Ngân hàng Chính sách xã hội quận Ba Đình

Hỗ trợ hàng nghìn người lao động vay vốn, tạo việc làm

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhờ nguồn vốn vay giải quyết việc làm với mức lãi suất ưu đãi, đã có hàng nghìn lao động trên địa bàn quận Ba Đình được tạo việc làm, mở rộng sản xuất, kinh doanh, nâng cao mức sống, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

Nguồn vốn vay tạo thu nhập 20 – 30 triệu đồng/tháng

Từ đầu năm 2023 đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) quận Ba Đình giải ngân được 115,4 tỷ đồng cho 1.492 lượt người lao động, trung bình mức vay 70 triệu đồng/lao động. Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên là 3 tổ chức chính trị xã hội đang đảm nhận nhiệm vụ ủy thác cho người lao động vay vốn giải quyết việc làm. Trong đó Hội Phụ nữ triển khai cho vay nhiều nhất với 3.704 người lao động, tổng số tiền 261.687 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 77% so với toàn quận.

Bà Nguyễn Thị Hoa đang thông tin về sử dụng đồng vốn vay và giới thiệu với cán bộ Phụ nữ phường Cống Vị về các sản phẩm thời trang dân tộc tại cửa hàng. Ảnh: Trần Oanh
Bà Nguyễn Thị Hoa đang thông tin về sử dụng đồng vốn vay và giới thiệu với cán bộ Phụ nữ phường Cống Vị về các sản phẩm thời trang dân tộc tại cửa hàng.
Ảnh: Trần Oanh

Để đồng vốn vay được sử dụng hiệu quả, các tổ chức Hội nhận ủy thác luôn quan tâm sát sao đến tổ viên vay vốn và hỗ trợ kịp thời khi họ cần. Nhờ có đồng vốn vay từ Ngân hàng CSXH quận Ba Đình ủy thác qua Hội Phụ nữ và Chi hội Phụ nữ số 5 phường Cống Vị, đến nay chị Chu Thị Hải Kim đang làm chủ cửa hàng chăn, ga, gối Hàn Quốc trên phố Đội Cấn. Đây là lần thứ hai chị Kim được vay vốn từ Ngân hàng CSXH Ba Đình với mức lãi suất ưu đãi. Lần trước, với 90 triệu đồng được vay, chị có thêm vốn nhập hàng, mua máy vắt sổ, máy khâu để may vỏ chăn, ga, gối, đệm.

Nhờ trả lãi hàng tháng và gốc đúng hạn nên năm ngoái chị lại được xét duyệt cho vay lần 2 với số tiền 90 triệu đồng để nhập nhiều mẫu hàng phục vụ khách. "Nguồn vốn vay giúp chúng tôi ổn định trong kinh doanh và có thêm khách hàng. Nhờ nguồn vốn vay đã tạo việc làm cho 3 thành viên trong gia đình với mức thu nhập bình quân hàng tháng từ 20 – 30 triệu đồng. Ngoài ra, tôi còn thuê 6 thợ may trả lương 8 - 15 triệu đồng/người/tháng” - chị Chu Thị Hải Kim cho vay.

Nhiều lần được vay vốn giải quyết việc làm đã giúp cho người lao động từ chỗ phải đi thuê địa điểm bán hàng thì nay đã có cửa hàng khang trang, với đa dạng mặt hàng và nguồn dự trữ. Ngôi nhà của gia đình bà Nguyễn Thị Hoa ở phố Đội Cấn vừa là nơi ở và cũng là cửa hàng thời trang dân tộc. Vừa giới thiệu các mẫu sản phẩm, bà Hoa phấn khởi biết, bà được xét duyệt cho vay vốn Ngân hàng CSXH quận Ba Đình nhiều lần, từ mức 20 triệu đồng lên 30 - 40 - 50 triệu đồng và hiện nay là 90 triệu đồng. Với số tiền được vay, bà sửa lại nhà để làm cửa hàng, mua máy khâu và nhập thêm vải thổ cẩm để may khăn, túi, ví, váy, quần, áo…

"Do nhu cầu khách hàng đặt mua nhiều, trong khi nhà chỉ có 2 người làm nên tôi thuê thêm 8 thợ may. Nhờ đó, thu nhập của gia đình tăng dần lên 20 triệu đồng/tháng; thợ may có lương trung bình 6 triệu đồng/tháng, tùy theo số sản phẩm làm được" - bà Nguyễn Thị Hoa chia sẻ.

Kiểm tra, giám sát việc sử dụng đồng vốn vay

Chị Chu Thị Hải Kim, bà Nguyễn Thị Hoa… là những gương điển hình trong việc vay vốn từ Ngân hàng CSXH quận Ba Đình và sử dụng đồng vốn vay hiệu quả. Trao đổi về việc xét duyệt cho vay vốn, chị Trà Thị Tuyết Mai – Tổ trưởng Tổ tiết kiệm vay vốn, Chi hội Phụ nữ số 5 phường Cống Vị cho biết, hiện nay trong tổ có 28 tổ viên vay vốn, tổng số dư nợ hơn 2 tỷ đồng. Người được vay số tiền nhiều nhất là 100 triệu đồng, ít nhất 20 triệu đồng. Số tiền cho vay được căn cứ vào mặt hàng mà các tổ viên vay vốn kinh doanh, buôn bán. Nhờ có nguồn vốn vay ưu đãi, tổ viên vay vốn và gia đình cải thiện cuộc sống, nâng cao mức sinh hoạt, trong tổ không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo và hết hộ khó khăn.

Hiện nay, phường Cống Vị, quận Ba Đình có số dư nợ trên 20 tỷ đồng, riêng Hội Phụ nữ phường hơn 18 tỷ đồng cho 252 tổ viên vay vốn (250 người vay theo chương trình giải quyết việc làm để sản xuất, kinh doanh và 2 người vay chương trình nhà ở xã hội). Nhiều tổ viên vay vốn là chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh được vay số tiền 90 – 100 triệu đồng đã có điều kiện mở rộng hoạt động và đầu tư phát triển thêm. Tổ viên vay vốn có hoàn cảnh khó khăn được xét duyệt vay 20 triệu đồng để bán hàng nước, kinh doanh nhỏ.

Trao đổi về cách quản lý đồng vốn vay mang lại hiệu quả, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Cống Vị Nguyễn Thị Huệ thông tin, trước hết, Hội bám sát vào hợp đồng giữa Ngân hàng CSXH đã ký với các Hội đoàn thể để chủ động tuyên truyền, vận động tổ viên vay vốn. Bên cạnh những hội viên đoàn thể, Hội Phụ nữ còn tuyên truyền tới toàn thể Nhân dân trên địa bàn có đủ điều kiện, có nhu cầu tham gia vào tổ vay vốn.

Cùng với đó là tăng cường kiểm tra, giám sát 100% khách hàng vay vốn, sử dụng đồng vốn vay trong vòng 30 ngày kể từ khi Ngân hàng CSXH quận giải ngân. Nhờ có sự kiểm tra, giám sát sát sao nên đến nay Hội Phụ nữ phường Cống Vị chưa có trường hợp nào nợ xấu, khó đòi.

Hiện nay, Ngân hàng CSXH quận Ba Đình đang dự kiến giải ngân khoảng hơn 20 tỷ đồng cho hơn 300 người lao động, nếu có nguồn vốn về. Qua đó để tiếp tục tạo việc làm, có thu nhập và nâng mức sống cho người dân.

 

Với nguồn vốn vay đã tạo điều kiện cho trên 250 tổ viên vay vốn có việc làm ổn định và còn thu hút gần 100 lao động chưa có công việc tham gia sản xuất, kinh doanh. Nguồn vốn vay giúp các tổ viên nâng cao mức sống, đó cũng là mục tiêu an sinh xã hội của phường.
Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Cống Vị Nguyễn Thị Huệ