cao.

Thông tin thêm về nâng cao chất lượng dân số, hoạt động chăm sóc sức khỏe tiền hôn nhân cũng đã được ngành dân số Thủ đô triển khai nhiều năm nay với đa dạng hoạt động, chia ra các đối tượng và lứa tuổi cụ thể. Danh mục khám sức khỏe tiền hôn nhân đã có theo quy định của Bộ Y tế. Từ hiệu quả của các mô hình khám sức khỏe tiền hôn nhân thời gian qua sẽ tiếp tục nhân rộng, liên kết với các trường học, đoàn thanh niên để phát triển thể chất và tầm vóc người Hà Nội.

Liên quan đến hoạt động tầm soát, sàng lọc một số bệnh trước sinh và sơ sinh, Chi cục DS - KHHGĐ cũng đang triển khai tập trung tuyên truyền, vận động, tư vấn từ tuyến xã, huyện. Hà Nội đã thành lập trung tâm sàng lọc một số bệnh trước sinh và sơ sinh đặt tại Bệnh viện phụ sản Hà Nội. Phấn đấu năm 2022 sẽ 86% trẻ sinh ra được sàng lọc.

 

“Khó khăn nhất của công tác dân số chính là hạ thấp tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh. Cách đây 10 năm, tỷ số giới tính khi sinh của Hà Nội là 117 trẻ trai/100 trẻ gái. Qua nhiều năm kiên trì, năm 2021, tỷ số này giảm xuống còn 113 trẻ trai /100 trẻ gái. Năm 2022 phấn đấu không quá 112,5 trẻ trai/100 trẻ gái. Do xuất phát điểm của Hà Nội cao so với cả nước và vấn đề văn hóa coi trọng con trai đã ăn sâu bám rễ, vì thế để thực hiện cải thiện tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh cần có thời gian, lộ trình và sự vào cuộc, chung tay của các cấp, ngành, địa phương cùng chính bản thân của người dân” - Chi cục trưởng Chi cục DS - KHHGĐ Hà Nội Tạ Quang Huy