Lạm phát có xu hướng tăng dần
Kiểm soát lạm phát là mục tiêu hàng đầu hiện nay không chỉ xuất phát từ vai trò quan trọng, mà còn xuất phát từ hiện trạng của lạm phát trong 6 tháng đầu năm và những yếu tố tác động trong 6 tháng còn lại của năm 2018.Nhìn tổng quát, tốc độ tăng bình quân 6 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm trước của giá tiêu dùng chung (CPI) còn thấp xa so với tốc độ tăng tương ứng của cùng kỳ năm trước (4,15%) và còn thấp hơn mục tiêu cả năm (4%). Nhưng xu hướng đã cao lên trong thời gian qua (1 tháng tăng 2,65%, 2 tháng tăng 2,9%, 3 tháng tăng 2,82%, 4 tháng tăng 2,80%, 5 tháng tăng 3,01%, 6 tháng tăng 3,29%). Ngoài nguyên nhân về mặt tính toán (số gốc so sánh là cùng kỳ năm trước thấp thì tốc độ tăng cao, số gốc so sánh là cùng kỳ năm trước cao thì tốc độ tăng thấp), còn ở các yếu tố tác động đến CPI (cung - cầu, chi phí đẩy, tiền tệ - tín dụng, tâm lý) và sự biến động giá của một số nhóm hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng chủ yếu, vẫn tiềm ẩn.Đơn cử, giá hàng ăn và dịch vụ ăn uống - chiếm đến gần 40% tổng tiêu dùng và hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng, bình quân 6 tháng tăng thấp xa so với tốc độ chung. Mặc dù từ hơn một tháng nay giá thịt, trứng... đã tăng trở lại nhưng do trong nhiều tháng trước bị giảm (bình quân 5 tháng giảm 0,16%) nên tính chung 6 tháng vẫn tăng thấp, kéo tốc độ tăng giá chung xuống theo.Quan hệ cung - cầu có sự chuyển dịch theo hướng cung sản xuất GDP tăng (7,08%), nhưng cầu còn tăng cao hơn (trong đó tiêu dùng cuối cùng tăng 7,13%, còn lại chuyển từ nhập siêu (1.410 triệu USD) trong cùng kỳ năm trước sang xuất siêu trong kỳ này (4.720 triệu USD). Nhiều sản phẩm nông nghiệp như lúa, nhãn, vải, dưa hấu... được mùa. Từ 1/7, mức lương cơ sở tăng. Chi phí đẩy tăng do giá hàng nhập khẩu tính bằng USD tăng 1,08%); tỷ giá VND/USD 5 tháng tăng thấp (0,09%), gần đây tăng cao hơn (6 tháng tăng 0,16%) và đang có xu hướng cao lên, làm cho giá hàng nhập khẩu tính bằng USD tăng kép, đẩy CPI trong nước lên theo.
Người tiêu dùng mua hàng tại siêu thị Hapro. Ảnh: Thanh Hải |