Không đạt thỏa thuận, nhưng có tiến triển

Minh Tuấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ kết thúc ngày thứ hai của cuộc họp Thượng đỉnh tại Hà Nội hôm 28/2 mà không đạt được một thỏa thuận chung là một kết cục khá bất ngờ. Tuy nhiên, xét trên nhiều bình diện, quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên vẫn đạt được bước tiến mới.

 Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tại buổi hội đàm. Ảnh: TTXVN
Không đạt thỏa thuận

Sau lần gặp đầu tiên của hai nguyên thủ quốc gia tại Singapore vào tháng 6/2018, có ít tiến triển trong quá trình phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên nên rất nhiều hy vọng được đặt vào cuộc tái ngộ lần này tại Việt Nam. Vượt cả quãng đường dài, Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim Jong Un gặp lại nhau vào chiều tối 27/2, dành cho nhau những lời lẽ tốt đẹp và cùng ăn tối chung, làm dấy lên hy vọng hai bên sẽ đạt thêm nhiều tiến triển thực chất hơn so với thỏa thuận cách đây 8 tháng.

Tuy vậy, lúc 13h23 ngày 28/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un bất ngờ kết thúc cuộc hội đàm, ra về mà không ăn trưa với nhau như kế hoạch. Buổi họp báo riêng của Tổng thống Donald Trump tại khách sạn Marriott đã được đẩy lên sớm 2 tiếng, vào lúc 14h thay vì 16h như trước.

Tại cuộc họp báo, giải thích về việc không đạt được một thỏa thuận chung, Tổng thống Trump cho biết bất đồng về dỡ bỏ lệnh trừng phạt là rào cản lớn. Triều Tiên muốn gỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận nhưng phía Mỹ không chấp nhận. “Họ (đoàn Triều Tiên) đã sẵn sàng giải trừ hạt nhân một phần lớn các khu vực mà chúng tôi đề nghị, nhưng chúng tôi không thể dỡ bỏ tất cả lệnh cấm vận để đổi lại điều đó. Chúng tôi phải kết thúc tại đó” - Tổng thống Trump cho biết.

Phi hạt nhân hóa vẫn là điểm mấu chốt trong đàm phán giữa hai phía, dù cả hai bên đều đã thể hiện thiện chí. Trước đó, Chủ tịch Kim Jong Un đã nói rằng ông không đến với cuộc gặp này nếu không sẵn lòng giải trừ hạt nhân. Còn ông Trump nêu quan điểm thận trọng là “thà chưa ký thỏa thuận còn hơn là hành động vội vàng”.

Trả lời Kinh tế & Đô thị, TS Nguyễn Thành Trung - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu quốc tế (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) cho rằng, để đạt được một thỏa thuận cần phải tiến hành từng bước. Triều Tiên muốn dỡ bỏ lệnh cấm vận trước rồi mới thực hiện các việc khác, còn Mỹ lại muốn Triều Tiên giải trừ vũ khí hạt nhân trước rồi mới dỡ bỏ lệnh cấm vận. “Sẽ là phi thực tế khi mong đợi một giải pháp toàn thể, mà cần phải thực hiện các giải pháp nhỏ hơn và từng bước, bởi hạt nhân là vũ khí mặc cả cuối cùng mà họ phải có. Không có chuyện họ từ bỏ trước một cách dễ dàng. Nếu hai bên còn giữ lập trường của mình thì rất khó có khả năng thực hiện Hội nghị Thượng đỉnh lần 3, trừ khi có sức ép chính trị trong nước nào đó ở Mỹ” - TS Trung dự đoán.

Sẽ tiếp tục tháo gỡ rào cản

Một điều nổi bật kể từ khi hai nhà lãnh đạo gặp lại nhau cho đến khi Tổng thống Trump kết thúc buổi họp báo chiều 28/2 trước khi lên đường về nước là ông vẫn dành nhiều lời lẽ tốt đẹp cho Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un. Người đứng đầu Nhà Trắng cho biết, ông đã có “quãng thời gian thực sự hiệu quả” trong các cuộc thảo luận với Chủ tịch Triều Tiên nhưng vẫn lưu ý đây “không phải là chuyện ký kết được gì đó”. Ông Trump cho biết hai nhà lãnh đạo đã có một số lựa chọn nhưng thời điểm này hai bên quyết định “chưa thực hiện lựa chọn nào cả”.

Một điểm tiến triển của cuộc gặp lần hai này được Tổng thống Trump thông báo là Nhà lãnh đạo Triều Tiên hứa sẽ không tiếp tục thử hạt nhân hay tên lửa trong tương lai. Ông Trump cũng cho biết không khí khi hai nhà lãnh đạo rời bàn đàm phán vẫn “rất tốt, rất thân thiện. Đó không phải là việc rời đi như kiểu bạn đứng dậy và bước ra khỏi cửa. Không khí đó vẫn rất vui vẻ. Chúng tôi còn bắt tay nhau”.

Ông Trump cũng bày tỏ lạc quan về triển vọng đàm phán thời gian tới. “Ông ấy có tầm nhìn nhất định và đó không hẳn là tầm nhìn của chúng tôi nhưng đã gần gũi hơn rất nhiều so với một năm trước”. Tổng thống Mỹ gợi mở rằng bản thân ông muốn thấy các lệnh trừng phạt kinh tế được dỡ bỏ đối với Triều Tiên trong tương lai. “Tôi rất muốn gỡ bỏ lệnh trừng phạt, bởi vì đất nước đó có tiềm năng phát triển rất lớn”.

Phát biểu thêm, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng ghi nhận hai nước đã có bước tiến dài so với cuộc gặp của hai nhà lãnh đạo tại Singapore năm ngoái. “Chúng tôi đã đạt tiến triển và thực tế chúng tôi đã tiến dài hơn khi hai nhà lãnh đạo gặp nhau trong vòng 24 đến 36 giờ qua”. Ông Pompeo bày tỏ lạc quan về triển vọng thời gian tới và cho biết đoàn đàm phán hai nước sẽ tiếp tục làm việc trong những ngày tới đây cùng tháo gỡ những rào cản.

Ngay sau khi hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều dừng đàm phán, Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders phát đi một tuyên bố cho biết Hội nghị Thượng đỉnh đã không đạt được thỏa thuận nào, nhưng các nhóm làm việc của hai bên sẽ tiếp tục gặp gỡ trong tương lai. Hai nhà lãnh đạo đã có các cuộc gặp gỡ “rất tốt đẹp và mang tính xây dựng tại Hà Nội” để thảo luận nhiều phương hướng để thúc đẩy phi hạt nhân hóa và những quan điểm thúc đẩy kinh tế.

Chia sẻ quan điểm này, nhà báo John Marlow Cookson của Đài Arise News (có trụ sở ở London) cho biết ông vẫn “rất lạc quan” vào một thỏa thuận giữa Mỹ và Triều Tiên trong tương lai. Thượng đỉnh này bàn về một vấn đề rất lớn lao mà không thể giải quyết được trong một sớm một chiều được. Nhà báo này nhắc lại việc nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev và Tổng thống Ronald Reagan đã phải mất tới 5 năm để đạt được Hiệp ước về loại bỏ tên lửa tầm trung vào tháng 12/1987. Đây là vấn đề “khó nhằn” đối với cả Mỹ và Triều Tiên và cần có thêm thời gian. Ông Trump là một nhà đàm phán chuyên nghiệp và chuyện không đạt được thỏa thuận lần này nhất quán với quan điểm mà ông nêu trong cuốn sách “Nghệ thuật đàm phán” của mình là: “Thà bỏ đi, không chấp nhận một thỏa thuận tồi còn hơn là thực hiện thỏa thuận đó”. 

Ông Nguyễn Túc - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam: Tiến trình không hề đơn giản
 

Có thể khẳng định, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 là một thắng lợi của Việt Nam và đặc biệt là TP Hà Nội. Sự kiện đã chứng tỏ Việt Nam, TP Hà Nội được lựa chọn là một địa điểm phù hợp để có thể tiến hành đàm phán về hòa bình. 

Cũng cần phải khẳng định, qua cuộc gặp lần này, hai bên Mỹ và Triều Tiên có điều kiện để hiểu nhau hơn. Ngay trong buổi họp báo sau cuộc gặp, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đánh giá Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un là một người mạnh mẽ và thân tình. Dù đây là một tiến trình không hề đơn giản nhưng thông qua cuộc gặp lần này, hai bên đã không cho thấy sự cắt đứt mối liên hệ mà trong tương lai, rất có thể hai bên sẽ tiếp tục có các cuộc gặp giữa các phái đoàn cấp cao để đàm phán. (Việt An ghi)
TS.LS Vũ Văn Tính - Giảng viên Học viện Hành chính quốc gia: Một thắng lợi của chủ nghĩa yêu chuộng hòa bình
 

Tôi luôn tâm đắc câu nói của một đại văn hào Pháp và vẫn thường nhắc lại trong các lớp đào tạo luật sư của Học viện Tư pháp: "Một cuộc đàm phán dù thất bại vẫn hơn là một phiên tòa thành công". Điều đó hơn lúc nào hết đang đúng với cuộc gặp gỡ giữa Chủ tịch Kim Jong Un và Tổng thống Donald Trump diễn ra tại Hà Nội lần này. Với tính chất phức tạp của mối quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên thì việc đi đến ký kết thỏa thuận chung cần một quá trình. 

Trong lịch sử các cuộc đàm phán quốc tế, chúng ta đã từng chứng kiến nhiều cuộc thương lượng lâu dài và phức tạp. Ví dụ điển hình là đàm phán Paris về chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam. Lúc đầu, các bên dự kiến chỉ mất thời gian ngắn là có thể đạt được một thỏa thuận chung. Tuy nhiên thực tế cho thấy cuộc đàm phán đã kéo dài tới gần 5 năm (1968 - 1973).

Vậy nên, dù kết quả buổi đàm phán giữa Chủ tịch Kim Jong Un và Tổng thống Donald Trump lần này chưa đạt được như mong muốn, song việc hai nguyên thủ của hai quốc gia ngồi lại được với nhau trong một bầu không khí thân thiện cũng đã là một thắng lợi của chủ nghĩa yêu chuộng hòa bình. (Thủy Tiên ghi)​
Luật sư Nguyễn Đào Tơ - Trưởng Văn phòng Luật sư Hoàng Huy: Củng cố chính sách đa phương hóa, quan hệ ngoại giao
 

Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ 2 được tổ chức tại Hà Nội thể hiện hiệu quả trong chính sách đối ngoại của nước ta, bởi những lợi ích từ sự kiện này mang lại. Cụ thể, về kinh tế: Năm ngoái, Singapore đã bỏ ra khoảng 15 triệu USD cho Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần đầu tiên nhưng sau đó, theo phân tích của Meltwater, ước tính giá trị truyền thông Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên mang lại cho Singapore khoảng 550 triệu USD, chưa kể các dịch vụ ăn theo khác. Thứ hai, chúng ta có thể khẳng định mình trên trường quốc tế, bởi Việt Nam từng tổ chức nhiều sự kiện quốc tế thành công, điển hình là Tuần lễ Cấp cao APEC năm 2017. Hơn nữa, công tác chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên chỉ có hai tuần, thời gian quá ngắn, quá nhanh và phải là quốc gia có kinh nghiệm mới có thể thực hiện được. Cùng đó, sau hội nghị, Việt Nam sẽ củng cố được chính sách đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ ngoại giao, tăng sự tin cậy đối với bạn bè thế giới. (Thái San ghi)