Khánh Hòa: GRDP đứng đầu vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung

Trung Nhân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) 9 tháng đầu năm 2023 đạt khoảng 43.635,19 tỷ đồng, tăng 9,17% so cùng kỳ năm trước, xếp vị thứ 5/63 của cả nước và đứng đầu vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung.

Ngày 3/10, trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, ông Nguyễn Tấn Tuân - Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, 9 tháng đầu năm 2023, tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Khánh Hòa tiếp tục duy trì tốc độ phát triển với nhiều chỉ tiêu kinh tế tăng so cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) 9 tháng đầu năm 2023 đạt khoảng 43.635,19 tỷ đồng, tăng 9,17% so cùng kỳ năm trước, xếp vị thứ 5/63 của cả nước và đầu vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung.

GRDP của Khánh Hòa xếp vị thứ 5/63 của cả nước và đứng đầu vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung… Ảnh: Trung Nhân.
GRDP của Khánh Hòa xếp vị thứ 5/63 của cả nước và đứng đầu vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung… Ảnh: Trung Nhân.

Đặc biệt, tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành hơn 47.863,6 tỷ đồng, tăng 7,3% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn khu vực Nhà nước đạt 9.910,8 tỷ đồng, chiếm 20,71% tổng vốn và tăng 6,24% (vốn Trung ương quản lý 4.756,3 tỷ đồng, tăng 7,74% và vốn địa phương quản lý 5.154,5 tỷ đồng, tăng 4,89%).

Đối với vốn khu vực ngoài Nhà nước đạt khoảng 28.436,3 tỷ đồng, chiếm 59,41% và tăng 25,73%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 9.516,5 tỷ đồng, chiếm 19,88% và giảm 24,84%.

Trong tổng vốn đầu tư phát triển, vốn đầu tư xây dựng cơ bản vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất với 84,82%; vốn đầu tư mua sắm tài sản cố định dùng cho sản xuất không qua xây dựng cơ bản chiếm 10,85%; vốn đầu tư sửa chữa, nâng cấp tài sản cố định chiếm 2,94%; vốn đầu tư bổ sung vốn lưu động chiếm 0,94% và vốn đầu tư khác chiếm 0,45%.

Khánh Hòa tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công. Ảnh: Trung Nhân.
Khánh Hòa tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công. Ảnh: Trung Nhân.

Ông Nguyễn Tấn Tuân cho biết thêm, 9 tháng đầu năm 2023, vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn Nhà nước do địa phương quản lý được 2.793,4 tỷ đồng bằng 48,05% kế hoạch và tăng 8,29% so cùng kỳ năm trước.

Ngoài ra, Khánh Hòa có 183 công trình khởi công mới và 187 công trình hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng với tổng vốn đầu tư 835,6 tỷ đồng.

Một số công trình đầu tư từ nguồn vốn Nhà nước như đập ngăn mặn sông Cái Nha Trang, tổng mức đầu tư (2019- 2022) 759,5 tỷ đồng, ước thực hiện được 78,5 tỷ đồng; dự án môi trường bền vững các TP Duyên Hải - Tiểu DA TP Nha Trang, tổng vốn đầu tư (2018 - 2023) 1.657,5 tỷ đồng ước thực hiện được 254,5 tỷ đồng; Bệnh viện Ung Bướu, tổng vốn đầu tư (2016-2022) 560,9 tỷ đồng, ước thực hiện được 75,7 tỷ đồng…

Ngoài ra, còn có một số dự án giao thông đáng chú ý như đường giao thông ngoài cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong, tổng mức đầu tư (2021- 2024) 292 tỷ đồng, thực hiện 114,5 tỷ đồng; dự án thành phần 01 thuộc dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 01 (32 km), tổng mức đầu tư (2023-2027) 5.333,3 tỷ đồng, thực hiện 302,9 tỷ; đường D1 (Tỉnh lộ 2 - Quốc lộ 27C), tổng mức đầu tư (2022-2025) 130,3 tỷ đồng, thực hiện được 46,5 tỷ đồng...

Khánh Hòa thu hút được 15 dự án đầu tư ngoài ngân sách với tổng vốn đăng ký khoảng 100.130,8 tỷ đồng. Ảnh: Trung Nhân.
Khánh Hòa thu hút được 15 dự án đầu tư ngoài ngân sách với tổng vốn đăng ký khoảng 100.130,8 tỷ đồng. Ảnh: Trung Nhân.

"Đến hết 30/9, so với kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao, tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn năm 2023 đạt 52,4%. So với kế hoạch vốn được UBND tỉnh giao thực tế thì tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn năm 2023 đạt 61,2%" - ông Nguyễn Tấn Tuân chia sẻ.

Về thu hút đầu tư, ông Nguyễn Tấn Tuân cho biết, Khánh Hòa đã thu hút được 15 dự án đầu tư ngoài ngân sách với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 100.130,8 tỷ đồng. Đồng thời, điều chỉnh tăng vốn cho 14 dự án với tổng số vốn đăng ký đầu tư tăng khoảng 29.076,5 tỷ đồng; chấp thuận đầu tư 2 dự án với tổng vốn đầu tư là 434 tỷ đồng.