Hiệu quả từ Cổng dịch vụ công quốc gia

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chính thức khai trương và vận hành vào tháng 12/2019, sau hơn 2 năm hoạt động, Cổng dịch vụ công quốc gia (DVCQG) đã phát triển vượt bậc cả về số lượng dịch vụ công cũng như nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) của người dân và DN nhờ ứng dụng hiệu quả CNTT.

Cán bộ phường Trung Liệt (quận Đống Đa) hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến tại bộ phận một cửa  
Cán bộ phường Trung Liệt (quận Đống Đa) hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến tại bộ phận một cửa  

Tính đến hiện tại Cổng DVCQG đang cung cấp 3.096 dịch vụ công trực tuyến với 1.696 dịch vụ dành cho công dân và 1.688 dịch vụ dành cho DN. Số lượng tài khoản đăng ký cũng đạt tới mức ấn tượng là 1 triệu cùng với số hồ sơ đồng bộ trạng thái là 72 triệu hồ sơ.

Bên cạnh đó, cũng đã có 100% Bộ, ngành, địa phương; 8 tập đoàn, tổng công ty, công ty; 15 ngân hàng, trung gian thanh toán kết nối với Cổng DVCQG. Số giao dịch trên Cổng là 116.000 với tổng số tiền 258 tỷ đồng cho các dịch vụ thanh toán: Phí, lệ phí, BHXH, BHYT, án phí...

Cùng với việc kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu với những hệ thống quan trọng khác như Cổng dịch vụ công và Hệ thống một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh, Cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành do đó Cổng DVCQG đã đảm bảo cung cấp dịch vụ công trực tuyến thực chất hơn, hiệu quả hơn cũng như thời gian được rút ngắn hơn đáng kể.

Theo ước tính, Cổng DVCQG đã giúp tổng chi phí xã hội tiết kiệm được khoảng hơn 3.000 tỷ đồng/năm. Cũng chính tại giai đoạn đại dịch Covid-19 hoành hành vừa qua, Cổng DVCQG đã thể hiện rõ nét vai trò của mình khi gúp người dân và DN thực hiện các TTHC thuận tiện thông qua môi trường trực tuyến thay vì phải tiếp xúc ngoài đời thực như trước đây. Có thể kể đến như chuỗi 8 dịch vụ công nhằm hỗ trợ người lao động, DN gặp phải khó khăn do Covid-19.

Những dịch vụ trên không chỉ giúp người lao động và sử dụng lao động có thể ngồi một chỗ nhưng vẫn thực hiện được các TTHC liên quan tới quyền lợi của mình mà cũng dần thay đổi ý thức trong đại bộ phận người dân khi chuyển dần thói quen làm việc với cơ quan nhà nước từ ngoài đời lên môi trường mạng. Đây chính là một trong những mục tiêu quan trọng được đề ra khi Việt Nam bắt tay vào quá trình xây dựng Chính phủ điện tử.