Kiểm soát lạm phát: Ưu tiên hàng đầu

Đức Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đứng trước các nguy cơ tụt hậu xa hơn, sập bẫy thu nhập trung bình, tăng trưởng chính là mục tiêu hàng đầu. Nhưng đối với ổn định kinh tế vĩ mô và người tiêu dùng, kiểm soát lạm phát là mục tiêu trực tiếp, hàng đầu.

 Người tiêu dùng lựa chọn mua hàng tại siêu thị BigC Thăng Long. Ảnh: Thanh Hải
Lạm phát có xu hướng tăng dần
Kiểm soát lạm phát là mục tiêu hàng đầu hiện nay không chỉ xuất phát từ vai trò quan trọng, mà còn xuất phát từ hiện trạng của lạm phát trong 6 tháng đầu năm và những yếu tố tác động trong 6 tháng còn lại của năm 2018.

Nhìn tổng quát, tốc độ tăng bình quân 6 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm trước của giá tiêu dùng chung (CPI) còn thấp xa so với tốc độ tăng tương ứng của cùng kỳ năm trước (4,15%) và còn thấp hơn mục tiêu cả năm (4%). Nhưng xu hướng đã cao lên trong thời gian qua (1 tháng tăng 2,65%, 2 tháng tăng 2,9%, 3 tháng tăng 2,82%, 4 tháng tăng 2,80%, 5 tháng tăng 3,01%, 6 tháng tăng 3,29%). Ngoài nguyên nhân về mặt tính toán (số gốc so sánh là cùng kỳ năm trước thấp thì tốc độ tăng cao, số gốc so sánh là cùng kỳ năm trước cao thì tốc độ tăng thấp), còn ở các yếu tố tác động đến CPI (cung - cầu, chi phí đẩy, tiền tệ - tín dụng, tâm lý) và sự biến động giá của một số nhóm hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng chủ yếu, vẫn tiềm ẩn.

Đơn cử, giá hàng ăn và dịch vụ ăn uống - chiếm đến gần 40% tổng tiêu dùng và hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng, bình quân 6 tháng tăng thấp xa so với tốc độ chung. Mặc dù từ hơn một tháng nay giá thịt, trứng... đã tăng trở lại nhưng do trong nhiều tháng trước bị giảm (bình quân 5 tháng giảm 0,16%) nên tính chung 6 tháng vẫn tăng thấp, kéo tốc độ tăng giá chung xuống theo.

Quan hệ cung - cầu có sự chuyển dịch theo hướng cung sản xuất GDP tăng (7,08%), nhưng cầu còn tăng cao hơn (trong đó tiêu dùng cuối cùng tăng 7,13%, còn lại chuyển từ nhập siêu (1.410 triệu USD) trong cùng kỳ năm trước sang xuất siêu trong kỳ này (4.720 triệu USD). Nhiều sản phẩm nông nghiệp như lúa, nhãn, vải, dưa hấu... được mùa. Từ 1/7, mức lương cơ sở tăng. Chi phí đẩy tăng do giá hàng nhập khẩu tính bằng USD tăng 1,08%); tỷ giá VND/USD 5 tháng tăng thấp (0,09%), gần đây tăng cao hơn (6 tháng tăng 0,16%) và đang có xu hướng cao lên, làm cho giá hàng nhập khẩu tính bằng USD tăng kép, đẩy CPI trong nước lên theo.
 Người tiêu dùng mua hàng tại siêu thị Hapro. Ảnh: Thanh Hải

Áp lực cung tiền

Về tiền tệ - tín dụng, trong khi tỷ lệ dư nợ tín dụng/GDP đã khá cao (hiện ở mức trên 120%, cao gấp rưỡi, gấp đôi so với tỷ lệ tương ứng của nhiều nước), nay tiếp tục có tốc độ tăng cao hơn tốc độ tăng GDP (định hướng cả năm tăng 17%, cao hơn so với khoảng 11%). Thị trường chứng khoán giảm cả về giá trị giao dịch, cả về điểm số (xóa sạch mức tăng từ đầu năm 2018), có nguyên nhân từ thị trường thế giới và trong nước sau 6 năm tăng liên tục. Một lượng tiền không nhỏ sẽ được chuyển sang các thị trường khác, trong đó có thị trường tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ.

Tâm lý thường có cộng hưởng lớn với các yếu tố khác trước sự tác động của biến động trên thị trường thế giới về chiến tranh thương mại, giá USD tăng, nguy cơ cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế 10 năm 1 lần... Giá nhà ở và vật liệu xây dựng bình quân 5 tháng tăng cao hơn tốc độ tăng chung (3,70% so với 3,01%), chủ yếu do giá bất động sản ở phía Nam và 3 nơi dự kiến đặc khu tăng cao, nay có xu hướng giảm trở lại, tạo áp lực làm tăng giá ở các thị trường khác.

Giá dịch vụ giao thông tăng cao hơn tốc độ tăng chung; giá xăng dầu tăng theo giá thế giới (đợt giảm mới đây chưa tính vào CPI tháng 6 mà tính vào tháng 7). Yếu tố thứ hai là các trạm thu phí BOT vẫn còn dày, cần được kiểm tra, rà soát cẩn trọng để giảm bớt.

Dù Chính phủ đưa ra thông điệp cẩn trọng đối với việc tăng giá dịch y tế cả về mức độ, thời điểm... nhưng giá dịch vụ giáo dục bình quân 6 tháng đã cao hơn tốc độ chung. Những tháng cuối năm sẽ còn có xu hướng tăng cao hơn do vào đầu năm học và do cơ chế tự chủ đại học (về mặt tài chính) của nhiều trường đại học công lập...

Từ hiện trạng, các yếu tố, từ giá của các nhóm hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng chủ yếu đã nêu trên, có thể coi việc kiểm soát lạm phát theo mục tiêu là mục tiêu hàng đầu hiện nay.