Khoảng 5% - 6% bệnh nhân tâm thần phân liệt tự sát thành công

Hà Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bác sĩ Vương Đình Thủy - Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, tâm thần phân liệt là bệnh lý loạn thần nặng và mạn tính, ảnh hưởng đến tư duy, hành vi và cảm xúc.

Khi mắc tâm thần phân liệt sẽ làm ảnh hưởng đến các lĩnh vực của cuộc sống bao gồm hoạt động cá nhân, gia đình, xã hội, giáo dục và nghề nghiệp.

Theo tổ chức Y tế thế giới, tâm thần phân liệt ảnh hưởng đến khoảng 24 triệu người hoặc 1/300 người (0,32%) trên toàn thế giới. Còn tại Việt Nam, số người mắc tâm thần phân liệt chiếm khoảng 0,3 - 0,5% dân số. Độ tuổi khởi phát bệnh thường xuyên nhất vào cuối tuổi vị thành niên và những năm 20 tuổi.

Theo bác sĩ Thủy, tâm thần phân liệt thường có xu hướng xảy ra sớm hơn ở nam giới so với nữ giới. Nguyên nhân sinh bệnh và các yếu tố liên quan bao gồm:

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Yếu tố di truyền: Vai trò di truyền liên kết đa gen, đa nhân tố. Nếu một trong số cha mẹ mắc tâm thần phân liệt, con có nhiều khả năng mắc bệnh.

Yếu tố sinh học: Sự biến đổi các chất dẫn truyền thần kinh (dopamine, serotonin và N-methyl-D-aspartate NMDA) và yếu tố nuôi dưỡng thần kinh.

Yếu tố tâm lý xã hội: Các sự kiện căng thẳng trong cuộc sống có thể ảnh hưởng đến sự khởi phát và tiến trình của bệnh tâm thần phân liệt

Sử dụng chất

Để nhận biết bệnh tâm thần phân liệt, có thể dựa vào những đặc điểm sau:

Người bệnh bị mắc chứng hoang tưởng với những ý tưởng phán đoán sai lầm, không phù hợp với thực tế nhưng người bệnh cho là hoàn toàn chính xác nên không thể giải thích đả thông được. Các hoang tưởng có thể gặp bao gồm: Hoang tưởng bị hại, bị theo dõi, bị kiểm tra, ghen tuông, liên hệ…

Rối loạn hình thức tư duy: Suy nghĩ kỳ quặc, phi lý …Tư duy vang thành tiếng; hoặc Ảo giác: Nghe hoặc cảm thấy những điều không thực tế. Người bệnh cũng có thể triệu chứng âm tính như thu mình, cách ly khỏi xã hội, khó thể hiện cảm xúc hoặc khó khăn trong các hoạt động bình thường.

Thay đổi cảm xúc: Các thay đổi có thể là trầm cảm, lo âu, căng thẳng, sợ hãi, dễ cáu giận, tức giận hoặc thay đổi tâm trạng, có khi lại hưng phấn vui vẻ, có khi lại thờ ơ không giao tiếp nói chuyện với ai, không quan tâm đến mọi việc xảy ra xung quanh. Hành vi tác phong: Hành vi thay đổi, học tập và làm việc kém đi, trở nên ít hoạt động, cô lập hơn, giảm quan tâm đến xã hội xung quanh…

Khi người bệnh có những biểu hiện trên, nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến nguy cơ tự sát.

Theo thống kê, khoảng 5% - 6% bệnh nhân tâm thần phân liệt tự sát thành công, khoảng 20% có toan tự sát một hoặc nhiều lần. Hành vi tự sát đôi khi là để đáp ứng với ảo thanh ra lệnh làm hại bản thân hoặc người khác.

Các nghiên cứu cũng cho thấy tâm thần phân liệt có liên quan đến các hành vi kích động, bạo lực như lời nói gây hấn, hành vi gây hấn với người khác, đập phá đồ đạc hoặc tự làm tổn thương bản thân…

Có thể nói, hệ lụy của việc mắc bệnh tâm thần phân liệt không được điều trị là rất lớn. Vì vậy, khi thấy người thân hoặc người nhà có các biểu hiện trên, gia đình nên đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế để được thăm khám, đánh giá và tư vấn điều trị.