Hố sâu khoảng cách

Nhật Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Câu chuyện thưởng Tết cứ “đến hẹn lại lên” và như không bao giờ hết những rầm rĩ xung quanh cảnh “người ăn không hết người lần chẳng ra”.

Tết Đinh Dậu này cũng thế, bên cạnh những con số “khủng” khiến nhiều người phải ao ước, thì vẫn có nơi, người lao động ngậm ngùi lo “bị” thưởng Tết bằng… thuốc tránh thai, quần đùi.    
 Ảnh minh họa
Dù Bộ LĐTB&XH đã làm phép thống kê và “kết luận”: Mức thưởng Tết năm nay không có đột biến, thậm chí mức thưởng Tết trung bình đạt 4,9 triệu đồng, chỉ bằng 96% so với năm trước. Nhưng 2 con số ở 2 “cực” max – min khiến ai cũng giật mình: Mức thưởng Tết cao nhất là 1.000.000.000 đồng và mức thưởng Tết thấp nhất 50.000 đồng – thưởng gọi là cho có. Mức thưởng cao nhất nằm ở một DN FDI tại TP Hồ Chí Minh, còn mức “thưởng gọi là cho có” là tại DN dân doanh ở Bến Tre và một số DN FDI ở Thái Bình, Tây Ninh, Hải Dương. Ấy là một khoảng cách xa vời vợi, tựa như một hố sâu ngăn cách giữa người “ăn không hết” và người “lần không ra” về mức sống, cũng là một hố sâu phản ánh chuyện làm ăn của DN và thu nhập của người lao động trong khối này. Đáng nói là mức thưởng 50.000 đồng ấy không chỉ có ở duy nhất một DN, mà ngay trong điều tra chưa đầy đủ của Bộ LĐTB&XH đã cho thấy số tiền thưởng “hẻo” ấy có mặt ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Không buồn sao được khi nghĩ đến người lao động làm việc quần quật cả năm, đến 3 ngày Tết chỉ nhận được số tiền thưởng may mắn thì đủ mua 1 cái bánh chưng, chứ chưa nói đến 1 yến gạo hay 1 cây giò lụa… Không xót xa sao được khi mức thưởng Tết lại thường song hành cùng với mức thu nhập của người lao động trong các DN. Ấy là mức tiền thưởng Tết cao chủ yếu nằm ở những đơn vị làm ăn khá, thu nhập thường xuyên của người lao động ở những đơn vị này cũng ổn định ở mức cao và ngược lại ở những DN, đơn vị thu nhập bình quân của người lao động thấp thì tiền thưởng Tết cũng… gọi là cho có. Đấy là chưa nói đến những góc đời sống không có mặt trong diện điều tra của nhà quản lý. Bởi chẳng nói đâu xa, có những giáo viên quanh năm vật lộn với đời áo cơm để lên bục giảng giữ nghề, nhưng quỹ dành cho thưởng Tết không có, nhà trường đành ngậm ngùi động viên giáo viên của mình bằng mức thưởng 50.000 – 100.000 đồng. Câu chuyện nghe có vẻ hụt hẫng đối với cái nghề được coi là cao quý trong xã hội ấy đã từng lặp đi lặp lại bao lần… Và cả câu chuyện, công ty thưởng Tết cho nhân viên bằng sản phẩm cũng vậy. Sản phẩm quy ra tiền không đến nỗi ở mức 50.000 – 100.000 đồng, nhưng người lao động không thể mang những thứ ấy về bày trên mẫm cỗ Tết trong nhà… Ngẫm mà thấy tủi!
Dù mức thưởng Tết thấp nhất năm 2017 so với Tết năm 2016 đã tăng lên 10.000 đồng, dù thưởng Tết còn phụ thuộc vào tình hình làm ăn của từng cơ quan, đơn vị… Và dù như một nhà quản lý nói con số thưởng Tết chỉ nên để tham khảo, vì có cả trường hợp DN nói “vống” mức thưởng Tết để “đánh bóng tên tuổi”, thì cũng không thể phủ nhận: Vẫn còn một hố sâu khoảng cách trong mức thưởng Tết – đồng nghĩa vẫn còn khoảng cách dài trong đời sống của người lao động Việt.