Hành vi phản cảm

Thuần Hưng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đoàn người đang lưu thông trên đường Vành đai 3, đoạn gần nút giao với đường Trần Duy Hưng chứng kiến cảnh một người đàn ông thản nhiên "tè bậy" sát giải phân cách vừa ngỡ ngàng, xen lẫn bức xúc.

 Ảnh minh họa
Chuyện giải quyết nhu cầu vệ sinh cá nhân bức bách khiến không ít đàn ông bỏ qua thể diện mà "tè bậy" là hình ảnh thường thấy khi chúng ta lưu thông trên những trục đường dài, quốc lộ, hay kể cả các khu vực trong nội đô, vì khu vực đó không có nhà vệ sinh công cộng. Những hình ảnh đó vừa phản cảm, vừa gây mất vệ sinh môi trường.
Để răn đe, nâng cao ý thức nơi công cộng, từ ngày 1/2/2017, Nghị định 155/2016/NĐ-CP thay thế Nghị định 179/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, quy định tăng mức phạt tiền với hành vi gây mất vệ sinh khu chung cư, thương mại, dịch vụ, nơi công cộng cũng đã có hiệu lực với mức phạt tăng cao. Đáng chú ý, phạt tiền đến 3 triệu đồng (quy định cũ 200.000 - 300.000 đồng) với hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ, nơi công cộng.

Dạo đầu, nhiều nơi đã "treo thưởng" cho ai phát hiện, bắt quả tang người "tè bậy", tuy nhiên, sau đó lại lắng xuống. Thế nên, đôi lúc, chúng ta lại bắt gặp hình ảnh phản cảm nêu trên ở các tuyến phố hoặc những địa điểm khuất trong công viên, vườn hoa, điểm chờ xe buýt... Nhưng, "nói đi cũng phải nói lại", khi nhiều người dân cho rằng, để hài hòa mọi thứ, vị trí nhà vệ sinh cần được tính toán lắp đặt sao cho dễ tiếp cận hơn, không quá xa khỏi khu vực giao thông chính, tránh phải di chuyển khoảng cách dài.

Thực tế, mô hình nhà vệ sinh công cộng đã phát huy được hiệu quả tại nhiều nước trên thế giới. Nó có thể được cung cấp bởi chính quyền địa phương hoặc các DN thương mại. Có thể cần hoặc không cần nhân viên giám sát hoạt động. Về phí dịch vụ, ở một số quốc gia, người dân sử dụng nhà vệ sinh công cộng sẽ phải trả một khoản phí nhỏ. Với Hà Nội, lãnh đạo UBND TP đã đề nghị toàn bộ các nhà vệ sinh công cộng trên địa bàn Hà Nội phải miễn phí cho người dân, du khách. Hà Nội đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc lắp đặt 1.000 nhà vệ sinh công cộng, hoàn thành khoảng 2/3 vào năm 2020.

Trở lại câu chuyện "tè bậy" tại đường Vành đai 3, chỉ cần người đàn ông ấy đánh xe ô tô vào một cửa hàng, quán cafe nào đó bên đường xin "đi nhờ", chắc hẳn sẽ chẳng ai bất bình. Xóa đi những hình ảnh phản cảm nơi đô thị sẽ không khó nếu mỗi người tự ý thức hơn.