Khắc khoải ngày về...

Nam Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khi khắp các con phố đang ngập tràn đào, quất, những đứa trẻ ngoài kia đang được bố mẹ đưa đi sắm đủ các thứ đồ để đón một năm mới thì tại Bệnh viện K3 lại đang có những ánh mắt chất chứa nỗi chờ mong giản dị, không đồ chơi, không áo quần mà đó chỉ là được quây quần bên bữa cơm đoàn viên...

“Muốn nhanh đỡ đau để về!”

Ngày bình thường, Bệnh viện K3 vốn đã trầm lắng, luôn thiếu vắng những tiếng cười thì vào những ngày giáp Tết này, không khí càng như tĩnh lặng hơn. Chỉ thấy những ánh mắt khắc khoải, xót xa của bậc làm cha, làm mẹ. Chỉ thấy gương mặt lúc nào cũng mệt mỏi và đau đớn của những đứa bé có số phận không may mắn đang cảm nhận không khí của ngày Tết đến thật gần. Và những bác sĩ, y tá, điều dưỡng đang chạy đua cùng thời gian...

Khác với bước chân vội vã lúc còn trên phố, trong cái hối hả phấn đấu kết thúc những công việc cuối cùng của năm để sớm được về đoàn tụ cùng gia đình đón một cái Tết Nguyên đán đầm ấm, tôi đã cố gắng đi thật nhẹ, thật chậm trên những hành lang dài của bệnh viện, để không chạm vào nỗi đau của bất kỳ ai trong số hàng nghìn đứa trẻ mắc căn bệnh ung thư đang cùng thân nhân chống chọi qua ngày. Tôi không muốn những tiếng khóc thét dai dẳng gọi mẹ khi bị các mũi tiêm đưa vào người; những cái đầu “trọc lốc” hay xác xơ chỉ vài ngọn tóc tơ và những gương mặt thất thần sau những đợt xạ trị đau điếng và cũng còn nguyên vẹn ở đó những đứa trẻ bị băng kín mít đầu sau những ca phẫu thuật sâu phải chịu thêm những nỗi đau về tinh thần. Và tôi đã nén quay đi lau nước mắt khi chứng kiến một đứa trẻ bật khóc khi thấy những đứa bạn được cùng người thân xách ba lô đi về.

“Con còn đau không?”, “Con đỡ đau rồi chú ạ. Phải nhanh hết đau để về cùng bố mẹ, cùng em gái đón Tết chứ chú”. Đó là câu trả lời của cậu bé Trần Kim Cường, 8 tuổi (phường Chiềng Cơi, TP Sơn La), câu nói tưởng bình thường và rất đỗi hồn nhiên ấy đã làm cho người mẹ của em – chị Bùi Thị Hải phải rơi lệ. Dòng lệ đắng chát mà có lẽ chị đã cố hết sức kìm nén khi ngồi trò chuyện nhưng đã không thể chảy ngược vào lòng trước ánh mắt hy vọng từ đứa con của mình.

Được biết, Kim Cường vào Bệnh viện K3 điều trị từ tháng 9/2015, khi đó các bác sĩ xác định em bị K xương, căn bệnh đã buộc em phải bỏ đi cánh chân trái của mình để có thể nuôi hy vọng vào những ngày sau đó. Sau phẫu thuật, thể trạng em khả quan hơn và em được ra viện. Nhưng niềm vui ngắn chẳng đầy gang, chỉ sau chưa đầy 5 tháng về nhà, gia đình Cường lại phải nhận tin dữ khi biết căn bệnh ung thư trong người em đã di căn lên phổi. Thế rồi người mẹ đang quằn quại khổ đau kia lại cùng đứa con trai duy nhất của mình lên đường tiếp tục hành trình đấu tranh với “thần Chết”.

Lau vội dòng nước mắt, nhìn vào cậu con trai của mình, chị tiếp tục câu chuyện: "Kể từ khi biết được bệnh, sau nhiều đợt xạ trị, sức khỏe của Cường giờ đã khá hơn nhiều. Giờ chỉ mong những cơn đau đừng hành hạ cháu để Tết này được các bác sĩ đồng ý cho về. Như đợt gần Tết Bính Thân 2016, bệnh viện thông báo sẽ có đoàn hảo tâm đến phát quà, Cường hào hứng ngóng chờ lắm nhưng buổi sáng khi được bác sĩ cho biết có thể về quê ăn Tết là cậu sướng rơn, cuống cuồng giục mẹ sắp đồ đạc về luôn chứ không nghĩ đến chuyện nhận quà của cô chú nữa”.

Đồng tuổi và cũng đang ngập tràn hy vọng được về Tết như Cường là cậu bé dân tộc Mường ở phòng kế bên Hà Anh Tuấn (trú tại Tân Sơn, Phú Thọ), mắc căn bệnh U lympho và hiện tại một tai của em dường như không còn nghe thấy gì nữa; còn là Lê Đức Cảnh (Bắc Ninh) bị bệnh bạch cầu cấp vẫn mong ngày về Tết để được nhận nhiều lì xì đỏ từ các cô chú và anh chị.

Nói về mong ước được trở về nhà khi ngày Tết cận kề, TS.BS Phạm Thị Việt Hương (Khoa Nhi, Bệnh viện K3) còn nhớ mãi kỷ niệm:“Đó là cái Tết năm 2007, tôi đưa con mình mới hơn 2 tuổi vào trực Giao thừa trong bệnh viện. Lúc Giao thừa chưa đến, có một cháu bệnh nhân 12 tuổi nằm khóc quay mặt vào trong nhất định không nói với ai và chỉ một mực khóc đòi về nhà, thậm chí cháu nói: "Cho cháu về một lúc rồi cháu lại lên bệnh viện". Nhà cháu thì xa, cách bệnh viện hơn 100 cây số mà tình trạng bệnh tật của cháu không thể rời bệnh viện. Cháu nhất định đòi về, thậm chí còn dọa đập đầu vào tường nếu bác sĩ không cho. Nhưng lúc Giao thừa gần đến, tôi bế con trai mình đến giường bệnh của cháu đó, nói với con rằng: "Nào, con chúc mừng năm mới chị đi". Cháu ngồi dậy và ngoan ngoãn theo tôi cùng xuống đón Giao thừa với các bạn. Giao thừa qua đi, cháu nói với tôi: "Bác ơi, con xin lỗi đã làm bác mệt từ sáng đến giờ. Con nghĩ rồi, bác và em bé còn phải đón Giao thừa trong bệnh viện thì con không nên đòi bác phải cho về như thế". Rồi cháu cười, trở lại vui vẻ hơn.

Đó chỉ là câu chuyện về một số trong rất nhiều trường hợp chúng tôi gặp được tại Khoa Nhi của bệnh viện K3. Tất cả các em tuy đến từ các vùng quê khác nhau nhưng giờ đây, vào những ngày giáp Tết này, những ánh mắt trẻ thơ ấy như cùng nhìn về gia đình thân yêu và cùng chung một cảm xúc: sợ bệnh viện, sợ mũi tiêm, sợ những lần phẫu thuật đau điếng và sợ bác sĩ nói câu: "Tết này phải ở lại nơi đây!".

Đón giao thừa bằng những ánh nhìn lạc quan “tạm”

“Biết là những cơn đau có thể đến bất kỳ nhưng vẫn muốn cùng các cháu về để sum họp với gia đình, gặp anh gặp em cho nó khuây khỏa, rồi mình cũng cảm giác bớt đi được sự nặng nề dồn nén mỗi ngày” – câu nói của anh Lê Văn Trung (Phú Thọ) như chạm đúng sự mong mỏi của những người kế bên, cả phòng bệnh như choàng tỉnh, ánh mắt những đứa trẻ cũng vì thế mà sáng lên trong tích tắc. Chưa biết liệu con mình có được về hay không, nhưng nhà ai cũng đã gói ghém đồ đạc để về khi được các bác sĩ cho phép.

Những gương mặt trẻ thơ mong ngày về đón Tết. Ảnh: Nam Khánh

Chia sẻ với chúng tôi, TS.BS Phạm Thị Việt Hương cho biết: “Cứ mỗi dịp cuối năm, tần suất làm việc của y, bác sĩ như dày lên. Đoàn viên ngày Tết là ước mong của mỗi người nên càng gần ngày ấy, chúng tôi lại cùng bảo nhau chạy đua cùng thời gian nhằm giúp những em bé có sức khỏe khả quan hơn để tiếp thêm hy vọng các em sẽ được về đón Giao thừa cùng bố mẹ, người thân. Mong mỏi là thế, nhưng hàng năm vẫn có không ít gia đình phải ở lại bệnh viện do sức khỏe của một số cháu không bảo đảm. Có những năm, sáng 30 Tết, chúng tôi mới quyết định là cháu tạm an toàn để về nhà ăn Tết. Thường thì mỗi năm, Khoa Nhi có khoảng dưới 10 bệnh nhân phải ở lại, có năm thì ít hơn chỉ 2 -3 cháu. Thời điểm buộc phải quyết định giữ các cháu ở lại muộn nhất là ngày 28 âm lịch".

Để bù đắp những thiếu thốn tinh thần ấy, năm nào cán bộ nhân viên trong Khoa Nhi cùng một số cá nhân, tổ chức thiện nguyện đều chuẩn bị cho bệnh nhân đón Tết trong bệnh viện một cách chu đáo. Bệnh viện dành cho mỗi bệnh nhân một túi quà có phong bao lì xì, bánh chưng, kẹo, bánh... đầy đủ như Tết ở nhà. Không gian bệnh viện có cả đào, quất trang trí và kíp trực cùng đón Giao thừa với bệnh nhân để mọi người quây quần bên nhau.

Cũng theo bác sĩ Hương, 17 năm công tác tại đây, chị cùng những y, bác sĩ chứng kiến không ít giây phút xúc động trong thời khắc cùng nhau đón Giao thừa. Có những Tết khi tiếng pháo nổ vang trời, sau khi nghe Chủ tịch nước chúc Tết, các gia đình người bệnh cùng nhau nhấp ngụm rượu, ăn miếng bánh. Thay vì những câu chúc Tết, mọi người lại hướng về nhau rồi khóc, ôm lấy nhau và động viên nhau cùng mạnh mẽ hơn cùng hành trình với con.

** *

Ngoài kia đang là những dòng người vội vã, tất bật. Các ngả đường đang được điểm bằng gánh xe đào, mai, quất, nhiều quầy hàng đã bắt đầu xôn xao những giỏ kẹo bánh sặc sỡ sắc màu. Tôi chợt nhận ra giữa những khát khao mong chờ ngày Tết để được đi chơi, để có quần áo mới hay giữa những tâm trạng bàng quan, thậm chí sợ sự bận rộn của ăn uống, nhậu nhẹt chúc tụng, thì hiển hiện ở đâu đó, Tết vẫn là chuỗi ngày quý giá, dù cho không mâm cao cỗ đầy nhưng đó là ngày trở lại, ngày đoàn viên để tạm quên những “cơn sóng ngầm dưới đáy sông”, để cùng nhau “tay nắm chặt tay” và những cái ôm siết đầy ấm áp.