Hiểm họa từ chó, mèo cảnh

Kim Ngân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vài năm gần đây, phong trào nuôi chó, mèo cảnh phát triển mạnh trở thành trào lưu trên cả nước, tuy nhiên thú vui này lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho chủ nuôi cũng như mọi người xung quanh.

Tiêm phòng cho chó, mèo để đề phòng bệnh dại.
Hiện nay tổng đàn chó, mèo trên địa bàn Hà Nội là 421.751 con, trong đó số lượng chó, mèo của 18 huyện, thị xã là 377.331 con; số lượng chó, mèo nuôi tại các quận nội thành là 44.420 con. Người dân chủ yếu nuôi trong nhà để làm cảnh hoặc để trông giữ nhà. Phương thức chăn nuôi này đã gây khó khăn cho các cấp quản lý trong việc giám sát dịch bệnh và quản lý đàn vật nuôi.
Trong khi đó, đa số người dân chưa có ý thức đăng ký vật nuôi với chính quyền địa phương, chưa ý thức được việc đeo rọ mõm mỗi khi thả cho ra đường. Tại các quận nội thành, nhiều gia đình có điều kiện đã nhập những giống chó có giá trị kinh tế cao, những loại thú nuôi to lớn và hung dữ như Pitbull, Dobermann, Rottweiler, Becgie… Tuy là chó, mèo cảnh được thuần hóa để thân thiện với con người, nhưng đôi khi những chú chó, mèo cảnh này cũng mất kiểm soát tấn công lại con người.

Chị Nguyễn Hải Hà, cư dân ở khu The Spark Dương Nội bức xúc kể lại: Cuối tuần trước, chị cùng cậu con trai 2 tuổi đứng chờ thang máy thì bị một chú chó Pitbull của nhà hàng xóm chồm lên xô ngã và định cắn cậu bé. May lúc đó chị phản ứng kịp, bế bổng bé lên, nếu không có thể con trai chị đã bị chú chó đó gây thương tích.

Hay gần đây nhất phải kể đến vụ tai nạn thương tâm của em bé 8 tháng tuổi ở quận Ba Đình bị chính chú chó ngao Tây Tạng trong gia đình tấn công dẫn đến tử vong. Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2018, Hà Nội đã có hơn 6.900 người bị chó cắn. Không chỉ gây ra các vụ tai nạn, mà nuôi thú trong nhà còn gia tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Đơn cử như nhiễm giun đũa do quá trình tiếp xúc, ôm ấp chó, mèo hay bệnh dại do chó, mèo dại cắn...

Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết: Những năm gần đây, hầu như năm nào trên địa bàn Hà Nội đều có người chết do chó dại cắn. Cụ thể năm 2016 có một nạn nhân ở Hoài Đức và một nạn nhân ở Ba Vì; năm 2017 có trường hợp tại Quốc Oai… Điều đáng nói là hầu hết chó cắn người bị dại đều là chó thả rông, chó lạ.

Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, hiện nay, công tác quản lý, đăng ký vật nuôi trong gia đình hiện nay chưa được chặt chẽ, nhiều địa phương còn bỏ ngỏ việc này. Các gia đình muốn sở hữu những chú chó, mèo hay những vật nuôi khác hiện nay rất dễ dàng. Chỉ cần đến các cửa hàng hay lên mạng đặt mua là có ngay một thú cưng mà hầu như không phải đăng ký hay khai báo gì. Công tác phòng bệnh cho vật nuôi cũng chưa được thực hiện đầy đủ.

Do đó, để hạn chế những hiểm họa khôn lường từ chó, mèo cảnh, các cơ quan chức năng cần siết chặt việc quản lý thú nuôi trong các gia đình để tránh những hệ lụy đáng tiếc có thể xảy ra. Đối với các chủ nuôi, cần đăng ký vật nuôi với chính quyền địa phương, quản lý nuôi xích, nhốt hoặc đeo rọ mõm khi đưa chó ra nơi công cộng và tổ chức tiêm phòng vaccine cho vật nuôi theo quy định.