Khai báo tai nạn lao động: Nhiều doanh nghiệp “ém” thông tin

Việt An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc khai báo, thống kê, báo cáo về tình hình tai nạn lao động (TNLĐ) là một trong những việc làm bắt buộc và phải được thực hiện thường xuyên, đã được quy định trong Luật An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ). Tuy nhiên, việc này vẫn bị nhiều DN “phớt lờ”, dẫn đến quyền lợi của nhiều người lao động (NLĐ) bị xâm phạm.

 Công tác khai báo, thống kê về tai nạn lao động của các DN chưa được thực hiện nghiêm túc. Ảnh minh họa
Còn tình trạng che giấu
Theo số liệu của các đơn vị cơ sở đã báo cáo và qua quá trình điều tra TNLĐ năm 2017, trên địa bàn TP Hà Nội đã xảy ra 254 vụ TNLĐ làm 31 người chết, 238 người bị thương. Trong đó, có 29 vụ TNLĐ nghiêm trọng làm 31 người chết và 4 người bị thương nặng. Ngoài ra, trên địa bàn TP đã xảy ra 19 vụ tai nạn giao thông được hưởng chế độ TNLĐ (19 người chết); 1 vụ cháy nghiêm trọng làm 8 người bị chết, 2 người bị thương nặng.

Tuy nhiên, những con số được công bố trên chưa phản ánh đúng tình hình TNLĐ. Theo LĐLĐ TP đánh giá, công tác khai báo, thống kê về TNLĐ của các DN chưa được thực hiện nghiêm túc. “Nhiều DN đã có hành vi che giấu, không khai báo với cơ quan có thẩm quyền khi có TNLĐ xảy ra theo quy định, mà “ém” thông tin và tự thỏa thuận giải quyết với gia đình nạn nhân”- Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Lê Đình Hùng cho biết.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng này là do một số DN chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc khai báo, thống kê nên thiếu quan tâm đến công tác ATVSLĐ. Họ e ngại những con số này sẽ ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của DN… Đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng, để nhận được hợp đồng công việc, một số tổ, đội lao động phổ thông đã phải thành lập công ty có pháp nhân riêng theo yêu cầu của nhà thầu chính. Song, hầu hết cả người sử dụng lao động và NLĐ của các công ty này đều chưa qua đào tạo quản lý cũng như kiến thức về ATVSLĐ còn hạn chế.

Bên cạnh đó, một số chế độ chính sách đối với NLĐ còn bị vi phạm nhiều như: Chế độ TNLĐ, bệnh nghề nghiệp; chế độ bồi dưỡng độc hại bằng hiện vật; chế độ huấn luyện ATVSLĐ; cung cấp phương tiện bảo vệ cá nhân. Ngoài ra, còn tình trạng một số DN trốn đóng hoặc nợ đọng Bảo hiểm xã hội làm ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ khi bị TNLĐ.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra

Với chức năng tham gia điều tra các vụ TNLĐ trên địa bàn, LĐLĐ TP Hà Nội đã tích cực phối hợp với đoàn điều tra TNLĐ TP kết luận các vụ tai TNLĐ chính xác, kịp thời. Trong thời gian qua, đoàn điều tra TNLĐ TP đã điều tra và kết luận 25/29 vụ, đảm bảo quyền lợi của người bị nạn ít nhất là bằng và chủ yếu là cao hơn luật định.

Dù vậy, theo Cục An toàn lao động (Bộ LĐTBXH), trong năm 2017 chỉ có khoảng 5,4% DN báo cáo về tình hình TNLĐ. Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Mai Đức Chính cho biết, tới đây sẽ đề xuất sửa đổi Nghị định số 95/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt hành chính, nâng mức độ xử phạt đối với những hành vi không báo cáo.

Còn theo Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Lê Đình Hùng, Công đoàn Thủ đô sẽ tiếp tục chủ động phối hợp với chính quyền đồng cấp tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra chuyên ngành về thực hiện pháp luật ATVSLĐ tại các đơn vị DN có nhiều nguy cơ về TNLĐ. Bên cạnh đó, cần tăng cường tuyên truyền các quy định của pháp luật về khai báo, thống kê, báo cáo đến các DN, cơ sở. Nhưng không ai khác mà chính DN cần phải chủ động, tự giác chấp hành nghiêm các quy định về khai báo TNLĐ. Bởi, đây chính là cơ sở để tự xây dựng kế hoạch, giải pháp triển khai công tác bảo hiểm lao động một cách hiệu quả, góp phần nâng cao uy tín và tạo đà cho sự phát triển bền vững của DN.