Khẩn trương lấy nước gieo cấy vụ Đông Xuân

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 28/1, các tỉnh, TP khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ bước vào đợt lấy nước thứ 2 phục vụ gieo cấy vụ Đông Xuân năm 2017 - 2018. Do có tập quán cấy muộn nên đợt lấy nước lần này được coi là trọng tâm của Hà Nội.

Gần 30% diện tích ruộng đồng đã có nước
Theo thống kê của Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT), đến ngày 28/1, tổng diện tích đồng ruộng đã có nước của 12 tỉnh, TP khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ là trên 180.190ha (bằng gần 30% kế hoạch). Một số địa phương có diện tích lấy nước đạt cao gồm: Nam Định (72%), Phú Thọ (63%), Ninh Bình (60%)…
 Vận hành lấy nước gieo cấy vụ Đông Xuân tại trạm bơm Thanh Điềm, huyện Mê Linh. Ảnh: Trọng Tùng
Tại Hà Nội, tổng diện tích canh tác vụ Đông Xuân đã có nước đến nay là trên 25.000ha, bằng khoảng 26% kế hoạch. Ngay sau khi có nước, bà con nông dân nhiều địa phương trên địa bàn TP đã tích cực xuống đồng sản xuất. Đến nay, diện tích làm đất đạt trên 13.250ha. Các huyện: Ứng Hòa, Mỹ Đức, Quốc Oai, Phúc Thọ đã vận động bà con tổ chức gieo cấy đạt khoảng 386ha...

Ghi nhận thực tế cho thấy, trong đợt lấy nước đầu tiên, dòng chảy hạ du sông Hồng có những thời điểm không đạt mức +2,2m. Trong đợt lấy nước thứ 2 này, tình hình nguồn nước được nhận định chưa có nhiều cải thiện. Trước diễn biến trên, Tổng cục Thủy lợi đã có Công điện số 02/CĐ-TCTL-QLCT đề nghị các địa phương tập trung tối đa cho công tác lấy nước, trữ nước vào hệ thống các công trình thủy lợi.

Theo kế hoạch, trong 18 ngày của 3 đợt lấy nước vụ Đông Xuân năm 2017 - 2018, tổng lượng nước xả từ các nhà máy thủy điện là 5,7 tỷ mét khối nước. Kết thúc đợt 1, đã xả đạt 1,48 tỷ mét khối nước. Đợt lấy nước thứ 2 sẽ kéo dài đến 24 giờ ngày 4/2.

Tránh rò rỉ, thất thoát nguồn nước

Sau khi đợt lấy nước đầu tiên kết thúc vào 24 giờ ngày 19/1, TP tiếp tục chỉ đạo 5 DN thủy lợi và các địa phương duy trì vận hành hệ thống trạm bơm phục vụ lấy nước. Theo Phó tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển thủy lợi sông Tích Trần Dũng Tuấn, ngày 28/1, 28 trạm bơm, cùng hàng trăm nhân công của đơn vị tiếp tục được huy động tối đa, túc trực lấy nước vào ao hồ, kênh mương... Tại 4 DN thủy lợi khác, hàng trăm trạm bơm cũng hoạt động hết công suất, lấy nước, trữ nước vào các công trình thủy lợi.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Trần Thanh Nhã cho biết: Đợt lấy nước thứ 2 sẽ là đợt trọng tâm đối với Hà Nội. Do đó, các đơn vị cần tập trung cao độ. Bên cạnh lấy nước, cần hạn chế thấp nhất tình trạng rò rỉ, thất thoát nguồn nước. Trước tình trạng mực nước sông Hồng trong đợt lấy nước đầu tiên có thời điểm chưa đạt +2,2m theo kế hoạch, ông Nhã đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam xả đủ nguồn nước từ các hồ chứa thủy điện, bảo đảm lưu lượng nước về hạ du, đáp ứng nhu cầu lấy nước của các địa phương, trong đó có Hà Nội.

Về phía Tập đoàn Điện lực Việt Nam, đơn vị này cho biết, đã chỉ đạo công ty điện lực các địa phương bảo đảm hệ thống cấp điện trong 20 ngày trước, trong và sau thời gian xả nước. Ngành điện cũng đã xây dựng phương án đảm bảo cấp điện trở lại sớm nhất trong trường hợp xảy ra sự cố. Giống như tại các công ty thủy lợi, trong thời gian xả nước, các đơn vị ngành điện cũng được yêu cầu tổ chức trực ca kíp, bảo đảm điều kiện cấp điện tốt nhất phục vụ lấy nước cho các địa phương.

"Các địa phương cần có phương án thích ứng với việc dòng chảy sông Hồng không được duy trì ở mức thuận lợi cho việc vận hành các công trình thủy lợi. Chủ động lắp đặt các trạm bơm dã chiến để lấy nước. Đồng thời, rà soát diện tích canh tác ở vùng cao, khu vực trũng thấp có khả năng bị ngập úng để có phương án chuyển đổi sản xuất phù hợp." - Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi  Nguyễn Văn Tỉnh