Kẻ sát nhân trốn trên xe khách đối diện mức án nào?

Thái An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chuyên gia pháp lý nhận định, với hành vi tàn nhẫn, tước đi mạng sống của nạn nhân thì đối tượng này sẽ vẫn phải đối mặt với mức hình phạt nghiêm khắc.

Đại diện Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) Bộ Công an cho biết, Phòng CSGT – Công an tỉnh Nghệ An đã truy bắt Cao Bá Khoa (25 tuổi, ở xã Hóa Sơn, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) khi đối tượng đang lẩn trốn trên xe khách.

Theo đại diện Cục CSGT, Phòng CSGT Công an tỉnh Nghệ An nhận được thông tin từ Công an huyện Thái Thụy (Thái Bình) về việc tối 6/11, do mâu thuẫn cá nhân, Cao Bá Khoa đã dùng dao nhọn đâm vào ngực anh T.Đ.T. (42 tuổi, ở huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) khiến nạn nhân tử vong.

Đối tượng Cao Bá Khoa (giữa), kẻ sát nhân bị bắt giữ khi đang đi trốn bằng xe khách tại CQCA (Ảnh: CQCA cung cấp)
Đối tượng Cao Bá Khoa (giữa), kẻ sát nhân bị bắt giữ khi đang đi trốn bằng xe khách tại CQCA (Ảnh: CQCA cung cấp)

Sau khi gây án, Khoa lên xe khách giường nằm và bỏ trốn vào các tỉnh phía trong. Nhận được tin báo, Phòng CSGT Công an tỉnh Nghệ An đã triển khai đón lõng trên các cung đường để kiểm tra xe khách.

Đến 3h45 ngày 7/11, cảnh sát kiểm tra một xe khách đang di chuyển trên Quốc lộ 1A, thuộc địa bàn xã Diễn Hồng (huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) thì phát hiện Khoa đang nằm ngủ trên xe. Lúc này, cảnh sát đã bắt giữ đối tượng và bàn giao cho Công an tỉnh Thái Bình. Hiện lực lượng chức năng Công an tỉnh Thái Bình đang tiến hành điều tra, làm rõ.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Đinh Thị Nguyên, Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại Đông Á, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, hành vi phạm tội của nghi phạm là đặc biệt nghiêm trọng đã tước đoạt quyền được sống của người khác - là một trong những quyền cơ bản và cao quý nhất của con người. Theo đó, mọi hành vi tước đoạt quyền sống người khác trái pháp luật đều bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Luật sư Nguyên nhận định, sau khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can CQĐT sẽ làm rõ nguyên nhân, động cơ, hành vi phạm tội của đối tượng gây án. Trường hợp kết quả điều tra, xác minh, lấy lời khai của nghi phạm phù hợp với các chứng cứ mà CQĐT đã thu thập được, CQĐT có thể khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can với nghi phạm về tội "Giết người" theo quy định tại khoản 1 Điều 123, BLHS năm 2015.

“Hành vi của nghi phạm đã tước đoạt tính mạng người khác, gây tang thương mất mát không gì bù đắp cho gia đình nạn nhân, gây mất an ninh trật tự, nên cần thiết xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Nếu đối tượng đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự thì phải đối mặt với mức hình phạt cao nhất đến tử hình là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật” – Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại Đông Á phân tích.

Chuyên gia pháp lý này cũng cho biết, ngoài trách nhiệm hình sự mà đối tượng này phải gánh chịu theo quy định pháp luật thì đối tượng này có trách nhiệm phải bồi thường toàn bộ thiệt hại đối với gia đình nạn nhân. Thiệt hại bao gồm chi phí cứu chữa, tiền công người chăm sóc trước khi nạn nhân tử vong, tiền chi phí mai táng theo phong tục địa phương, tiền nghĩa vụ cấp dưỡng với người mà nạn nhân có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định pháp luật và một khoản tiền bồi thường tổn thất về tinh thần khoảng 100 tháng lương cơ sở.

Để giảm thiểu những vụ án mạng đau lòng như vậy, theo chuyên gia pháp lý thì ngoài việc xử lý nghiêm minh, răn đe phòng ngừa chung cho xã hội cần phải tăng cường các biện pháp giáo dục, đặc biệt là giáo dục đạo đức nhân cách, giáo dục kỹ năng sống, giáo dục lòng nhân ái cho thế hệ trẻ. Kịp thời phát hiện giải quyết các mâu thuẫn dân sự trong đời sống xã hội để tránh những xung đột, mâu thuẫn âm bị kéo dài và không lối thoát dẫn đến bi kịch xảy ra.

Còn về lâu dài thì cần phải đổi mới phương pháp giáo dục, đề cao giáo dục đạo đức, xây dựng những chuẩn mực đạo đức xã hội để con người giàu lòng nhân ái, biết yêu thương đồng loại, biết sẻ chia, hy sinh và giảm bớt cái tôi ích kỷ cá nhân. Khi trong xã hội mà những lời "cảm ơn", "xin lỗi" chưa phải là văn hoá, không phải là câu cửa miệng, người ta vẫn sợ nhận lỗi, vẫn đề cao giá trị lợi ích cá nhân, thiếu nhân văn thì còn nhiều người sẵn sàng bất chấp tất cả để đạt được mục đích của cá nhân mình.

"Chỉ khi nào đạo đức xã hội được nâng lên, tính ích kỉ tham lam, bần tiện trong con người giảm đi, con người giao tiếp với nhau có đạo đức, nhân văn, hướng thiện, ý thức tôn trọng người khác được đề cao thành nét văn hóa thì mới giảm thiểu được những vụ án đau lòng như thế này" – nữ luật sư chia sẻ.