Bộ trưởng Phạm Hồng Hà: "Hà Nội phát triển vượt bậc, nhanh chóng trong thời gian qua"

Công Thọ - Ngọc Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 6/11, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung và Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà chủ trì Hội nghị Công tác quản lý Nhà nước về đầu tư xây dựng cơ bản; phát triển và quản lý đô thị trên địa bàn TP Hà Nội và một số kiến nghị, đề xuất tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tế triển khai.

Cùng dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh; Thứ trưởng Lê Quang Hùng; Phó Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng; Phó Chủ tịch Nguyễn Quốc Hùng; Phó Chủ tịch Ngô Văn Quý.
Báo cáo tại Hội nghị, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục cho biết, về quản lý nhà nước trong đầu tư xây dựng cơ bản trong 10 tháng đầu năm 2018, Thành phố đã tập trung chỉ đạo về thẩm định các dự án, thiết kế và dự toán các công trình, tạo điều kiện cho các dự án triển khai đảm bảo yêu cầu về chất lượng và tiến độ thực hiện được nhanh hơn đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước và vốn ngoài ngân sách.
 Toàn cảnh hội nghị 
Công tác cấp phép xây dựng và hậu kiểm sau cấp phép xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội tiếp tục được đẩy mạnh. Thời gian cấp phép xây dựng đã thực hiện giảm xuống chỉ còn 10 ngày làm việc (theo quy định là 15 ngày đối với công trình nhà ở riêng lẻ; 30 ngày đối vói công trình khác); đồng thời, triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đối với 14/14 thủ tục cấp Giấy phép xây dựng; UBND Thành phố đã ban hành Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều tại Quyết định số 20/2016/QĐ- UBND ngày 24/6/2016 về cấp phép xây dựng cho phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương.
Sở Xây dựng đã tổ chức kiểm tra hồ sơ nghiệm thu giai đoạn thi công và hoàn thành công trình đưa vào sử dụng theo quy định 86 công trình, hạng mục công trình; kiểm tra sự tuân thủ các quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng và an toàn lao động - vệ sinh lao động tại 22 dự án.
Về công tác quản lý xây dựng và phát triển đô thị, Thành phố tiếp tục tập trung chỉ đạo đối với công tác quản lý xây dựng và phát triển đô thị. Hệ thống các tuyến đường giao thông quan trọng tiếp tục được đầu tư, nâng cấp. Tháng 4/2018, Thành phố đã khởi công tuyên đường vành đai 2 trên cao, đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở; chỉ đạo các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ dự án mở rộng đường vành đai 3, đoạn đường Phạm Văn Đồng.
Thành phố chỉ đạo tiếp tục công tác tuyên tuyền tạo sự đồng thuận của người dân để đẩy nhanh tiến độ GPMB tuyến đường vành đai 1 (đoạn Hoàng cầu -Voi Phục); đồng thời, đang triển khai đường Vành đai 3,5, các tuyến đường sắt đô thị số 2,3,5,... Ngày 10/10/2018, Thành phố đã khánh thành dự án nút giao thông An Dương - Thanh Niên và cải tạo, mở rộng đường Nghi Tàm, dự án đã phát huy hiệu quả đầu tư, mang lại ý nghĩa kinh tế xã hội.
Bên cạnh đó, công tác quản lý, duy trì và trồng mới cây xanh, phát triển công viên, vườn hoa, thảm cỏ được quan tâm đầu tư. Thành phố chỉ đạo đổi mới phương thức quản lý, duy tu, bảo trì theo hướng hiện đại, giảm công chăm sóc và từng bước tăng độ phủ cây xanh.
Chương trình trồng 1 triệu cây xanh được đẩy nhanh tiến độ; 10 tháng đầu năm 2018 toàn Thành phố trồng mới hơn 387.100 cây, nâng tổng số cây xanh đã trồng lên 927.800 cây, đạt 92,7% mục tiêu của Chương trình. Đã kịp thời cắt tỉa cây xanh trước mùa mưa bão.
Thành phố cũng tiếp tục đẩy mạnh công tác phát triển nhà. Cụ thể, Thành phố chỉ đạo đẩy mạnh công tác rà soát, thực hiện Kế hoạch phát triển nhà ở xã hội trong đó tập trong đầu tư 05 khu nhà ở xã hội tập trung đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo; rà soát quỹ đất thí điểm thực hiện cơ chế đặt hàng xây dựng nhà ở thương mại phục vụ cho công tác tái định cư; Thành phố đã giao cho 19 đơn vị tự ứng vốn nghiên cứu lập quy hoạch cải tạo, xây dựng mới 28 chung cư cũ trên địa bàn thành phố.
Bên cạnh đó, công tác, quản lý trật tự xây dựng tiếp tục được tăng cường; công tác vệ sinh môi trường tiếp tục được Thành phố quan tâm…
Trong thời gian tới, Thành phố tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm về quy hoạch, quản lý xây dựng và phát triên đô thị. Trong đó, đẩy nhanh phê duyệt các quy hoạch, hoàn thiện quy chuẩn, tiêu chuẩn về thiết kế, kiến trúc xây dựng, quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc các quận, huyện, thị xã.
Tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án, công trình trọng điểm, hạ tầng kỹ thuật đô thị, hạ tầng giao thông khung, các tuyến đường sắt, đường vành đai trục hướng tâm, các công tình, trạm bơm đầu mối đảm bảo tiêu thoát nước trong mùa mưa, các dự án xã hội hóa cấp nước sạch khu vực nông thôn. Phấn đấu hoàn thành hệ thống đấu nối cấp nước tới 100% các hộ dân tại khu vực nông thôn.
Tăng cường kiểm tra, giám sát đảm bảo trật tự xây dựng, không để phát sinh vi phạm mới về xây dựng gây bức xúc; giải quyết dứt điểm các vi phạm còn tồn đọng, đặc biệt một số công trình vi phạm lớn gây bức xúc, được dư luận xã hội quan tâm.
Tiếp tục thực hiện Chương trình trồng mới 1 triệu cây xanh; hạ ngầm kết hợp chỉnh trang đồng bộ các tuyến phố và quản lý, vận hành tốt các hệ thống cấp điện và viễn thông, các công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật đô thị dùng chung.
Tập trung bảo vệ môi trường; đôn đốc việc cải tạo các hồ trên địa bàn nhằm cải thiện môi trường nước; tập trung công tác vệ sinh môi trường đảm bảo Thành phố ngày càng sáng, xanh - sạch; triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý chất thải rắn áp dụng công nghệ tiên tiến hiện đại như đốt rác phát điện…
 Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại hội nghị

Tại Hội nghị, UBND TP Hà Nội kiến nghị, đề xuất với Bộ Xây dựng một số vấn đề tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tế triển khai tại TP. Cụ thể, để đảm bảo thống nhất giữa quy định quản lý kèm theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và Luật Thủ đô, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế -xã hội của Thành phố, kiến nghị Bộ Xây dựng báo cáo Chính phủ cho phép Thành phố chủ động xem xét, phê duyệt: Điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô; Điều chỉnh cục bộ quy hoạch chuyên ngành sau khi có ý kiến của Bộ Xây dựng, các bộ ngành có liên quan và được Chính phủ cho phép.

Kiến nghi Bộ Xây dựng báo cáo Chính phủ cho phép Thành phố chủ động phê duyệt dự toán nghiên cứu lập quy hoạch đối với các đồ án quy hoạch đặc thù có yếu tố tư vấn nước ngoài theo quy định; việc thanh quyết toán sẽ được kiểm soát chặt chẽ đảm bảo sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn vốn lập quy hoạch.

Kiến nghị Bộ Xây dựng phân cấp cho Thành phố tự xem xét, quyết định điều chỉnh dự án xây dựng nhà ờ thương mại sang nhà ở xã hội, nhà ở phục vụ tái định cư; điều chỉnh cơ cấu diện tích sàn xây dựng nhà ở thương mại, nhà ở xã hội đối với các dự án xây dựng nhà ờ trên 500 căn.

Thành phố cũng kiến nghị Bộ Xây dựng thống nhất chủ trương và phối hợp với Thành phố đề xuất với Trung ương cho phép Thành phố nghiên cứu ban hành cơ chế đặc thù phù hợp với thực tê Thủ đô nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong các quy định liên quan đến chính sách cải tạo, xây dựng mới các chung cư cũ, nhà cũ xuống cấp trên địa bàn Thành phố; đảm bảo tính khả thi của các dự án, hài hòa lợi ích của Nhà nước - người dân - nhà đầu tư.

Kiến nghị phân cấp cho Thành phố cấp phép xây dựng tất cả các công trình do Thành phố quyết định chủ trương đầu tư.

Bộ Xây dựng đồng hành để cùng phát triển Hà Nội bền vững hơn

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà bày tỏ rất ấn tượng đối với sự phát triển nhanh chóng, vượt bậc của Thủ đô thời gian vừa qua. Hà Nội đã trở thành một đô thị đặc biệt với tốc độ phát triển vô cùng nhanh chóng. 

Bộ trưởng cũng cho rằng, trong quá trình phát triển nhanh đó cũng phát sinh những khó khăn thực tế. Qua các chỉ đạo của Thành ủy, Nghị quyết của HĐND TP, UBND TP có thể thấy Hà Nội đã nhận diện rõ các khó khăn và có đánh giá kỹ lưỡng các vấn đề khó khăn. 

Vấn đề đặt ra phải tháo gỡ những khó khăn thế nào, phát huy thế mạnh và thành tựu của Hà Nội thế nào? Bộ Xây dựng sẽ phối hợp, đồng hành cùng Hà Nội để đưa ra được những giải pháp cụ thể, phù hợp cho TP phát triển bền vững hơn, tốc độ cao hơn. 

Cho rằng Hà Nội cũng như TP Hồ Chí Minh là những đô thị đặc biệt, “tự thân” có điều kiện thu hút đặc biệt trong phát triển kinh tế, do vậy, Bộ trưởng nhận định, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của hai thành phố này là “quản lý phát triển đô thị”.

  Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà phát biểu tại hội nghị

Theo Bộ trưởng, cần tạo sự thuận lợi, chủ động cho Thành phố; giải quyết tháo gỡ, phân cấp ủy quyền phù hợp với năng lực thực tiễn của các cơ quan chuyên môn của Thành phố. 

Nhắc lại các ý kiến nêu tại Hội nghị, Bộ trưởng cho rằng, các đại biểu nhấn mạnh đến 2 việc gồm thẩm quyền xử lý; và quy trình xử lý thủ tục xử lý các vướng mắc khó khăn.

Theo Bộ trưởng Hà Nội là đô thị đặc biệt nên không thể xử lý các vấn đề như đối với các địa phương khác. Vì vậy, mức độ phân cấp, phân quyền phải cao hơn hẳn so với các địa phương khác. 

Tại hội nghị, nhiều ý kiến đại biểu kiến nghị, Bộ Xây dựng đã tiếp thu, xử lý và sẽ xử lý tiếp trong quá trình xây dựng, sửa đổi các Luật… Bộ tiếp tục lắng nghe, tổng hợp, tiếp tục xử lý. 

Về các kiến nghị của Hà Nội tại Hội nghị, Bộ trưởng nhận xét, hầu hết các kiến nghị của Hà Nội đều có cơ sở và được tổng kết từ thực tiễn, cần phải tháo gỡ để tạo thuận lợi cho Hà Nội quản lý phát triển đô thị. 

Bộ Xây dựng cần tiếp thu, nghiên cứu và có hướng giải quyết hoặc thông tin, phối hợp với TP cùng xử lý. Trong tháng 11, Bộ Xây dựng sẽ có phản hồi đối với các kiến nghị của Hà Nội, nói rõ việc nào đồng ý, việc gì tiếp tục nghiên cứu, việc gì liên quan đến luật Bộ Xây dựng cùng với Hà Nội trình Chính phủ…

Bộ trưởng cũng đề nghị Hà Nội chú ý phát triển nhà ở xã hội, trong đó, Hà Nội xây dựng một kế hoạch tổng thể về phát triển nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp thực hiện cùng với Hà Nội. 

“Nếu có vấn đề vấn đề gì cần tháo gỡ, Bộ sẽ trình Thủ tướng sớm để cùng với Hà Nội có được nhà xã hội theo đúng kế hoạch”, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà bày tỏ.

Về vấn đề cải tạo chung cư cũ, hiện có nhiều văn bản, chính sách về việc này nhưng thực tiễn triển khai còn nhiều khó khăn, do vậy Bộ trưởng mong muốn  Thành phố Hà Nội nghiên cứu để có những mô hình cải tạo chung cư, Bộ Xây dựng cùng với Hà Nội thực hiện. 

Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, qua ý kiến của các đại biểu, đã có nhiều vấn đề được nêu ra thảo luận. Về những vấn đề này, TP giao các đơn vị, có kế hoạch cụ thể, trên cơ sở đó phân công báo cáo Bộ hướng dẫn để hoàn thành các nội dung công việc.