Hà Tĩnh: Người nuôi trồng thủy sản chủ động ứng phó với mưa bão

Văn Chương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Nuôi trồng thủy sản có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế ở tỉnh Hà Tĩnh. Gần đây, mưa bão diễn biến phức tạp, khó lường, người nuôi trồng thủy sản đang chủ động các phương án ứng phó, phòng ngừa thiệt hại do thiên tai gây ra.

Tận dụng tiềm năng, lợi thế ao hồ, mặt nước vùng ven sông, ven biển, người dân Hà Tĩnh đã chú trọng đầu tư nuôi trồng thủy sản. Hiện nay, các mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng, tôm sú, cua, cá chim vây vàng, cá buôi… theo hình thức thâm canh công nghệ cao được áp dụng rộng rãi, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế.

Anh Võ Xuân Chung ở xã Kỳ Hải, huyện Kỳ Anh tiến hành giăng lưới tại hồ nuôi thủy sản, phòng ngừa thiệt hại do mưa lũ
Anh Võ Xuân Chung ở xã Kỳ Hải, huyện Kỳ Anh tiến hành giăng lưới tại hồ nuôi thủy sản, phòng ngừa thiệt hại do mưa lũ

Gia đình anh Võ Xuân Chung ở xã Kỳ Hải, huyện Kỳ Anh hiện có 2,2ha ao hồ, mặt nước nuôi trồng thủy sản. Nhờ áp dụng đồng bộ các biện pháp khoa học kỹ thuật, bình quân mỗi năm anh thu hoạch hơn 2 tấn cá, tôm các loại, mang lại nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng.

“Cùng với theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, tôi đã chủ động gia cố, sửa chữa bờ ao, cống thoát nước, tiến hành giăng lưới kích thước nhỏ để hạn chế thủy sản nuôi thoát ra ngoài. Các loại cá, tôm, cua khi đã đạt kích cỡ thương phẩm là thu hoạch nhanh gọn trước khi có mưa lũ xảy ra”, anh Võ Xuân Chung cho biết.

Các hộ nuôi thủy sản trên sông Ngàn Sâu chủ động che chắn lồng bè trong mùa mưa bão
Các hộ nuôi thủy sản trên sông Ngàn Sâu chủ động che chắn lồng bè trong mùa mưa bão
Hầu hết hệ thống ao hồ nuôi  trồng thủy sản ở Hà Tĩnh đều được gia cố, nâng cấp đảm bảo an toàn
Hầu hết hệ thống ao hồ nuôi  trồng thủy sản ở Hà Tĩnh đều được gia cố, nâng cấp đảm bảo an toàn

Hà Tĩnh có 137km bờ biển và hệ thống ao hồ, sông suối dày đặc. Với nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích người dân, phong trào nuôi trồng thủy sản, nhất là vùng nước mặn lợ phát triển mạnh. Hầu hết các địa phương ven biển như: Nghi Xuân, Lộc Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh…đều có những mô hình nuôi quy mô lớn, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

“Toàn huyện hiện có hơn 460 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản, trong đó nuôi mặn lợ 305 ha. Trong mùa mưa lũ, huyện đã tuyên truyền, khuyến cáo người dân kịp thời khai thác sản phẩm khi đến vụ thu hoạch. Tiến hành nâng cấp ao nuôi, chuẩn bị ngư lưới cụ để hạn chế thủy sản thất thoát khi mưa lũ làm ngập hoặc vỡ ao nuôi và có các phương án xử lý dịch bệnh phù hợp”, ông Lê Hồng Cơ- Trưởng phòng NN&PTNT huyện Lộc Hà cho biết.

Theo thống kê sơ bộ của tỉnh Hà Tĩnh, 9 tháng năm 2023 sản lượng thủy sản ước đạt 46.022 tấn, bằng 102,04% so với cùng kỳ. Trong đó sản lượng nuôi trồng ước đạt 13.695 tấn, bằng 100,64% so với cùng kỳ năm trước. Dự báo, những tháng cuối năm điều kiện thời sẽ không thuận lợi, mưa bão, lũ lụt xảy ra bất thường, việc nuôi trồng thủy sản sẽ gặp những khó khăn.

Mùa mưa bão vùng biển Hà Tĩnh thường xảy ra sóng lớn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ thiệt hại trong nuôi trồng thủy sản
Mùa mưa bão vùng biển Hà Tĩnh thường xảy ra sóng lớn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ thiệt hại trong nuôi trồng thủy sản
Chủ động phòng, chống mưa bão, áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật là yếu tố quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trong nuôi trồng thủy sản
Chủ động phòng, chống mưa bão, áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật là yếu tố quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trong nuôi trồng thủy sản

Trao đổi với phóng viên, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh Nguyễn Công Hoàng cho biết, đơn vị đã đẩy mạnh tuyên truyền, ban hành văn bản tập trung ứng phó với mưa lũ trong nuôi trồng thủy sản. Khuyến cáo các địa phương và người dân theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, chuẩn bị đầy đủ nguyên vật liệu, bố trí nhân lực, chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn, phòng ngừa thiệt hại.

Cũng theo ông Nguyễn Công Hoàng, trước khi mưa lũ xảy ra người dân cần nhanh chóng thu hoạch toàn bộ hoặc thu tỉa thủy sản nuôi khi đã đạt kích cỡ thương phẩm; chủ động sửa chữa, gia cố bờ ao, cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống; nạo vét kênh mương, đặt ống xả tràn, kiểm tra hệ thống dây neo, phao lồng; che chắn, vệ sinh lồng bè thông thoáng, khi cần thiết có thể di chuyển lồng bè vào khu vực kín gió, đảm bảo an toàn.