Không để người lang thang phải đi xin ăn, xin tiền trên địa bàn Thủ đô

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Ngay trong dịp Tết Nguyên đán 2024, những ngày rét đậm, rét hại dưới 10 độ C, Đội Công tác xã hội của Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ bảo trợ trẻ em Hà Nội tăng cường rà soát địa bàn, tập trung người lang thang về đơn vị chăm sóc, nuôi dưỡng.

Tiếp nhận 516 người lang thang

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, năm 2023, tình hình kinh tế - xã hội trong nước tiếp tục có nhiều khó khăn, tình trạng người lao động thiếu việc làm, nhiều DN hoạt động cầm chừng hoặc dừng hoạt động đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới công tác vận động nguồn lực. Cũng như làm gia tăng tình trạng người lang thang xin ăn, xin tiền, các đối tượng cần sự bảo vệ khẩn cấp, cần tư vấn, trợ giúp, trợ giúp đột xuất tăng.

Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Nguyễn Hồng Dân trao quà của Thành ủy - HĐND - UBND TP Hà Nội cho Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội Kiều Thị Hương để tặng những người lang thang đang được chăm sóc tại đơn vị. Ảnh: Trần Oanh
Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Nguyễn Hồng Dân trao quà của Thành ủy - HĐND - UBND TP Hà Nội cho Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội Kiều Thị Hương để tặng những người lang thang đang được chăm sóc tại đơn vị. Ảnh: Trần Oanh

Tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023 và triển khi nhiệm vụ năm 2024, Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ bảo trợ trẻ em Hà Nội Kiều Thị Hương đã thông tin về công tác tập trung, tiếp nhận, phân loại đối tượng người lang thang, đối tượng cần sự bảo vệ khẩn cấp. Theo đó, Trung tâm phân công cán bộ duy trì thường trực 24/7 đảm bảo công tác tập trung, tiếp nhận người lang thang, đối tượng cần sự bảo vệ khẩn cấp theo thông báo của các ca địa bàn cũng như thông báo bằng điện thoại của xã, phường, thị trấn. Các đối tượng khi tập trung tiếp nhận được test ma túy, thử thai đảm bảo đúng quy định. Cùng với đó là đẩy mạnh thông tin hai chiều về tình trạng người lang thang, đặc biệt lưu ý các thông tin phản ánh tại một số điểm nóng như các ngã tư, ngã năm, đình, chùa, sự kiện tập trung đông người.

Người lang thang không có chỗ ở đã được Đội Trật tự xã hội lưu động đưa về Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ bảo trợ trẻ em Hà Nội chăm sóc.
Người lang thang không có chỗ ở đã được Đội Trật tự xã hội lưu động đưa về Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ bảo trợ trẻ em Hà Nội chăm sóc.

Từ ngày 15/12/2023 đến 14/12/2023 Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ bảo trợ trẻ em Hà Nội đã tập trung, tiếp nhận 516 đối tượng (510 người lang thang; 6 đối tượng cần sự bảo vệ khẩn cấp là nạn nhân buôn bán người), đạt 135,78% kế hoạch năm. Trong đó, Đội Trật tự xã hội lưu động của Trung tâm đã trực tiếp tập trung 387 người lang thang, chiếm 75%; Đội tiếp nhận từ xã, phường, thị trấn 129 người lang thang. Hiện Trung tâm đang quản lý 80 đối tượng, tính đến hết ngày 14/12/2023.

Chia sẻ về công tác tập trung người lang thang trong tình hình mới, anh Phùng Ánh Dương là nhân viện Đội Trật tự xã hội lưu động của Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ bảo trợ trẻ em Hà Nội cho biết: Năm 2023 công tác tập trung người lang thang trên địa bàn TP Hà Nội gặp rất nhiều thuận lợi. Trong đó, việc ban hành Quyết định số 2252/QĐ-UBND ngày 17/4/2023 về việc thực hiện công tác tập trung người lang thang trên địa bàn TP Hà Nội, thay thế cho Quyết định số 6053/QĐ-UBND ngày 29/8/2017 thực sự là một dấu ấn sâu sắc tác động tích cực tới toàn bộ công tác tập trung người lang thang. Với sự tham mưu của Sở LĐTB&XH Hà Nội đối với công tác giải quyết người lang thang, UBND TP Hà Nội đã sửa đổi, bổ sung một số vấn đề còn vướng mắc, tồn tại khi thực hiện Quyết định số 6053. Đồng thời quy định rõ quy trình xử lý, rõ người, rõ việc, hết sức cụ thể, chi tiết.

Phát hiện, tập trung đối tượng giả danh người lang thang

Bên cạnh những kết quả tích cực trong công tác tập trung người lang thang thì vẫn còn các khó khăn, vướng mắc. Tình trạng các nhóm tự xưng hát thiện nguyện, xin tiền tràn ra các ngã tư, ngã năm ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn giao thông và mỹ quan đô thị. Đặc điểm của các nhóm này là được tổ chức quy mô cả về lực lượng lẫn vật tư, trang bị hỗ trợ. “Về lực lượng, có nhóm trên 10 người được chia thành các nhóm nhỏ hơn, phân công cụ thể: Nhóm người hát, người xin (gồm người già, người khuyết tật) và cảnh giới, nhóm phục vụ (gồm các thanh niên to khỏe, xăm trổ), nhóm người phụ trách loa công suất lớn, sân khấu di động, máy phát điện; có nhóm dùng xe ô tô 16 chỗ để vận chuyển, di chuyển” – anh Ánh Dương thông tin.

Hai người lang thang cung cấp thông tin trước khi được đưa về Trung tâm chăm sóc, nuôi dưỡng. 
Hai người lang thang cung cấp thông tin trước khi được đưa về Trung tâm chăm sóc, nuôi dưỡng. 

Những đối tượng có hành vi xin tiền phần lớn đều tham gia các nhóm bảo kê, hàng ngày có người chở đến các điểm xin tiền rồi được chở về, được nuôi ăn ở, trả lương hàng tháng. Các đối tượng bảo kê hàng ngày cử người sang Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội, đứng ở các đầu cầu để theo dõi hoạt động xe ô tô của cơ quan. Hễ thấy xe ô tô rời Trung tâm là các đối tượng bảo kê đi theo xe, rồi báo cho các đối tượng khác chở người xin tiền về, gây khó khăn cho đơn vị trong công tác tập trung đối tượng.

Theo Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Nguyễn Hồng Dân, có đến 90% người lang thang do các đối tượng bảo kê thuê đi xin ăn, xin tiền. Còn người lang thang xin ăn, xin tiền thực sự chỉ khoảng 10%. Vì thế, sau Tết Nguyên đán 2024, Phòng Bảo trợ xã hội thuộc Sở LĐTB&XH Hà Nội tổ chức một hội nghị với 5 sở, ngành đã ký ban hành hướng dẫn triển khai thực hiện Quyết định số 2252. Đội Trật tự xã hội lưu động của Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ bảo trợ trẻ em Hà Nội và 2 Đội của 2 Trung tâm Bảo trợ xã hội tăng cường rà soát địa bàn hơn.

Những người lang thang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội. 
Những người lang thang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội. 

Hiện nay đang xuất hiện đối tượng hát rong từ thiện và đối tượng lợi dụng rét đậm, rét hại giả danh làm người khó khăn nằm ở các vỉa hè, nơi công cộng để chờ đợi những người có tấm lòng hảo tâm mang tiền, hàng hóa đến từ thiện. Những người này không khó khăn thực sự, khi nhận hàng hóa từ thiện xong lại mang đi bán. Về việc này, ông Nguyễn Hồng Dân chỉ đạo Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ bảo trợ trẻ em Hà Nội phối hợp với UBND cấp phường để thường xuyên rà soát địa bàn, phát hiện, tập trung đối tượng người lang thang xin ăn, xin tiền...

Trong quá trình phối hợp, phải thực hiện một cách hết sức nhuần nhuyễn để đảm bảo sự chỉ đạo, yêu cầu của lãnh đạo TP Hà Nội là không để các ngã ba, ngã tư và những nơi công cộng, đặc biệt là các khu vực lõi trung tâm Thủ đô có người lang thang xin ăn, xin tiền; chèo kéo khách du lịch làm mất mỹ quan đô thị...