Học viên cai nghiện trốn trại: “Bị bắt thì lại vào thôi, có gì đâu”

D. Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nếu học viên cai nghiện có vượt ra khỏi cơ sở thì chế tài không có gì, ngoài việc cơ sở tìm và đưa trở lại. “Tôi đã hỏi một em ở Vũng Tàu, em nói nếu ra bị bắt thì lại vào thôi, có gì đâu”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung dẫn lời học viên cai nghiện tại phiên chất vấn.

Sáng 18/4 Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn tại UBTV Quốc hội dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng. 
Tại phiên chất vấn, Đại biểu Nguyễn Lâm Thành, đoàn Lạng Sơn hỏi về số cơ sở cai nghiện có hiện tượng trốn trại tập thể, gây dư luận xấu, nguyên nhân vì sao?
  Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, cả nước có khoảng 210.700 người nghiện ma túy. Đây là số có hồ sơ quản lý. Ngoài ra, gần đây xuất hiện nhiều laoị ma túy khác biệt, tính chất phức tạp.

Hiện cả nước có khoảng 60.000 người nghiện đang được cai nghiện ở các cơ sở ma túy; trong đó có khoảng 17.000 người phải bắt buộc cai nghiện theo quyết định của tòa án...
Vừa qua xảy ra một số vụ trốn trại tập trung (Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Dương), lý do là những học viên không tự nguyện vào các cơ sở cai nghiện bắt buộc. Việc đưa vào cơ sở cai nghiện tập trung là không theo mong muốn của học viên, chỉ theo mong muốn của gia đình, bản thân các em không tự nguyện.

Việc thực hiện không đúng tinh thần chỉ đạo của Quốc hội và Chính phủ ở chỗ nhiều địa phương vì “trong sạch địa bàn” nên đưa tất cả các em “cứ sử dụng vào cơ sở cai nghiện”. Lẽ ra cần phân biệt người nghiện, sử dụng, lạm dụng, người có nơi cư trú và không có nơi cư trú.

Từ đó, dẫn đến hiện tượng nhiều nơi đưa hết vào cơ sở cai nghiện bắt buộc khiến quá tải. Ví dụ cơ sở Đồng Nai chỉ học tập nuôi dưỡng được 500 em nhưng đưa 1.447 em vào. Trong khi đí, điều kiện cơ sở vật chất tận dụng từ thời trước 1975, điều kiện ăn ở không đảm bảo, tạo sự bức bối cho các em.

Trong cai nghiện bắt buộc, phải phân biệt giai đoạn ban đầu và cai bắt buộc, sau cai, để xác định xem người cai giai đoạn đầu có phải bắt buộc cai không, cho ở chung người đang cai bắt buộc, gây tác động, lôi kéo lẫn nhau.

Một trong những nguyên nhân quan trọng, hầu như ở các cơ sở bắt buộc này 35 - 45% là những em đã có tiền án tiền sự, thậm chí cộm cán, tù đày, nên tâm lý quá khích, dễ lôi kéo xúi giục học viên khác.

Trong quy định nếu có vượt ra khỏi cơ sở thì chế tài không có gì, ngoài việc cơ sở tìm và đưa trở lại. “Tôi đã hỏi một em ở Vũng Tàu, em nói nếu ra bị bắt thì lại vào thôi, có gì đâu”

Đội ngũ cán bộ ở cơ sở cai nghiện rất mỏng. Tỉnh ủy Đồng Nai cho bổ sung 20 cán bộ nhưng tuyển không được người, lương chỉ hơn 2 triệu đồng mà bao nhiêu khó khăn vất vả rình rập. Cán bộ không được trang bị vũ khí công cụ gì để đảm bảo an ninh cho chính mình, trong khi học viên chỉ tìm cách bới móc trêu tức để gây bất lợi cho cơ sở.

Quy định pháp lý, hiện có một số vướng mắc: Tuổi 12 – 18 luật quy định không đưa vào cơ sở bắt buộc, nhưng thực tiễn số này rất lớn, tính chất phức tạp; thời gian quy định 24 tháng là quá dài, không khả thi; việc quản lý các cơ sở cai nghiện được giao cho ngành lao động xã hội – ngành dân sự quản lý đối tượng phức tạp, công an chỉ quản lý vòng ngoài. Trong thực tiễn, những nới có sự phối hợp chặt chẽ, công an cùng quản lý cai nghiện bên trong trung tâm hiệu quả hơn.

Về giải pháp, Bộ trưởng cho biết, tiếp tục nâng cao nhận thức sâu sắc về tội phạm ma túy, xác định cả hệ thống chính trị và toàn dân chung tay phòng chống; tập trung thực hiện 3 giảm “giảm cung, cầu, thiệt hại”; tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách; cấp đầy đủ kinh phí, cơ sở vật chất cho công tác phòng chống và cai nghiện ma túy…