Khát vọng vươn tầm thể thao

Ngọc Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thể thao thành tích cao Việt Nam đã có sự phát triển khởi sắc, đạt được nhiều thành tựu quan trọng và tiến bộ hơn so với giai đoạn trước. Tuy nhiên, nhìn chung thành tích thể thao ở các môn Olympic còn thấp so với châu lục và thế giới.

Những điểm nhấn

Khép lại năm 2023, thể thao Việt Nam đã giành được những thành tích đáng ghi nhận trên các đấu trường khu vực và châu lục, mang lại niềm vui và sự tự hào cho người hâm mộ. Tại SEA Games 32, thể thao Việt Nam đã giành tổng cộng 355 huy chương các loại, trong đó 136 HCV để dẫn đầu toàn đoàn một cách tuyệt đối, hơn đoàn đứng vị trí thứ hai là Thái Lan tới 28 HCV.

Đây là lần thứ 3 trong lịch sử, thể thao Việt Nam kết thúc SEA Games ở ngôi cao nhất. Tại Asiad 19, thể thao Việt Nam giành được 3 HCV, 5 HCB và 19 HCĐ, đứng thứ 21 toàn đoàn. Trong đó, HCV của xạ thủ Quang Huy ở nội dung 10m súng ngắn hơi nam là tấm HCV đầu tiên trong lịch sử của bắn súng Việt Nam tại đấu trường Asiad.

Năm 2023, thể thao Việt Nam đã giành được những thành tích đáng ghi nhận trên các đấu trường khu vực và châu lục, mang lại niềm vui và sự tự hào cho người hâm mộ.
Năm 2023, thể thao Việt Nam đã giành được những thành tích đáng ghi nhận trên các đấu trường khu vực và châu lục, mang lại niềm vui và sự tự hào cho người hâm mộ.

Bóng đá là điểm nhấn lớn nhất của thể thao trong nước năm 2023 là tuyển nữ lần đầu tiên góp mặt tại vòng chung kết FIFA World Cup nữ 2023, vượt qua rất nhiều khó khăn, thử thách, chiến thắng bản thân. Với bóng đá nam, năm vừa qua cũng chứng kiến sự lột xác trong khâu tổ chức Giải vô địch quốc gia (V-League 2023/2024), tiệm cận các giải bóng đá hàng đầu thế giới như ngoại hạng Anh, La Liga… Bên cạnh việc điều chỉnh lịch thi đấu (bắt đầu vào mùa Thu và khép lại vào mùa Hè năm sau), điểm sáng nhất của bóng đá là ứng dụng công nghệ VAR tại V-League. Đây là bước ngoặt mang tính lịch sử của bóng đá Việt Nam khi đang bắt kịp xu thế của bóng đá thế giới. Dù không được áp dụng ở 100% các trận đấu mỗi vòng đấu nhưng khi có VAR, công tác trọng tài sẽ được đảm bảo, tránh mắc những sai lầm nghiêm trọng ảnh hưởng kết quả trận đấu tâm điểm.

Ở thể thao quần chúng, người dân Việt Nam đã có ý thức và chủ động việc tập luyện thể dục thể thao. Hàng triệu CLB được thành lập tạo nếp sống mới văn minh, lành mạnh. Cùng với đó, trên toàn quốc có khoảng 50 - 60 giải chạy marathon phong trào với số lượng vận động viên (VĐV) lên đến hàng vạn người, vừa thúc đẩy phong trào tập luyện thể dục thể thao trong quần chúng Nhân dân, vừa tạo cơ hội phát hiện, tuyển chọn những VĐV xuất sắc, VĐV trẻ có năng khiếu để đưa vào đào tạo nâng cao và chuyên sâu nhằm cống hiến cho thể thao nước nhà ở những đấu trường lớn hơn. Hiện tại khoảng cách giữa thể thao quần chúng, thể thao phong trào với thể thao thành tích cao đã được thu hẹp đáng kể.

Hướng tới ngành công nghiệp thể thao

Dù đạt được những thành công ở cả trong nước cũng như quốc tế nhưng thể thao Việt Nam vẫn chưa có nhiều dấu ấn tại đấu trường châu lục. Thực tiễn qua kỳ Olympic 2020, Asiad 18, 19 gần đây đã cho thấy, thể thao Việt Nam còn nhiều hạn chế về kế hoạch lâu dài, cách thức đầu tư. Theo Phó Cục trưởng Cục Thể dục thể thao (Bộ VHTT&DL) Lê Thị Hoàng Yến, Cục đã tham mưu trình Chính phủ về Chiến lược Phát triển thể dục thể thao trong giai đoạn mới. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật về các định mức kinh tế kỹ thuật cũng đang được triển khai để đưa vào thực tiễn, giúp toàn dân tham gia hoạt động thể dục thể thao một cách dễ dàng và thuận lợi hơn.

“Mục tiêu lớn nhất của thể thao Việt Nam trong năm 2024 là cố gắng giành được nhiều nhất có thể số lượng VĐV tham dự Olympic Paris 2024 và Paralympic Paris 2024. Bên cạnh đó, thể thao Việt Nam cũng đặt mục tiêu sẽ đạt thành tích cao ở đại hội thể thao quốc tế khác” – bà Lê Thị Hoàng Yến nhấn mạnh. Đồng thời cho rằng, cần phải hướng tới phát triển kinh tế thể thao, công nghiệp thể thao... để có nguồn thu và đóng góp chung vào GDP của đất nước.

Những định hướng lớn về phát triển thể thao thành tích cao, hướng tới mục tiêu xa cũng cần được nhìn nhận một cách khách quan. Trong đó có các vấn đề về công tác tuyển chọn, đào tạo VĐV; ứng dụng công nghệ số trong thể thao; chăm sóc y tế, hồi phục và chế độ dinh dưỡng cho VĐV; xã hội hoá thể thao thành tích cao và đảm bảo nguồn lực về tài chính. Với những mục tiêu và kế hoạch đề ra, các nhà quản lý, chuyên gia, người hâm mộ chờ đợi, hy vọng năm 2024 và các năm tới, thể thao Việt Nam sẽ gặt hái nhiều thành công của trên cả đấu trường trong nước và quốc tế.

 

Thể thao thành tích cao Việt Nam cần đổi mới, sáng tạo thông qua hoạt động nghiên cứu và phát triển lực lượng VĐV thể thao đỉnh cao. Đổi mới, sáng tạo thông qua ứng dụng công nghệ mới, chuyển đổi số trong lĩnh vực thể thao thành tích cao. Đồng thời hoàn thiện thể chế, chính sách nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ thể thao…
Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao, GS.TS Lâm Quang Thành