Học sinh nghiên cứu khoa học: Muôn vàn khó khăn

Lưu Ly
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thông qua các đề tài nghiên cứu khoa học (NCKH), học sinh (HS) sẽ được trải nghiệm, khám phá, phát huy tư duy sáng tạo. Tuy nhiên, phần lớn HS còn lúng túng và gặp nhiều khó khăn.

Đừng để học sinh "diễn"
Trong số gần 8 triệu HS đang theo học ở 2 bậc THCS và THPT, mới có khoảng 20.000 HS tham gia các dự án NCKH (đạt tỷ lệ gần 0,3%), bình quân mỗi trường học có một HS tham gia.
Ngoài ra, số lượng HS tham gia NCKH chưa đồng đều, đặc biệt, Chương trình Giáo dục phổ thông mới sẽ bắt đầu triển khai cuốn chiếu từ năm học 2020 - 2021 nhưng NCKH vẫn là hoạt động bổ trợ, chưa tích hợp trong chương trình đào tạo.
 Nhà trường cần khuyến khích HS tham gia NCKH, tổ chức các hoạt động trải nghiệm. Ảnh: Thanh Hải
Từ lâu, NCKH là hoạt động mang lại nhiều giá trị trong giáo dục nhưng nhiều HS vẫn còn bỡ ngỡ và gặp khó khăn, lúng túng trong cách triển khai đề tài khi không nhận được sự hỗ trợ, quan tâm, định hướng từ giáo viên (GV), gia đình hay các nhà khoa học.
Hiệu trưởng trường THCS Đông Lỗ (Ứng Hòa, Hà Nội) Vũ Đình Quý cho biết, đối với cấp THCS, để hướng dẫn HS thực hiện đề tài, GV sẽ mất rất nhiều thời gian, còn HS tự nghiên cứu, triển khai thì lại rất khó. Điều này đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng của cả hai.
Tương tự, Hiệu trưởng trường THCS Cự Khê (Thanh Oai, Hà Nội) Nguyễn Thanh Tùng cho rằng, đa số ở các cấp phổ thông, hoạt động chỉ ở mức sáng kiến kinh nghiệm, còn đề tài NCKH không nhiều. Từ đầu năm học, Sở GD&ĐT Hà Nội có công văn triển khai kế hoạch NCKH của HS.
Theo đó, Phòng GD&ĐT, các nhà trường triển khai kịp thời. Tuy nhiên thực tế, việc NCKH của HS gặp nhiều khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất, thời gian… vì vậy, số lượng HS tham gia NCKH rất ít.
Một giáo viên THCS tại quận Long Biên (Hà Nội) cho rằng, nhà trường và các đơn vị NCKH chưa có sự phối hợp chặt chẽ. Nhiều trường còn thờ ơ với hoạt động này, GV không nhiệt tình hướng dẫn HS tìm hiểu đề tài…
Sẽ khó khăn hơn khi khả năng trình bày dự án bằng tiếng Anh của HS còn yếu; GV “ôm” đề tài, còn HS không tìm hiểu, nghiên cứu mà chỉ việc “diễn” theo hướng dẫn. Thậm chí, HS tự mò mẫm đề tài mà không tham khảo ý kiến của ai nên đi sai định hướng. Đáng lo ngại, vẫn còn tình trạng sản phẩm NCKH là “chất xám” của GV. Điều này thể hiện khả năng NCKH của HS thông qua các dự án, cuộc thi còn hạn chế.
HS ở thành thị gặp nhiều vướng mắc là vậy, HS ở vùng sâu, vùng xa càng khó khăn hơn khi không hiểu hết tầm quan trọng của NCKH và thiếu sự hỗ trợ từ gia đình, nhà trường về vật tư, kinh phí. Vì vậy, có không ít dự án chỉ dừng lại ở ý tưởng.
Phối hợp 3 trụ cột
Theo nhiều chuyên gia, ngành giáo dục cần có chính sách phù hợp để hoạt động NCKH trong trường phổ thông trở nên hiệu quả và thực chất. Cần phát huy vai trò, trách nhiệm của nhà trường, GV để ươm mầm đam mê của HS có tình yêu khoa học.
Theo đó, HS sẽ là chủ thể chính trong quá trình nghiên cứu, sáng tạo và GV chỉ là người tư vấn, hướng dẫn. Hiệu trưởng trường THPT Phan Huy Chú (Đống Đa, Hà Nội) Hà Xuân Nhâm cho biết, quan trọng nhất vẫn là việc nhà trường xây dựng, phát triển kế hoạch giáo dục của các bộ môn, đẩy mạnh các chủ đề tích hợp liên môn, đa dạng hóa các hoạt động như các trải nghiệm, dạy học theo dự án góp phần thúc đẩy các hoạt động NCKH.
Từ hoạt động giáo dục, nhà trường chú trọng bồi dưỡng đội ngũ GV và tạo điều kiện cơ sở vật chất, nguồn lực khuyến khích, hướng dẫn HS tham gia NCKH. Theo ông Hà Xuân Nhâm, các trường phổ thông cần nâng cao nhận thức và hiểu biết về NCKH đối với HS, GV và phụ huynh, tổ chức các hoạt động trải nghiệm, cuộc thi để HS tìm kiếm ý tưởng.
Đáng chú ý, vấn đề kinh phí đầu tư cho hoạt động NCKH phải rõ ràng, phù hợp và tăng cường công tác phối hợp giữa gia đình - nhà trường - chuyên gia. Đối với trường THPT Phan Huy Chú, trường luôn khuyến khích HS tham gia NCKH. Nhà trường dạy học theo định hướng STEM, các chủ đề tích hợp chuyên môn, tổ chức các hoạt động trải nghiệm cho học trò. Đó là cơ sở để HS tìm đề tài, hình thành ý tưởng…

"Việc thúc đẩy NCKH trong HS là nội dung rất cần thiết, tạo sân chơi bổ ích, để HS vận dụng kiến thức trong sách vở vào giải quyết các vấn đề thực tiễn cuộc sống." - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ