HĐND TP Hà nội giám sát cấp GCN quyền sử dụng đất: Lưu ý giải pháp tuyên truyền đến từng hộ dân

Trần Thụ - Hà Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 10/3, Đoàn giám sát số 1, số 2 của Thường trực HĐND TP Hà Nội do Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn và Phó Chủ tịch HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà làm Trưởng đoàn đã làm việc với huyện Gia Lâm, quận Thanh Xuân về tình hình, kết quả cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất trên địa bàn (GCN)

Tháo gỡ sớm vướng mắc
Huyện Gia Lâm được đoàn giám sát số 1 đánh giá là một trong những địa phương làm khá tốt việc cấp GCN. Đến 27/2/2017, huyện đã cấp được 91,58% GCN với đất ở (53.038 trường hợp) và 95,09% với đất nông nghiệp sau dồn điền đổi thửa (6.584 trường hợp). Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Lê Anh Quân cho biết: Các ngành chức năng của huyện đã thành lập nhiều tổ công tác xuống các xã và thị trấn để tuyên truyền vận động người dân về ý nghĩa của việc cấp GCN.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn kết luận giám sát tại Gia Lâm. Ảnh: Trần Thụ

Tuy nhiên, hiện tại, công tác cấp GCN tại địa phương cũng gặp không ít vướng mắc ở các trường hợp như đất vượt hạn mức, đất thuê thầu trái thẩm quyền, đất chưa đủ điều kiện cấp GCN… rất cần sự tháo gỡ vướng mắc từ ngành chức năng của TP. Trước những vướng mắc này, Phó Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Hữu Nghĩa giải thích, với các trường hợp chưa đủ điều kiện cấp GCN, huyện cần phải lập giấy xác nhận đăng ký đất đai để quản lý. Với trường hợp nhà đất do cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế quản lý (đã phân cho các hộ dân)… nên xem xét cấp GCN luôn. Với nhà thanh lý, phải hiểu là chỉ thanh lý tài sản trên đất, bây giờ cấp GCN cho người dân là phù hợp. Không chấp nhận các trường hợp quá hạn mức đất ở lại đòi nộp nghĩa vụ tài chính (như trong hạn mức)…
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn – Trưởng doàn giám sát số 1 nhận định: Đến thời điểm này, Gia Lâm đang là một trong những đơn vị dẫn đầu TP về việc cấp GCN. Tuy nhiên ở một số xã như Kim Sơn, Lệ Chi, Dương Quang việc cấp GCN còn thấp. Vì vậy, UBND huyện Gia Lâm và các ngành chức năng cần quan tâm chỉ đạo để các xã nói trên đạt tiến độ đã đề ra. Đồng thời, Sở TN&MT cần sớm có các văn bản đề xuất, để UBND TP điều chỉnh các chính sách cho phù hợp với thực tế. Sở cũng cần phối hợp với các tổ công tác để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các địa phương. “Nhiều quận, huyện không xử lý được những vướng mắc do không nắm rõ chủ trương và vấn đề” - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND nêu.
Nhiều trường hợp “bất khả kháng”
Chiều cùng ngày, làm việc với quận Thanh Xuân, đoàn giám sát số 2 cũng đánh giá cao kết quả quận đã làm được. Theo thống kê, đến nay quận đã hoàn thành việc cấp GCN với đất cho các hộ gia đình, cá nhân trong các khu dân cư đạt 98% số thửa đủ điều kiện. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 7.674 thửa chưa cấp GCN. Sau rà soát, trong số này, ngoài 398 thửa đến nay đã được tháo gỡ vướng mắc và đang triển khai hoàn thiện hồ sơ cấp GCN theo quy định, còn lại đều đang gặp khó khăn. Trong đó, hiện 863 thửa, quận đang phải xin ý kiến chỉ đạo của TP do lấn chiếm đất công, cấp đất trái thẩm quyền, chuyển mục đích sử dụng đất sai quy định…
Đặc biệt, tại quận có 6.303 thửa có vướng mắc thuộc dạng bất khả kháng, như có nguồn gốc đất nông nghiệp, đất nằm trong các dự án đã có quyết định thu hồi đất nhưng đến nay chưa thực hiện... Các trường hợp này không đủ điều kiện cấp GCN, quận đã chỉ đạo các phường hướng dẫn các hộ gia đình, cá nhân thực hiện việc đăng ký đất đai lần đầu theo quy định. Từ thực tế này, quận đề nghị, đối với các khu vực đã có quyết định thu hồi đất nhưng chậm hoặc không triển khai thực hiện, đề nghị hủy bỏ hoặc điều chỉnh quyết định thu hồi đất để cấp GCN…
Trước thực tế này, đoàn giám sát đề nghị, quận cần rà soát kỹ các trường hợp, trong đó làm rõ các thửa đất bị vướng quy hoạch, dự án treo... để báo cáo TP. Phó Chủ tịch HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà lưu ý: Quận cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động Nhân dân, các hộ gia đình chưa kê khai thực hiện trách nhiệm kê khai quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định. Các ngành nghiên cứu xem xét giải quyết kịp thời các kiến nghị của quận; tăng cường phối hợp tháo gỡ khó khăn vướng mắc thuộc lĩnh vực của ngành mình, tham mưu cho UBND TP giải quyết…