Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên: Không để xảy ra dịch chồng dịch ở Tây Nguyên

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hướng đến mục tiêu không để xảy ra dịch chồng dịch, kiểm soát chặt chẽ bệnh bạch hầu không để dịch lan rộng, duy trì kết quả không có ca mắc Covid-19 tại khu vực Tây Nguyên.

Ngày 21/7, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chủ trì hội nghị giao ban công tác y tế dự phòng 6 tháng đầu năm 2020 và triển khai chiến dịch tiêm vaccine bạch hầu khu vực Tây Nguyên.
Trong 6 tháng đầu năm 2020, toàn khu vực Tây Nguyên không ghi nhận bệnh truyền nhiễm nhóm A. Một số bệnh truyền nhiễm tại khu vực Tây Nguyên giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2019 như: Lỵ trực trùng (giảm 68 lần từ 1.302 ca năm 2019 xuống 19 ca, lỵ a míp, thương hàn, tiêu chảy, thuỷ đậu, viêm gan khác, viêm não, viêm gan virus, quai bị, cúm, bệnh do virus Adeno, uốn ván, tay chân miệng, sốt xuất huyết Dengue, sởi, ho gà.
Một số bệnh truyền nhiễm tăng so với cùng kỳ năm 2019, như: Uốn ván sơ sinh (3 ca so với 1 ca năm 2019), liệt mềm cấp (9 ca so với 2 ca năm 2019), dại (14 ca mắc và 14 ca tử vong so với 5 ca mắc và 5 ca tử vong năm 2019), bạch hầu (60 ca mắc, 3 ca tử vong so với 23 ca mắc và 1 ca tử vong năm 2019).
 Quang cảnh hội nghị.
Phòng chống bệnh bạch hầu: Từ ngày 6/6 đến ngày 17/7 ghi nhận 16 ổ dịch bạch hầu tại 4 tỉnh Đắk Nông, Kon Tum, Gia lai và Đắk Lắk với 104 ca dương tính. Trong đó 67 ca có biểu hiện lâm sàng và 37 ca người lành mang trùng; 3 ca tử vong (Đắk Nông: 2; Gia Lai: 1).
Phòng chống bệnh dại: 6 tháng đầu năm 2020 ghi nhận 14 ca mắc và 14 ca tử vong do Dại, cao hơn cùng kỳ năm 2019 (5 ca mắc, 5 ca tử vong). Trong đó, Đắk Lắk (5 ca), Đắk Nông (3 ca), Gia Lai (5 ca), Kon Tum (1 ca); đã thực hiện tiêm 5.645 lượt vaccine phòng dại và 677 lượt huyết thanh kháng dại.
Tiêm chủng mở rộng (số liệu 5 tháng/2020): Tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ dưới 1 tuổi (8 loại vaccine) toàn khu vực là 35,2%, chưa đạt tiến độ (yêu cầu là đạt trên 39,6%), nhưng tăng so với cùng kỳ năm 2019 (26,7%). Tỷ lệ tiêm các loại vaccine cho trẻ trên 1 tuổi và phụ nữ có thai (MR, DPT, VNNB mũi 2, VNNB mũi 3, uốn ván cho phụ nữ có thai) chưa đạt tiến độ. Nguyên nhân do dịch Covid-19. Hiện các địa phương đang triển khai tiêm bù vaccine bại liệt IPV cho trẻ sinh từ 1/3/2016 đến ngày 28/2/2018 và vaccine Viêm não Nhật Bản cho vùng nguy cơ tại 6 huyện thuộc tỉnh Gia Lai.
Trong 6 tháng cuối năm 2020 triển khai đồng bộ công tác phòng, chống dịch, bệnh tại các tỉnh Tây Nguyên theo hướng: Phát hiện nhanh và xử lý kịp thời 100% các bệnh dịch mới phát sinh; chủ động triển khai phòng chống các dịch, bệnh nhóm A (cúm, dịch hạch, tả....) nếu xuất hiện; khống chế kịp thời bệnh sởi, bạch hầu, tay chân miệng, sốt xuất huyết.., không để dịch lớn xảy ra.
Giám sát, kiểm tra và xử lý 100% đối tượng được kiểm dịch y tế biên giới, không để dịch bệnh nguy hiểm xâm nhập qua cửa khẩu (Zika, dịch hạch, Covid-19, cúm A/H7N9, H5N1...).
Giảm 10% số mắc chết bệnh truyền nhiễm phổ biến so với trung bình giai đoạn 2011 - 2015; các bệnh truyền nhiễm thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng đảm bảo đạt chỉ tiêu của chương trình.
Chương trình tiêm chủng mở rộng: Mục tiêu không có virus bại liệt hoang dại; 100% số huyện đạt tiêu chuẩn loại trừ UVSS; phấn đấu đạt tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ 8 loại vaccine cho trẻ dưới 1 tuổi, đạt trên 95%. Các loại vaccine khác tiêm theo chỉ tiêu của chương trình TCMR; triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vaccine MR, uống bổ sung vaccine bOPV, tiêm vaccine Td vùng nguy cơ cao vào quý III-IV/2020.
Đánh giá kết quả công tác y tế dự phòng 6 tháng đầu năm 2020 của các tỉnh Tây Nguyên, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho rằng, tỷ lệ tiêm chủng các nhóm đối tượng mặc dù tăng so với cùng kỳ năm 2019, nhưng chưa đạt chỉ tiêu của chương trình tiêm chủng mở rộng do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Công tác y tế dự phòng 6 tháng cuối năm 2020 còn nhiều khó khăn do còn các dịch bệnh đang bùng phát và các dịch bệnh thường xảy ra vào mùa đông xuân, nhận thức về phòng, chống dịch bệnh của một bộ phận đồng bào còn có sự khác biệt.
Hướng đến mục tiêu không để xảy ra dịch chồng dịch, kiểm soát chặt chẽ bệnh bạch hầu không để dịch lan rộng, duy trì kết quả không có ca mắc Covid-19 tại khu vực Tây Nguyên. Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chỉ đạo chú trọng triển khai tất các các lĩnh vực của công tác y tế dự phòng như: Phòng, chống bệnh truyền nhiễm (Covid-19, bạch hầu, sốt xuất huyết, tay chân miệng...), phòng chống các bệnh không lây nhiễm, an toàn thực phẩm, vệ sinh lao động…
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đề nghị UBND các tỉnh Tây Nguyên chú trọng chỉ đạo công tác phòng, chống dịch 6 tháng cuối năm 2020.
Thường xuyên kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống dịch, bệnh và tiêm chủng mở rộng các cấp từ tỉnh đến huyện, xã, xây dựng kế hoạch và phân công nhiệm vụ cho từng ngành thành viên. Rà soát và đưa chỉ tiêu tiêm chủng mở rộng vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của cấp tỉnh, huyện, xã. Chỉ đạo ngành y tế địa phương tập trung phòng chống dịch, bệnh bạch hầu: Rà soát đối tượng, nhu cầu vaccine có thành phần bạch hầu, lập kế hoạch và dự trù tiêm vaccine có thành phần bạch hầu theo hướng dẫn.
Xây dựng kế hoạch và đảm bảo nguồn lực cho công tác phòng chống dịch, bệnh của tỉnh. Chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên phương thông tin đại chúng, loa truyền thanh cơ sở và trực tiếp tại cồng đồng.
Đối với Sở Y tế các tỉnh Tây Nguyên, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chỉ đạo phải tập trung tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch và triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là bệnh bạch hầu và dịch Covid-19.
Tham mưu UBND huy động các ngành, đoàn thể tham gia vào công tác phòng, chống dịch bệnh. Đối với công tác tiêm chủng mở rông phải duy trì tiêm vaccine đủ liều, đủ lượng, đúng thời gian, đúng đối tượng theo quy định của chương trình tiêm chủng mở rộng. Xây dựng kế hoạch và triển khai tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu theo đúng hướng dẫn…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần