Hơn 30% trẻ em miền núi của Quảng Ngãi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện tại, 5/5 huyện miền núi của tỉnh Quảng Ngãi có tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi ở mức rất cao, trên 30%.

Trong chuyến khám chữa bệnh tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng tại xã Sơn Trà (huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi) vào ngày 19/6 vừa qua, bác sĩ Phạm Hữu Nghĩa - Trung tâm Y tế huyện Sơn Tây bày tỏ sự lo ngại khi tiếp nhận quá nhiều trường hợp trẻ em suy dinh dưỡng đến thăm khám.
 Bác sĩ Phạm Hữu Nghĩa tư vấn dinh dưỡng cho người dân xã Sơn Trà.
“Trung bình 10 em thì có đến 7 em bị suy dinh dưỡng. Các em cần được sự hỗ trợ nhiều hơn để đảm bảo sức khỏe”, bác sĩ Nghĩa lo lắng.
Thực tế, tình trạng trẻ em bị suy dinh dưỡng tại các huyện miền núi ở Quảng Ngãi gồm: Trà Bồng, Sơn Tây, Sơn Hà, Ba Tơ, Minh Long dù có giảm nhưng vẫn còn ở mức đáng lo ngại. Tiêu biểu, tại huyện Sơn Tây, đến cuối năm 2020, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân là 32,7% và thể thấp còi là 48,3%; ở huyện Trà Bồng, tỷ lệ này lần lượt là 27,3% và 37,2%; ở huyện Ba Tơ là 26,8% và 42,5%.
Thống kê của Sở Y tế Quảng Ngãi cho thấy, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở các huyện miền núi từ 30,6% vào năm 2017 đã giảm còn 25,5% vào năm 2020 và thể thấp còi từ 41,8% vào năm 2017 giảm còn 36,5% vào năm 2020.
Theo phân loại, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi từ 30% trở lên thuộc loại rất cao; từ 20% đến dưới 30% thuộc loại cao. Căn cứ theo phân loại này, hiện tại, 5/5 huyện miền núi của tỉnh Quảng Ngãi có tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thấp còi ở mức rất cao. 
 Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể thấp còi, thể nhẹ cân ở các huyện miền núi Quảng Ngãi đều ở mức cao và rất cao.
Đồng thời, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và thể thấp còi ở miền núi còn chênh lệch khá nhiều so với các huyện ở đồng bằng của tỉnh nói chung và so với toàn quốc nói riêng. 
Theo Sở Y tế Quảng Ngãi, nguyên nhân chính của tình trạng này là do đời sống của người dân còn nghèo khó, kiến thức nuôi con và chăm sóc con của các bà mẹ còn hạn chế; các bà mẹ chưa tự giác đi khám thai và đến cơ sở y tế để đẻ cũng như đưa con đi cân/đo thường xuyên và đúng lịch.  
Các yếu tố như điều kiện sống, tập tục, tập quán ở một số xã của huyện miền núi còn lạc hậu, trình độ dân trí thấp, quan niệm về hôn nhân và gia đình còn nặng về tập tục, đời sống kinh tế còn khó khăn tác động trực tiếp đến kiến thức, thực hành dinh dưỡng của bà mẹ và trẻ em ảnh hưởng đến mục tiêu giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng của tỉnh.
Ngoài ra, sự phối hợp liên ngành chưa chặt chẽ, vẫn còn một số nơi, một số địa phương xem công tác dinh dưỡng là của riêng ngành y tế; nhận thức về dinh dưỡng của cộng đồng còn thấp.
 Hạ tỷ lệ suy dinh dưỡng đang là thách thức lớn không chỉ riêng của ngành tế Quảng Ngãi.
Do vậy, việc phấn đấu để hạ thấp tỷ lệ suy dinh dưỡng và bền vững ở các huyện miền núi đang là một thách thức lớn không chỉ riêng của ngành y tế mà đòi hỏi cần có sự quan tâm, đầu tư, chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở; sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể xã hội nhằm nâng cao dân trí, nâng cao thu nhập của người dân, xóa đói, giảm nghèo để cải thiện tốt hơn tình trạng dinh dưỡng và an ninh lương thực trong thời gian tới. 
Để giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi các huyện miền núi của tỉnh trong thời gian đến, ông Nguyễn Xuân Mến - Giám đốc Sở Y tế Quảng Ngãi đề xuất với các cấp có thẩm quyền cho phép tiếp tục xây dựng Nghị quyết về Đề án nâng cao hiệu quả phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2021 - 2025.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần