“Khát” nhân lực nghề bảo hộ lao động

Oanh Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khi chia sẻ về nhu cầu nhân lực nghề Bảo hộ lao động (BHLĐ) hay còn gọi An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ), TS Vũ Văn Thú – Trưởng khoa BHLĐ, trường Đại học (ĐH) Công đoàn cho biết: “Thời điểm hiện nay và thậm chí 10 năm nữa, nhu cầu của xã hội về nhân lực ngành ATVSLĐ rất lớn”.

 Ảnh minh họa
Theo quy định của Nhà nước, mỗi DN có từ 300 lao động trở lên phải bố trí ít nhất một người làm công tác ATVSLĐ chế độ chuyên trách. Đối với những DN đặc thù, trong sản xuất có nhiều yếu tố nguy hiểm, từ 50 lao động trở lên cũng phải bố trí một người làm chuyên trách về ATVSLĐ. Những DN có 1.000 lao động trở lên phải thành lập phòng ATVSLĐ.
Hiện nay, nhiều DN đang rất thiếu người làm ATVSLĐ nên sinh viên đang học năm 3, 4 đến thực tập còn được hỗ trợ kinh phí. Khi tốt nghiệp ra trường, sinh viên có nhiều cơ hội lựa chọn vị trí việc làm đúng ngành, phù hợp với năng lực, như quản lý hoặc thanh tra về ATVSLĐ ở các cơ quan quản lý Nhà nước từ cấp bộ, tỉnh, TP, quận, huyện và trong những khu công nghiệp; bộ phận liên quan đến chính sách, quan hệ lao động, ATVSLĐ trong hệ thống tổ chức công đoàn các cấp. Một số các bạn làm ở các viện nghiên cứu khoa học kỹ thuật; giảng dạy về ATVSLĐ ở các trường ĐH, cao đẳng, dạy nghề. Số đông kỹ sư lại làm tại những bộ phận ATVSLĐ trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Nhằm giúp các kỹ sư ATVSLĐ làm tốt công việc của mình, trong 4 năm học tại trường ĐH Công đoàn, sinh viên Khoa BHLĐ sẽ được tiếp cận chương trình đào tạo linh hoạt, phù hợp giữa cả lý thuyết với thực hành thực tế. Nhà trường cũng rất chú trọng đào tạo cho sinh viên kiến thức ngoại ngữ, trang bị kỹ năng làm việc nhóm, thuyết trình, tổ chức phong trào, sự kiện, rèn luyện tác phong công nghiệp thông qua trải nghiệm, thực tế.

Thầy Vũ Văn Thú giải thích: Hoạt động BHLĐ hay là ATVSLĐ mang đậm tính pháp lý, khoa học và quần chúng. Vì thế người làm nghề ATVSLĐ thường xuyên phải theo dõi cập nhật các quy định của pháp luật về ATVSLĐ; nghiên cứu, tiếp cận, ứng dụng KHCN hiện đại để cải thiện điều kiện lao động; tuyên truyền vận động mọi người cùng thực hiện ATVSLĐ, đảm bảo hoạt động sản xuất diễn ra an toàn, hiệu quả. Nhiều kỹ sư BHLĐ cho biết, họ cảm thấy công việc đã mang đến những điều thú vị khi hàng ngày họ được tiếp xúc với đa dạng khách hàng, từ người làm quản lý Nhà nước, nhà khoa học, chủ sử dụng lao động, người lao động, tổ chức về lao động đến các đối tác của DN.