Hà Tĩnh: Khẩn trương khắc phục lũ lụt

Văn Chương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các địa phương bị thiệt hại nặng nề do mưa lũ trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đang khẩn trương khắc phục hậu quả, sớm ổn định cuộc sống.

Các địa phương ở tỉnh Hà Tĩnh đang huy động lực lượng, phương tiện tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ
Các địa phương ở tỉnh Hà Tĩnh đang huy động lực lượng, phương tiện tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ

Mưa lũ trong những ngày qua đã gây thiệt hại nặng nề đối với các công trình giao thông, thủy lợi và đời sống, sinh hoạt của Nhân tỉnh Hà Tĩnh, nhất là tại các huyện Hương Khê, Vũ Quang, Can Lộc, Kỳ Anh. Trong mưa lũ, được sự quan tâm chia sẻ, chỉ đạo sâu sát của chính quyền các cấp, các cơ quan, đơn vị, người dân vùng lũ đã chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống.

Nhiều hộ dân tại xã Quang Thọ, huyện Vũ Quang bị sạt lở nghiêm trọng.
Nhiều hộ dân tại xã Quang Thọ, huyện Vũ Quang bị sạt lở nghiêm trọng.

“Mưa lũ đã gây sạt lở nghiêm trọng bờ sông Ngàn Trươi, lấn sâu vào nhà ở, nguy cơ mất an toàn rất lớn.Tuy nhiên, nhờ chủ động các phương án ứng phó, di dời tạm thời nên hiện nay cả gia đình đều an toàn. Việc phòng chống mưa lũ trước mắt cơ bản ổn định, nhưng về lâu dài bờ sông cần được gia cố, kè chống sạt lở kiên cố để ổn định cuộc sống”, ông Nguyễn Văn Lâm ở xã Quang Thọ, huyện Vũ Quang lo lắng nói.

Đợt mưa lũ trong những ngày qua đã khiến cho 2 người tử vong, 1 người mất tích, gần 1.900 hộ dân ở tỉnh Hà Tĩnh bị nước vào vườn, nhà. Nhiều nhà văn hóa thôn, công trình trường học, đường giao thông, đê kè, kênh mương thủy lợi… bị ngập, sạt lở, hư hỏng nghiêm trọng. Ngoài ra, mưa lũ cũng đã gây thiệt hại nhiều diện tích cây ăn quả, rau màu và phát triển chăn nuôi.

Nhiều hộ dân ở xã Hà Linh, huyện Hương Khê vẫn bị ngập sâu trong nước lũ
Nhiều hộ dân ở xã Hà Linh, huyện Hương Khê vẫn bị ngập sâu trong nước lũ
Các trường học bị ngập lũ đang tập trung xử lý môi trường, sớm ổn định dạy học
Các trường học bị ngập lũ đang tập trung xử lý môi trường, sớm ổn định dạy học

“Hiện tại, địa phương đang tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn và người dân nước rút đến đâu chủ động khắc phục hậu quả đến đó, nhất là không để rác rưởi gây ô nhiễm môi trường, phát sinh dịch bệnh. Đối với các công trình giao thông, thủy lợi, đê điều bị sạt lở, hư hỏng khi nước lũ rút tùy vào điều kiện cụ thể sẽ huy động lực lượng, phương tiện gia cố, khắc phục kịp thời, sớm ổn định đời sống, sinh hoạt và đi lại của người dân”, ông Nguyễn Xuân Quyền- Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hương Khê cho biết.

Nhiều thôn xóm, hộ dân ở tỉnh Hà Tĩnh vẫn bị nước lũ cô lập, chia cắt
Nhiều thôn xóm, hộ dân ở tỉnh Hà Tĩnh vẫn bị nước lũ cô lập, chia cắt
Nước  hạ du sông Ngàn Sâu vẫn dâng cao, lúc 16 giờ  ngày 31/10 tại trạm thủy văn Hòa Duyệt, huyện Vũ Quang là 9,83m dưới BĐIII 0,67m
Nước  hạ du sông Ngàn Sâu vẫn dâng cao, lúc 16 giờ  ngày 31/10 tại trạm thủy văn Hòa Duyệt, huyện Vũ Quang là 9,83m dưới BĐIII 0,67m

Hiện nay, mưa trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh có xu hướng giảm, nước lũ tại vùng thượng huyện Hương Khê, Vũ Quang, Kỳ Anh đã bắt đầu rút. Tuy nhiên, ở một số vùng hạ du thấp trũng nhiều hộ dân nước vẫn ngập nhà, nhiều tuyến đường vẫn bị ngập sâu, gây chia cắt cô lập cục bộ các thôn xóm.

“Các cơ quan, địa phương, đơn vị ở tỉnh Hà Tĩnh đang tập trung triển khai nhiều phương án ứng phó với mưa lũ theo phương châm “4 tại chỗ” nhằm đảm bảo an toàn về tính mạng, tài sản cho Nhân dân. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, cảnh báo người dân chủ động phòng chống lũ quét, sạt lở đất, đảm bảo vận hành an toàn các công trình giao thông, thủy lợi. Cùng với đó, tỉnh cũng đã huy động lực lượng, phương tiện giúp đỡ, hỗ trợ người dân tập trung khắc phục hậu quả lũ lụt, sớm ổn định sản xuất, đời sống”, đại diện Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Tĩnh thông tin.