Khi “bố có bồ”!

Ái Châu
Chia sẻ Zalo

Là bạn từ thuở chăn trâu cắt cỏ, đồng hành với nhau trong suốt những năm tháng là học trò trường làng, do gia đình cả hai bên đều nghèo đói nên ông Hùng, bà Hằng chẳng có điều kiện để theo học trường huyện.

Dẹp chuyện học hành, bà Hằng gắn bó với ruộng đồng. Và cũng như bao chàng trai ngày ấy, ông Hùng lên đường cầm súng cứu nước.

Ngày ông Hùng vào bộ đội, dẫu chưa hẹn non thề biển; nhưng chỉ cần “từ ánh mắt đến trái tim”, họ đã ngầm thề ước với nhau; hết giặc trở về nên duyên đôi lứa…

Trải qua mấy năm ở chiến trường biên giới phía Bắc, thực hiện xong nghĩa vụ trai thời chiến, ông Hùng trở về nhà, may mắn là không bị thương. Về hôm trước, hôm sau ông đã giục bố mẹ đẻ đem cơi trầu sang nhà bà Hằng.

Mười lăm ngày sau, một đám cưới diễn ra, thế là họ nên duyên vợ chồng!
Ở những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, cái nghèo cái khó vẫn bủa vây con người ta từ tứ phía. Theo truyền thống gia đình, lấy vợ được hơn tháng trời, bố mẹ cho vợ chồng ông Hùng ra ở riêng với tinh thần “một túp lều tranh - hai trái tim vàng”!

Bây giờ lắm khi vui chuyện, ông Hùng vẫn hay tếu táo câu “mình phục mình thật”. Bởi khi ra ở riêng, đôi trẻ ngày ấy chỉ có chiếc hòm tôn, chiếc ba lô thời chiến và mấy chục cân gạo… thế mà sau 12 năm, ông bà đã kịp “sản xuất” ra 4 trai, 2 gái.

Sau mấy chục năm cày sâu, cuốc bẫm, lần hồi hai ông bà cũng nuôi được 6 đứa con trưởng thành và dựng vợ gả chồng cho chúng. Vẫn theo truyền thống, chúng lại được ăn riêng với mô hình “một mái nhà”, nhưng thay mái tranh là tường gạch, lợp tôn chống nóng.

Và cuộc sống như một vòng xoáy vô tình: cả 6 đứa con của ông bà đều “nghèo bền vững”, bởi chúng chẳng được học hành đến nơi đến chốn. Khi lo dựng vợ, gả chồng cho nửa tá con xong, ngoảnh lại tuổi già đã sầm sập đến với ông Hùng, bà Hằng lúc nào chả hay.

Hai vợ chồng già lại quay về thời kỳ “tân lang, tân nương”, hằng ngày ông theo cánh “thợ đụng” trong làng ra nội thành tìm việc. Sở dĩ người làng tôi tếu táo tự xưng mình là “thợ đụng” bởi ngoài bán sức lấy tiền, họ chẳng có chuyên môn gì. Vậy nên cứ vào nội đô, đụng ai thuê việc gì làm việc đó.

Cần phải nói thêm rằng, tuy đã sắp bước sang tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng nhờ sinh hoạt điều độ và được đào luyện từ thời còn trong quân ngũ, nên sức khỏe của ông Hùng thuộc dạng vô đối. Công việc “thợ đụng” thì chỉ phù hợp với người có sức khỏe, nên tuy tuổi đã cao, nhưng thu nhập của ông Hùng cao gấp vài lần đám trai trẻ. Nhờ đó cuộc sống của ông bà tạm đủ, chẳng phải ngửa tay nhờ vào con cháu.

Tuy nhiên, cuộc sống lại không giống như cuộc đời, bước sang tuổi sáu mươi được vài năm, bà Hằng bắt đầu đau dài, ốm lâu. Những tưởng cú ngã khi trượt chân ở cái bờ máng trước nhà chỉ là “vết thương xoàng”, ai ngờ nó khiến bà Hằng “sập” theo đúng nghĩa. Hết bệnh viện huyện, lại ra thành phố, chạy chữa nhiều năm, qua tay nhiều thầy thợ mà bệnh không hề thuyên giảm. Nằm liệt một chỗ thêm 2 năm, bà đã bỏ ông một mình, ra đi mãi mãi…

Vài năm sau ngày bà Hằng mất, thấy bố đã già mà vẫn phải tự lụi hụi cơm nước; anh con cả đề nghị ông về sống cùng. Thấy đề xuất của con cũng hợp lý, ông lão chọn cách sáng sớm đến nhà con cả, tối quay về bản doanh “cho nó thoải mái”. Rồi cuộc sống cứ thế yên ả trôi đi cho đến một ngày... Do chán cảnh ở nhà “ăn bám” con cháu, ông Hùng quyết quay lại với nghề “thợ đụng”; bởi theo ông, còn sức khỏe, còn chiến đấu!

Nói là làm, ngày hôm sau mới mờ sớm, người làng đã thấy ông Hùng “một mình một ngựa”, lên đường vào phố. Chừng ba tháng sau, vào một hôm khi trời đã nhá nhem, người ta thấy ông Hùng về cùng một người phụ nữ luống tuổi. Sáng hôm sau, hai người ôm eo nhau lên đường từ lúc mờ đất. Chưa đầy một tuần, tin ông Hùng “có bồ” đã loan ra khắp làng… Và khi sự kiện “động trời” kia đến tai mấy đứa con, ngay lập tức chúng tổ chức “hội nghị bất thường” để xử lý bố.

Tại cái “đại hội gia đình ấy”, không để mấy đứa con làm chủ diễn đàn, ông Hùng tuyên bố thẳng thắn rằng: tuy đã có tuổi nhưng ông vẫn còn sức lao động và chưa ăn bám đứa nào. Việc ông “có bồ” là hết sức bình thường bởi “con chăm cha, không bằng bà chăm ông”. Và dù đã đăng ký kết hôn, nhưng “bạn gái” của ông Hùng không đòi hỏi bất kỳ điều kiện nào về phân chia gia sản. Nghe đến đây, mấy đứa con đều “cứng họng”, buổi họp giải tán trong trật tự.

Từ khi “có bồ”, hàng xóm thấy căn nhà sạch sẽ và khang trang, sức khỏe ông Hùng lại càng tốt, bởi có bàn tay chăm sóc của người phụ nữ. Lúc này mấy đứa con mới thở phào, hóa ra bố chúng “có bồ” lại là một việc hay bất ngờ!