Hết Covid-19, du lịch châu Á lo nạn rệp hút máu

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Số lượng rệp hút máu gia tăng trở thành nỗi lo lan rộng trong ngành du lịch châu Á, giữa bối cảnh ngành này đang nỗ lực đưa hoạt động kinh doanh trở lại mức trước đại dịch.

Nhân viên dọn dẹp ngăn ngừa rệp tại Sân bay Quốc tế Seoul, Hàn Quốc, ngày 17/11/2023. Ảnh: Yonhap
Nhân viên dọn dẹp ngăn ngừa rệp tại Sân bay Quốc tế Seoul, Hàn Quốc, ngày 17/11/2023. Ảnh: Yonhap

Một đợt bùng phát rệp đã được ghi nhận ở Hàn Quốc kể từ giữa tháng 10/2023, sau làn sóng lây lan ở các thành phố châu Âu như Paris (Pháp) và London (Anh).

Nỗi sợ hãi sau đó đã nhanh chóng lan sang Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore và Đài Loan (Trung Quốc) - được cho là bởi nguồn du khách đến từ Hàn Quốc, buộc các chính phủ và doanh nghiệp phải gấp rút đảm bảo với công chúng về việc kiểm soát dịch.

Rệp là loài côn trùng hút máu màu nâu đỏ, thường có kích thước bằng hạt táo. Không có bằng chứng nào cho thấy chúng có khả năng truyền bệnh, nhưng vết cắn của loài này có thể gây ngứa ngáy và các phản ứng khác, đặc biệt rệp dễ dàng lây lan qua hành lý, xe cộ.

Ở Hàn Quốc, số ca nhiễm bệnh đang gia tăng. Các nhà chức trách xác nhận 70 trường hợp rệp mới trong tuần từ ngày 20 - 26/11, tăng so với 68 trường hợp của một tuần trước đó. Cơ quan phòng chống dịch bệnh quốc gia này đã thực hiện một video để thông báo cho người dân cách thức tránh xa côn trùng.

Chính phủ Seoul vẫn đang tiến hành kiểm tra khoảng 140.000 cơ sở dành cho người vô gia cư, phòng tắm hơi, viện dưỡng lão, ký túc xá và chỗ ở cho khách du lịch trên toàn quốc. Busan - một TP du lịch nổi tiếng của Hàn Quốc - cũng thực hiện hút bụi ghế tàu điện ngầm mỗi tuần. 

Vào tháng 9 năm nay, hơn 900.000 khách du lịch nước ngoài đã đến thăm Hàn Quốc - đạt 77% mức cùng kỳ năm 2019 trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Theo thống kê chính thức, khách du lịch từ Nhật Bản, Trung Quốc và Đài Loan đứng đầu danh sách khách đến quốc gia này.

Các vấn đề về rệp ở Hàn Quốc được cho là bắt nguồn từ Pháp và Anh. Tuy nhiên, trong khi sự phục hồi du lịch sau đại dịch đã tạo cơ hội cho loài gây hại lây lan, các chuyên gia cho rằng việc đổ lỗi cho khách du lịch là chưa thỏa đáng.

Chow-Yang Lee, giáo sư về côn trùng học đô thị tại Đại học New York, nói với Nikkei Asia: "Gần đây có sự gia tăng các trường hợp rệp, nhưng điều đó là không có gì mới. Trên thực tế, rệp đã xuất hiện trở lại kể từ khoảng 25 năm trước, tức là vào năm 1998". Cũng theo ông Lee, kể từ khi thuốc trừ sâu DDT được giới thiệu vào những năm 1940, sự lây nhiễm của rệp phần lớn đã được kiểm soát, cho đến khoảng năm 2000.

Nhưng các nhà khoa học lưu ý, loài bọ này đã trở nên kháng thuốc trừ sâu hơn, bao gồm cả DDT. Sự phát triển kinh tế và sự đồng đều về điều kiện sống của con người cũng có thể góp phần khiến rệp sinh sôi trở lại.

Richard Naylor, một nhà côn trùng học chuyên về sinh học và hành vi của rệp ở Anh, giải thích: "Con người hiện nay luôn giữ cho ngôi nhà của mình xinh xắn và ấm áp quanh năm. Và rệp phụ thuộc rất nhiều vào nhiệt độ. Thời tiết ấm giúp chúng đẻ nhiều trứng hơn".

Nạn rệp hút máu từ lâu đã là một vấn đề ở nhiều TP lớn ở châu Á, vì loài sinh vật này phát triển mạnh ở những nơi có dân số đông và nhiều người qua lại.

Chiu Siu Wai, giáo sư tại Đại học Trung Hoa Hồng Kông, nói với một đài truyền hình địa phương rằng rệp là loài côn trùng hút máu phổ biến thứ 2 ở TP này, chỉ sau muỗi. Còn theo ông Shu-Ping Tseng, trợ lý giáo sư về côn trùng học tại Đại học Quốc gia Đài Loan, các hồ sơ và khảo sát trong những năm gần đây cho thấy sự gia tăng các trường hợp rệp, phần lớn liên quan đến các nước Đông Nam Á.

Tại Nhật Bản, truyền thông địa phương đưa tin hồi tháng 10 rằng nước này cũng nhận thấy xu hướng gia tăng số lượng các báo cáo về rệp trong vài năm qua, trong đó hoạt động du lịch nội địa chỉ chịu trách nhiệm một phần. Du khách nước ngoài đến Nhật Bản đã vượt mức trước đại dịch trong tháng 10/2023.

Mặc dù rệp không phải là điều gì mới mẻ ở châu Á nhưng làn sóng gia tăng lần này vẫn khiến nhiều người lo sợ. Clement Tan từ Hiệp hội quản lý dịch gây hại Singapore cho biết, các thành viên của hiệp hội đang nhận được nhiều yêu cầu hơn, từ 30 - 50%, và số ca điều trị thực tế đã tăng khoảng 10% so với con số trung bình từ đầu năm đến nay.

Ông Tan nói: "Singapore là một trung tâm trung chuyển toàn cầu, vì vậy cần phải có kế hoạch dự phòng".

Một nghi vấn có rệp trên chuyến tàu Airport Express ở Hồng Kông hồi tháng 11 vừa qua cũng đã làm dấy lên làn sóng mua thuốc diệt côn trùng của người dân địa phương. Chính quyền địa phương đã cố gắng xoa dịu công chúng, khẳng định họ sẽ kiểm tra kỹ các sân bay và nhắc nhở các hãng hàng không cũng như cơ quan quản lý sân bay chú ý đến việc vệ sinh máy bay và cơ sở vật chất của họ.

Các doanh nghiệp cũng đang cố gắng trấn an khách hàng của mình. Wing On Travel, một công ty du lịch ở Hồng Kông, đã đề nghị hoàn tiền cho người đầu tiên trong nhóm du lịch đến Hàn Quốc phát hiện rệp ở khách sạn, trên xe buýt hoặc trong nhà hàng trong các chuyến đi từ tháng 12/2023 đến tháng 2/2024.

Trên mạng xã hội Tiểu hồng thư của Trung Quốc, nhiều du khách cũng bày tỏ lo lắng vì đã lên kế hoạch cho chuyến đi tới Seoul, liên tục đăng tải những thắc mắc về tình hình mới nhất cũng như tìm kiếm lời khuyên về việc liệu họ có nên hủy chuyến đi hay không.

Giáo sư Lee nhấn mạnh rằng nạn rệp không phải là điều gì đó quá nghiêm trọng. Ông lưu ý, du khách có thể thực hiện các biện pháp phòng ngừa như kiểm tra giường trước khi dọn đồ vào phòng khách sạn, và giặt quần áo ở nhiệt độ cao sau khi trở về nhà.

Naylor, nhà côn trùng học người Anh, cũng đồng ý rằng có nhiều giải pháp để đối phó, thay vì bài trừ du lịch. Ông nói: "Các khách sạn và bệnh viện có thể làm được nhiều điều chỉ bằng cách chọn những chiếc giường có thiết kế hợp lý, chẳng hạn như tránh các loại vải có nếp gấp hoặc cấu trúc phức tạp. Giường khung kim loại rất khó cho rệp vì chúng không thể trèo lên chân giường và rất dễ để lật nó lên kiểm tra xung quanh xem liệu có con bọ nào ẩn náu hay không".

Ông Lee nói thêm rằng, các chính phủ cũng có thể cần phải can thiệp để giúp đỡ các nhóm dân cư thiệt thòi. "Chừng nào còn có rệp ở những ngôi nhà nghèo khó hơn thì cả TP sẽ luôn có rệp. Đây là vấn đề của cộng đồng, vì vậy chúng ta cần xử lý nạn rệp giống như cách chúng ta xử lý Covid-19" - giáo sư từ Đại học New York đề xuất.