Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hệ thống điểm dừng, nhà chờ xe buýt của Hà Nội: Bất an ở ngoại thành

Ngọc Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện các tuyến buýt có trợ giá đã phủ đều tất cả các khu vực nông thôn, ngoại thành Hà Nội. Thế nhưng, hệ thống điểm dừng, nhà chờ xe buýt tại các khu vực này lại chưa được quan tâm đúng mức, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATGT.

Sát mặt với tử thần
Trên nhiều tuyến đường khu vực ngoại thành Hà Nội, các điểm dừng, nhà chờ xe buýt buộc phải đặt ở những vị trí quá sát với luồng phương tiện lưu thông, vừa bụi bặm, vừa tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn. Ví dụ như trên tuyến QL1 cũ, đoạn đi qua các huyện Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên, hướng từ trung tâm ra ngoại thành. Do không có vỉa hè, lại có tuyến đường sắt chạy song song nên hàng loạt điểm dừng buộc phải cắm bên trong hàng rào hành lang đường sắt, còn hành khách phải đứng ngoài hàng rào, ngay trên lòng đường để chờ xe buýt.
 Đứng chờ xe buýt trong tình trạng mất an toàn trên QL1 cũ.  Ảnh: Ngọc Hải 
Trên một số tuyến khác có lưu lượng giao thông rất lớn như QL21B, 21A, 32… các điểm dừng xe buýt được cắm ngay sát mép đường do không có vỉa hè, thậm chí không có cả hành lang an toàn. Mỗi khi đứng chờ xe buýt, hành khách thường lâm vào tình trạng phía trước là xe tải hạng nặng, ô tô, xe máy chạy tốc độ cao, sau lưng là mương nước hoặc ruộng sâu, không biết xoay sở ra sao để giữ an toàn. Anh Phạm Văn Nam (Phố Vác, Thanh Oai) cho biết: “Mặt đường 21B khá hẹp, xe cộ lại đông. Chúng tôi đứng chờ xe buýt sát bên dòng phương tiện mà lúc nào cũng nơm nớp sợ bị xe đâm”. Một số khu vực khác như Ba Vì, Sơn Tây… lại có nhiều điểm dừng xe buýt đặt ở những nơi hoang vắng, không có nhà dân, ít người qua lại. Vào những lúc chiều tối, người dân rất ngại đứng chờ hoặc xuống xe buýt tại những vị trí này do lo sợ mất an ninh, an toàn.

Bên cạnh đó, tình trạng thiếu nhà chờ, điểm đầu cuối xe buýt tại khu vực ngoại thành Hà Nội còn trầm trọng hơn nội thành gấp nhiều lần. Lãnh đạo Tổng Công ty Vận tải Hà Nội cho biết, đa số tuyến buýt đến các vùng ven, ngoại thành hiện nay mới chỉ có điểm dừng mà thiếu hẳn các nhà chờ có mái che. Ngoài ra, nhiều điểm đầu cuối tuyến buýt kết nối ngoại thành với trung tâm TP hiện nay đều là “tạm”. Có cái đặt nhờ trong trường học như tuyến số 88 Mỹ Đình - Xuân Mai, điểm cuối đặt trong khuôn viên trường Cao đẳng Cộng đồng Hà Tây. Có cái chỉ là một khu đất trống không hàng rào, không có hạ tầng phục vụ bán vé và hành khách như điểm đầu tuyến số 108 tại xã Minh Tân (Phú Xuyên).

Rào cản pháp lý

Liên quan đến các điểm dừng xe buýt dọc QL1 cũ, bên ngoài hàng rào hành lang đường sắt Bắc – Nam, Giám đốc Trung tâm Quản lý & điều hành giao thông đô thị Hà Nội Nguyễn Hoàng Hải chia sẻ: “Vẫn biết là khó khăn, nguy hiểm cho người dân nhưng không có cách nào khác, buộc phải bố trí như vậy”. Ông Nguyễn Hoàng Hải thông tin thêm, đơn vị đã từng đề xuất cho đẩy lùi hàng rào tại các vị trí cắm điểm dừng về phía đường sắt 2m, khoanh ô để người dân có chỗ chờ xe buýt an toàn hơn. Tuy nhiên, cơ quan quản lý đường sắt kiên quyết không đồng ý. Hay như các điểm dừng ven một số tuyến QL hiện nay nằm giữa mương thủy lợi với mép đường. Muốn làm nhà chờ, hay cải tạo, mở rộng lại phải có phương án xử lý để đảm bảo không ảnh hưởng đến kết cấu thủy lợi nội đồng.

Theo Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Ngô Mạnh Tuấn, hiện nhiều điểm dừng xe buýt nằm trên các tuyến đê cả nội thành và ngoại thành. Muốn xây dựng nhà chờ, hay thậm chí chỉ là tạo bục bệ cao hơn mặt đường để người dân đứng chờ xe buýt đỡ đi phần nào nguy hiểm cũng rất khó. “Để cải tạo một điểm dừng xe buýt trên đê phải xin ý kiến các cơ quan quản lý thủy lợi, đê điều rất phức tạp. Chúng tôi cũng đã kiến nghị nhưng chưa được đơn vị nào đồng thuận với lý do là các quy định về bảo vệ đê điều hiện nay không cho phép” - ông Tuấn cho hay.

Lãnh đạo Trung tâm Quản lý & điều hành giao thông đô thị còn cho biết, một trong những khó khăn chính khiến cho việc nâng cấp, phát triển hệ thống điểm dừng chờ xe buýt nói chung trên địa bàn TP hiện nay là thiếu kinh phí. Nhiều chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh khó khăn về nguồn vốn, Hà Nội buộc phải tập trung phát triển một phần hệ thống nhà chờ trong nội thành để đáp ứng nhu cầu cho khu vực có mật độ dân cư và giao thông cao nhất. Đồng thời tìm cách giải quyết dần dần những bất cập cho khu vực ngoại thành, nơi không chỉ thưa thớt dân cư hơn, ít tuyến xe buýt đi qua hơn mà giá trị kinh tế khai thác được từ hệ thống điểm dừng nhà chờ xe buýt cũng hạn chế hơn nội thành rất nhiều.

(Còn nữa)