Hoạt động chỉ đạo điều hành nổi bật của UBND TP từ ngày 9-16/12/2019

Công Thọ - Thủy Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Ngày 17/12, UBND TP Hà Nội cung cấp thông tin về một số hoạt động chỉ đạo - điều hành nổi bật từ ngày 9-16/12/2019.

Triển khai công tác đảm bảo an toàn thực phẩm phục vụ Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Canh Tý và Lễ hội Xuân năm 2020 từ ngày 15/12/2019 đến hết ngày 25/3/2020
Ngày 12/12/2019, UBND Thành phố đã ban hành Kế hoạch số 252/KH-UBND về việc triển khai công tác đảm bảo an toàn thực phẩm phục vụ Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Canh Tý và Lễ hội Xuân năm 2020, yêu cầu các cấp, ngành trực thuộc Thành phố đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra, kiểm soát đảm bảo ATTP trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu và sử dụng thực phẩm, tăng cường phòng chống ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết và Lễ hội năm 2020, thời gian từ ngày 15/12/2019 đến hết ngày 25/3/2020. Các hoạt động triển khai chủ yếu như sau: Tăng cường công tác truyền thông, tập trung tuyên truyền nâng cao kiến thức, thái độ, thực hành về VSATTP trong dịp Tết dân tộc, lễ hội; tuyên truyền phòng ngừa ngộ độc rượu, các kiến thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng thực phẩm trong dịp tết và mùa lễ hội. Tăng cường các hoạt động thanh, kiểm tra chuyên ngành đối với các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, tập trung vào các mặt hàng như thịt, sản phẩm từ thịt, bia, rượu, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo… các cơ sở dịch vụ ăn uống. Yêu cầu các đoàn kiểm tra liên ngành của Thành phố tập trung thanh tra, kiểm tra những cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm với số lượng lớn, các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại. Khi phát hiện vi phạm phải xử lý theo quy định, tuyệt đối không để các sản phẩm không đảm bảo ATTP, không rõ nguồn gốc, không đúng quy định về ghi nhãn hoặc có vi phạm khác lưu thông trên thị trường; không để các sản phẩm quảng cáo sai quy định tiếp tục lưu hành; không để các cơ sở vi phạm tiếp tục hoạt động khi chưa thực hiện các biện pháp khắc phục.
 Tập thể UBND TP Hà Nội họp xem xét một số nội dung thuộc thẩm quyền. 
Tập trung phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân bảo đảm trật tự an toàn giao thông dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Canh Tý và Lễ hội Xuân năm 2020
Thực hiện Công điện số 1658/CĐ-TTg ngày 09/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Canh Tý và Lễ hội Xuân năm 2020, tại văn bản số 5555/UBND-ĐT ngày 13/12/2019, UBND Thành phố yêu cầu các sở, ngành, đơn vị tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm sau: Nâng cao chất lượng phục vụ hành khách, bảo đảm an toàn kỹ thuật phương tiện, tăng cường xe để đáp ứng nhu cầu vận tải trong đợt cao điểm, đảm bảo trật tự và vệ sinh môi trường tại các bến xe; đổi mới phương thức bán vé, áp dụng bán vé qua mạng internet, đẩy mạnh ứng dụng bán vé điện tử, niêm yết công khai giá vé theo tuyến, ngăn chặn việc đầu cơ, buôn bán vé, tăng giá vé, giá cước vận tải trái phép; đảm bảo an ninh, an toàn, thuận lợi cho hành khách, hạn chế tối thiểu hiện tượng ùn ứ khách tại các bến xe trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Canh Tý. Tăng cường công tác giám sát, kiểm tra và xử lý nghiêm về hành chính, kinh tế đối với các trường hợp lái xe không tuân thủ, vi phạm các quy định về đảm bảo an toàn kỹ thuật phương tiện, trật tự an toàn giao thông; chỉ đạo các đơn vị quản lý bến xe tăng cường phối hợp với các đơn vị vận tải hành khách công cộng trong việc quản lý phương tiện, xe phải đảm bảo các điều kiện an toàn trước khi xuất bến; giải tỏa các bến hoạt động trái phép.
Thành lập các tổ công tác liên ngành lưu động, duy trì lực lượng 24/24h, xây dựng kế hoạch tuần tra kiểm soát, xử lý dứt điểm các vi phạm lòng đường, lề đường, hè đường và hành lang an toàn giao thông để bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại các tuyến đường, các khu vực trọng điểm có nguy cơ tai nạn giao thông; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đối với loại hình vận chuyển hàng hóa nguy hiểm, dễ cháy nổ, các hành vi tiềm ẩn nguy cơ cao về tai nạn giao thông... (gửi kèm toàn văn văn bản).
Đảm bảo vận hành hệ thống thu gom xử lý rác và công tác vệ sinh môi trường trên địa bàn Thành phố trong dịp Tết
Để tăng cường quản lý công tác vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn Thành phố, UBND Thành phố có văn bản số 5565/UBND-ĐT ngày 16/12/2019 chỉ đạo các đơn vị tập trung các nhiệm vụ sau:
Đảm bảo Công tác tiếp nhận, xử lý rác tại 02 khu xử lý: Khu xử lý Nam Sơn, huyện Sóc Sơn và khu xử lý Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây và các khu xử lý rác tại các quận, huyện trên địa bàn Thành phố. Giao Sở Xây dựng chủ trì cùng đơn vị quản lý vận hành 02 khu xử lý và các đơn vị có liên quan xác định cụ thể khu vực tiếp nhận, xử lý rác (bao gồm cả diện tích dự phòng) đảm bảo tiếp nhận, xử lý kịp thời, đầy đủ lượng rác thải trong tháng cao điểm, báo cáo UBND Thành phố.
Giao UBND huyện Sóc Sơn, huyện Ba Vì, thị xã Sơn Tây khẩn trương hoàn thành công tác GPMB vùng bán kính ảnh hưởng 500m của các khu xử lý theo đúng chỉ đạo của UBND Thành phố.
Đối với Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn: Giao Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng Công trình cấp nước, thoát nước và môi trường Thành phố phối hợp với UBND huyện Sóc Sơn khẩn trương hoàn thành công tác GPMB khu phía Bắc giai đoạn II; bàn giao ngay phần diện tích đã GPMB khoảng 5ha thuộc Khu phía bắc giai đoạn II cho Sở Xây dựng để phối hợp các đơn vị đầu tư khẩn cấp hạng mục ô chứa, hoàn thành xây dựng trước tháng 4/2020. Giao Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư bố trí nguồn vốn và hướng dẫn thực hiện đảm bảo tiến độ thực hiện dự án.
Đối với Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn: Giao Sở Xây dựng đôn đốc các đơn vị xử lý rác bằng phương pháp đốt hiện có khẩn trương có giải pháp, hoàn thành việc cải tạo công nghệ đáp ứng yêu cầu về môi trường, không thực hiện đặt hàng với những đơn vị không đủ điều kiện, hoạt động kém; Yêu cầu Công ty TNHH Indovin Việt Nam, Công ty TNHH năng lượng môi trường T&T-Hitz đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các phần việc chuẩn bị đầu tư, khởi công xây dựng và đảm bảo tiến độ đã cam kết với Thành phố; trường hợp có khó khăn vướng mắc, kịp thời báo cáo UBND Thành phố và các sở, ngành để xem xét hướng dẫn đảm bảo tiến độ.
Đối với công tác vận hành 02 khu xử lý: Yêu cầu Sở Xây dựng đôn đốc các đơn vị thực hiện đúng tiến độ cải tạo các hạng mục hạ tầng các khu xử lý để tiếp nhận, xử lý rác, đảm bảo theo kế hoạch, giải pháp vận hành các khu xử lý chất thải sinh hoạt tại Nam Sơn và Xuân Sơn đến năm 2021; yêu cầu các đơn vị xử lý nước rác hoạt động liên tục, đảm bảo công suất xử lý; kịp thời tham mưu đề xuất báo cáo UBND Thành phố những nội dung vượt thẩm quyền. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường liên hệ, làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường để sớm xem xét chấp thuận giải pháp nâng cos cao độ, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường tại các khu xử lý.
Đối với các khu xử lý rác tại các quận, huyện, thị xã: UBND các quận, huyện, thị xã có trách nhiệm kiểm tra, rà soát bảo đảm diện tích tiếp nhận, xử lý rác; khẩn trương rà soát các nội dung khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc quản lý, vận hành các khu xử lý, báo cáo UBND Thành phố.
Về việc đảm bảo vệ sinh môi trường, an ninh trật tự trong việc thu gom vận chuyển rác thải trên địa bàn Thành phố dịp Tết dương lịch và Tết nguyên đán năm 2020. UBND các quận, huyện, thị xã Sơn Tây chịu trách nhiệm trước UBND Thành phố đối với việc đảm bảo vệ sinh môi trường, công tác vận chuyển xử lý rác thải trên địa bàn theo phân cấp quản lý và chức năng chủ đầu tư; tuyệt đối không để tình trạng ách tắc, chậm vận chuyển, đổ trộm gây ra các điểm mất vệ sinh môi trường trên địa bàn; đôn đốc đơn vị vệ sinh môi trường xây dựng phương án thu gom 100% rác thải phát sinh trên địa bàn, đồng thời đảm bảo các chế độ cho người lao động; tăng cường quản lý, giám sát và yêu cầu các doanh nghiệp duy trì vệ sinh môi trường trên địa bàn;
Sở Xây dựng đảm bảo việc tiếp nhận, xử lý rác thải tại các khu xử lý, chủ trì phối hợp với Sở Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn thành việc đấu thầu lựa chọn đơn vị vận hành các khu xử lý năm 2020. Trường hợp tiến độ đấu thầu lựa chọn đơn vị vận hành kéo dài sang năm 2020, yêu cầu Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội tiếp tục vận hành các khu xử lý Nam Sơn, Xuân Sơn đảm bảo tiếp nhận rác thải trên địa bàn Thành phố, đặc biệt trong dịp Tết dương lịch và Tết nguyên đán năm 2020. Sở Xây dựng chịu trách nhiệm giám sát, nghiệm thu; Sở Tài chính chịu trách nhiệm thực hiện thanh quyết toán theo quy định;
Giao Sở Giao thông vận tải phối hợp với các đơn vị có liên quan tăng cường kiểm tra, xử lý các phương tiện vận chuyển rác quá tải trọng, để chảy nước rác ra đường giao thông.
Giao Công an Thành phố chủ trì cùng Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải, UBND các huyện: Sóc Sơn, Ba Vì, Sơn Tây và các địa phương có liên quan xây dựng phương án bảo đảm an ninh, trật tự trong việc vận chuyển, tập kết xử lý rác thải sinh hoạt, không để các đối tượng chặn xe, phong tỏa hoạt động tại các khu xử lý rác; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng lợi dụng.
Xử lý dứt điểm vi phạm TTXD công trình số 8B Lê Trực, bảo đảm an toàn công trình và quyền lợi hợp pháp của bên liên quan
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý quy hoạch kiến trúc và đầu tư xây dựng Dự án tại số 8B Lê Trực, quận Ba Đình, tại văn bản số 5571/UBND-ĐT ngày 16/12/2019, UBND Thành phố nhấn mạnh Thành phố đã có nhiều văn bản chỉ đạo, tổ chức nhiều cuộc họp để triển khai việc phá dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng tại số 8B Lê Trực. Tuy nhiên, do khó khăn trong việc phá dỡ công trình cao tầng có kết cấu xây dựng không tuân thủ Giấy phép xây dựng được cấp, chủ đầu tư không chấp hành nghiêm túc, các sở, ngành liên quan, UBND quận Ba Đình chưa quyết liệt triển khai nên công tác xử lý bị chậm trễ, yêu cầu Sở Xây dựng, UBND quận Ba Đình, Công ty cổ phần May Lê Trực nghiêm túc rút kinh nghiệm. Ngày 21/11/2019, đã ban hành văn bản yêu cầu UBND quận Ba Đình căn cứ ý kiến của Bộ Xây dựng, khẩn trương làm thủ tục tháo dỡ giai đoạn 2 theo thẩm quyền, quy định và chỉ đạo của Thành phố, hoàn thành trước ngày 15/12/2019. UBND Thành phố yêu cầu UBND quận Ba Đình thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (xử lý dứt điểm, bảo đảm an toàn công trình và quyền lợi hợp pháp của bên liên quan) và yêu cầu của UBND Thành phố, khẩn trương xử lý công trình, bộ phận công trình vi phạm đảm bảo đúng hạn, báo cáo UBND Thành phố. Yêu cầu Sở Xây dựng đôn đốc triển khai thực hiện; Công ty cổ phần May Lê Trực nghiêm túc phối hợp với UBND quận Ba Đình khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh lở mồn long móng ở gia súc trên địa bàn Thành phố
Thực hiện Công điện khẩn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống bệnh Lở mồm long móng (LMLM) ở gia súc, trên địa bàn Thành phố thời gian gần đây chưa có ổ dịch LMLM được phát hiện, nhưng nguy cơ dịch bệnh phát sinh rất cao do ổ dịch cũ năm 2018 tại nhiều huyện. Bên cạnh đó hiện tại thời điểm thời tiết có những diễn biến phức tạp ảnh hưởng tới sức đề kháng của vật nuôi; nhu cầu vận chuyển, lưu thông, kinh doanh, giết mổ động vật, sản phẩm động vật tăng cao; chăn nuôi còn nhỏ lẻ; các địa phương tập trung nguồn lực để phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu phi. UBND Thành phố ban hành văn bản số 5568/UBND-KT ngày 16/12/2019 yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các quận, huyện, thị xã và các sở, ngành, đơn vị liên quan khẩn trương chỉ đạo, tập trung triển khai thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh LMLM trên địa bàn, cụ thể như sau:
Giao UBND các quận, huyện, thị xã: Khi chưa có dịch xảy ra: Tăng cường công tác chủ động giám sát dịch bệnh, đặc biệt là tại các khu vực đã từng có dịch bệnh LMLM xuất hiện trong năm 2018, khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý dứt điểm ngay khi dịch bệnh được phát hiện; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các trường hợp giấu dịch, không chủ động khai báo dịch bệnh.
Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát vận chuyển không để động vật, sản phẩm động vật mang mầm bệnh vào địa phương làm lây lan dịch bệnh; đặc biệt các địa phương có dự án cung ứng con giống gia súc trong các chương trình xóa đói, giảm nghèo cần thực hiện nghiêm công tác kiểm dịch xuất, nhập con giống theo đúng quy định hiện hành, đảm bảo không để lây lan dịch bệnh; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.
Chỉ đạo, tổ chức và tuyên truyền trên hệ thống phát thanh của địa phương, hướng dẫn người chăn nuôi thường xuyên thực hiện vệ sinh, khử trùng, tiêu độc cơ sở chăn nuôi và môi trường xung quanh; thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định và hướng dẫn của cơ quan chuyên môn; tuyệt đối không bán chạy gia súc bệnh, không thả rông gia súc ở địa bàn đang xảy ra dịch bệnh, không vứt xác gia súc chết ra ngoài môi trường; tiêm phòng vắc xin đầy đủ cho đàn gia súc, đặc biệt là vắc xin phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Khi có dịch xảy ra: Tập trung chỉ đạo quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch theo đúng quy định; triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch LMLM hiệu quả ngay từ đầu; xử lý dứt điểm các ổ dịch, tuyệt đối không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng.
Tổ chức tổng vệ sinh môi trường, sát trùng bằng hóa chất, vôi bột tại các ổ dịch, các tuyến đường và phương tiện ra, vào ổ dịch, các địa điểm có nguy cơ cao để tiêu diệt mầm bệnh; tiêm phòng bao vây ổ dịch cho toàn bộ đàn gia súc thuộc diện tiêm của các đơn vị đã, đang có dịch bệnh và các địa phương có nguy cơ cao; quản lý và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển gia súc và sản phẩm của gia súc mẫn cảm với bệnh LMLM ra, vào vùng dịch theo đúng quy định.
  Xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật những tổ chức, cá nhân vận chuyển, giết mổ, buôn bán động vật, sản phẩm động vật nhiễm bệnh, làm lây lan dịch bệnh và không khai báo kịp thời dịch bệnh .
Tổ chức thông tin, tuyên truyền liên tục để người dân biết và chủ động hợp tác trong phòng chống dịch bệnh; trong đó cần nói rõ mức độ nguy hiểm của dịch bệnh LMLM, các biện pháp xử lý gia súc bệnh, mức hỗ trợ của nhà nước đối với gia súc nghi mắc bệnh, mắc bệnh, chết và buộc phải tiêu hủy để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Thành lập các Đoàn công tác do Lãnh đạo UBND các cấp làm trưởng đoàn trực tiếp đi kiểm tra tại các ổ dịch LMLM và các vùng nguy cơ cao để chỉ đạo, đôn đốc và hướng dẫn công tác phòng, chống dịch LMLM tại cơ sở.
Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Tham mưu, tổng hợp, đề xuất, báo cáo UBND Thành phố về công tác phòng, chống dịch bệnh. Thành lập các Đoàn công tác do Lãnh đạo Sở làm trưởng đoàn đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch LMLM tại các quận, huyện, thị xã có chăn nuôi gia súc.
Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y:
Phân công cán bộ, nhân viên thú y giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh tại cơ sở, đảm bảo phát hiện và báo cáo kịp thời. Phối hợp cùng các ban ngành của UBND cấp huyện kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc tổ chức, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.
Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch theo quy định của Luật Thú y, Thông tư 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các văn bản có liên quan.
Chuẩn bị đầy đủ vắc xin, vật tư, hóa chất sẵn sàng đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch. Thường xuyên cập nhật diễn biến dịch bệnh, tuýp vi rút lưu hành và đánh giá nguy cơ lây nhiễm từ địa phương khác; đồng thời căn cứ khuyến cáo về sử dụng vắc xin của Cục Thú y để xây dựng kế hoạch tiêm phòng phù hợp.
Tăng cường kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật; đặc biệt công tác kiểm dịch con giống gia súc phải thực hiện đúng các quy định hiện hành, đảm bảo không để lây lan dịch bệnh, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.
Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân về tác hại, tính chất lây lan và các biện pháp phòng, chống bệnh LMLM trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Giao Các sở, ngành, đơn vị liên quan: căn cứ chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, chủ động phối hợp với Sở NN&PTNT, UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh Lở mồm long móng trên địa bàn Thành phố.
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát, không để xảy ra tình trạng gian lận, khai khống kinh phí hỗ trợ phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi
Xét đề nghị của Sở Tài chính, ngày 16/12/2019, UBND Thành phố ban hành văn bản số 12148/VP-KT giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị liên quan tiếp tục tập trung công tác kiểm tra, kiểm soát, hướng dẫn UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện việc hỗ trợ kinh phí phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn đảm bảo chính xác, không để xảy ra tình trạng gian lận, khai khống làm thất thoát ngân sách Nhà nước; tham mưu, đề xuất, báo cáo UBND Thành phố theo đúng quy định của pháp luật.
Trước đó UBND Thành phố đã ban hành Quyết định số 7012/QĐ-UBND ngày 09/12/2019 về việc bổ sung kinh phí cho huyện: Ứng Hòa, Quốc Oai để thực hiện công tác phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi năm 2019.
Triển khai thí điểm Mô hình" Hỗ trợ tăng cường năng lực của các nhóm đồng đẳng, nhóm tự lực, câu lạc bộ của người bán dâm trong việc tiếp cận, truyền thông và hỗ trợ giảm hại, phòng, chống bạo lực giới" và Môi hình "Cung cấp dịch vụ cho người bán dâm tại cộng đồng, trung tâm công tác xã hội" trên địa bàn quận Hoàng Mai năm 2019-2020
Thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Trung ương về công tác phòng, chống mại dâm, UBND Thành phố đã ban hành Kế hoạch số 254/KH-UBND ngày 13/12/2019 về việc triển khai thí điểm Mô hình" Hỗ trợ tăng cường năng lực của các nhóm đồng đẳng, nhóm tự lực, câu lạc bộ của người bán dâm trong việc tiếp cận, truyền thông và hỗ trợ giảm hại, phòng, chống bạo lực giới" và Môi hình "Cung cấp dịch vụ cho người bán dâm tại cộng đồng, trung tâm công tác xã hội" trên địa bàn quận Hoàng Mai năm 2019-2020. Kết quả dự kiến đạt được sau triển khai thí điểm như sau: thiết lập, duy trì hoạt động 01 nhóm đồng đẳng; 300 người bán dâm được tiếp cận, truyền thông nâng cao nhận thức (năm 2019 là 100 người, năm 2020 là 200 người) và trên 50% được chuyển gửi đến các dịch vụ phù hợp, trong đó: hỗ trợ cung cấp dịch vụ y tế cho 150 người bán dâm; cung cấp hỗ trợ dịch vụ pháp lý cho 20 người bán dâm; hỗ trợ thay đổi hoặc giảm mức độ công việc hoạt động mại dâm thông qua việc học nghề ngắn hạn cho 20 người bán dâm.
Các mô hình triển khai như sau: Mô hình 1: triển khai thí điểm mô hình tăng cường năng lực của nhóm tự lực giúp đỡ người bán dâm dự phòng giảm tác hại của HIV/AIDS, các tổn thương do bạo lực tình dục và hỗ trợ người bán dâm hòa nhập cộng đồng. Mô hinh 2: Cung cấp dịch vụ hỗ trợ người bán dâm tại cộng đồng (tư vấn tâm lý, hỗ trợ y tế, pháp lý, giới thiệu các dịch vụ việc làm).