So với chợ truyền thống, “chợ mạng” đúng là muôn phần tiện lợi, chả phải ra khỏi nhà, nhỏ thì như cái kim, sợi chỉ - to thì cái ô tô, có tiền đều mua được. Không gian mạng còn là môi trường để các nhóm chat chit nhố nhăng...
Một thế mạnh nữa của mạng xã hội cũng cần phải nhắc đến đó là sự lan tỏa thông tin. Nhiều khi người ta chỉ cần chụp ảnh cái thiếp cưới (rồi gửi qua tin nhắn cho bạn bè); thế là chẳng cần “cánh thiệp hồng” phải nằm trên bàn, nhưng “thời gian, địa điểm rõ ràng”, ngay và luôn. Khi gia đình nào đó gặp chuyện buồn, người ta thường thay cái ảnh đại diện trên trang cá nhân - chỉ mấy phút sau thân bằng xa gần đã biết.
Và cũng chỉ cần “pót” lên cái cáo phó, thế là cố hữu sẽ biết được thời gian, địa điểm diễn ra lễ tang, nơi an nghỉ của người quá cố… Thậm chí với sự bùng nổ của internet banking, nếu vì một lý do nào đấy mà không tham dự được lễ tang, người ta có thể “viếng online”, thật là bách lợi.
Xong tang lễ, vẫn thông qua mạng xã hội, người ta có thể gửi lời cảm ơn đến tất cả mọi người một cách tiện lợi, nhanh chóng mà chẳng phiền đến tivi, đài báo!
Nhưng cũng vì tính tiện ích của mạng xã hội, nhiều người thường lạm dụng nó để thể hiện trạng thái tinh thần một cách thái quá; tỉ như việc chửi bới, lăng mạ nhau - thậm chí là khóc người thân để… cả chợ, cả làng biết. Câu chuyện dưới đây là một ví dụ khá trớ trêu!
Ngày N. còn sống, vợ chồng y chẳng mấy khi cơm lành canh ngọt. Nguyên nhân là do tính lẳng lơ của vợ. Rồi N. mắc bệnh nan y. Trong những ngày chồng lâm trọng bệnh, tiếng là phải đi chăm sóc chồng, nhưng lúc nào vợ N. cũng chúi mũi vào điện thoại, việc cơm nước thuốc thang cho N. đều do một tay đứa con gái lớn.
Biết mẹ bỏ mặc bố, nhưng đứa con gái chẳng dám hé răng… Nhưng thói đời cái kim lâu ngày trong bọc…, chuyện cô vợ cặp bồ giữa lúc chồng thập tử nhất sinh, rồi cũng đến tai cả hai bên gia đình.
Buồn cho số phận của N. là chưa đến nửa năm sau anh đã phải vĩnh biệt cõi đời. Ngày tiễn đưa N. về nơi an nghỉ cuối cùng, người ta thấy dù vợ anh cũng à ơi khóc, mà mắt ráo hoảnh. Nhưng trong thời gian từ lễ cúng 3 ngày cho đến hôm tuần thất, ngày nào vợ N. cũng lên facebook kể lể chuyện số phận và tỏ ra vô cùng đau xót trước cái chết của chồng.
Thấy việc làm của mẹ hơi “lố”, đứa con gái nói thẳng thế này: "Khi bố con còn sống, mẹ ứng xử như thế nào cả nhà đã rõ. Nay nếu mẹ còn chút tình thương với bố, xin đừng lên mạng xã hội khóc lóc nữa".
Xấu hổ trước con gái, từ đấy người ta không thấy Huyền khóc chồng trên mạng xã hội nữa…