Góp ý Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)

Kiến nghị thêm điều kiện hưởng chế độ thai sản cho các trường hợp hiếm muộn

Vân Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Nhiều công nhân lao động ngành may hiếm muộn, phải áp dụng các biện pháp y khoa để điều trị. Thời gian nghỉ thai kỳ dài, bị gián đoạn đóng BHXH, vì vậy, cần bổ sung quy định về điều kiện hưởng chế độ thai sản cho các trường hợp hiếm muộn phải nghỉ việc không lương dài ngày.

Mới đây, Tổng Liên đoàn lao động (LĐLĐ) Việt Nam đã tổ chức hội thảo đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) tiếp cận dưới góc độ quyền của lao động nữ.

Các đại biểu tập trung thảo luận trực tiếp vào những vấn đề liên quan đến quyền của lao động nữ được quy định trong dự thảo Luật cần được điều chỉnh như: chế độ chăm sóc con ốm, thủ tục, hồ sơ đề nghị hưởng chế độ; đề nghị bổ sung mức hưởng của với đối tượng người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con, mang thai hộ, nhận con khi nhờ mang thai hộ hoặc nhận nuôi con nuôi; tăng số lần khám thai cho lao động nữ; tăng thời gian nghỉ của lao động nam khi vợ sinh con; tăng thời gian nghỉ thai sản cho người mẹ mang thai hộ...

Đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật, tiến sỹ Bùi Sỹ Lợi - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, mức hưởng trợ cấp thai sản khi sinh con đối với trường hợp BHXH tự nguyện, điều 93 khoản 1 Dự thảo Luật quy định mức hưởng 2 triệu đồng/con khi sinh, bao gồm cả trường hợp con bị chết hoặc chết lưu là quá thấp, đề nghị cơ quan soạn thảo nâng mực hỗ trợ này. Ngoài ra, chế độ thai sản ngoài hỗ trợ về tiền mặt, cơ quan soạn thảo cần cân nhắc bổ sung chế độ chăm sóc sức khỏe, khám thai định kỳ.

Tiến sỹ Bùi Sỹ Lợi - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội - Ảnh: Hải Nguyễn
Tiến sỹ Bùi Sỹ Lợi - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội - Ảnh: Hải Nguyễn

Bên cạnh đó, theo tiến sỹ Bùi Sỹ Lợi, hiện nay, chế độ BHXH tự nguyện chưa thực sự thu hút, việc bổ sung chế độ thai sản phù hợp cũng là điều kiện cần thiết để thu hút lao động trong độ tuổi tham gia. Vì vậy, đề xuất mức hưởng chế độ thai sản tối thiểu cho người lao động tham gia BHXH tự nguyện (bao gồm cả lao động nữ và lao động nam) là 1,5 triệu đồng/tháng (mức chuẩn nghèo nông thôn) trong 14 tuần là phù hợp và vẫn giữ chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số.

Đồng thời, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu xây dựng chế độ thai sản đa tầng, bổ sung chế độ hỗ trợ đối với phụ nữ nghèo, khuyết tật và tiến tới bao phủ chế độ hỗ trợ thai sản cho mọi đối tượng phụ nữ.

Đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật, Trưởng ban Chính sách - Pháp luật Công đoàn Dệt May Việt Nam Nguyễn Thanh Hoàn cho rằng, tại khoản 1 điều 48 quy định: “Trong thời gian mang thai, lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai tối đa 5 lần. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ khi khám thai tối đa là 2 ngày/1 lần khám thai”.

Tuy nhiên, thực tế doanh nghiệp ngành dệt may đông lao động nữ và thường xuyên hưởng chế độ thai sản (7%-9%). Trong khi đó, do ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, chưa kể một số trường hợp sinh con bằng phương pháp IVF (thụ tinh trong ống nghiệm), thai sinh đôi... nên nhu cầu khám thai nhiều hơn, lao động nữ phải xin nghỉ phép năm 3-5 ngày để đi khám thai và tiêm phòng.

Quang cảnh hội thảo
Quang cảnh hội thảo

Cùng với đó, một số lao động nữ bố trí thời gian đi khám thai vào ngày nghỉ cuối tuần để có chồng đưa đi khám; hoặc do sức khỏe tốt nên đi khám thai tại thời điểm tuổi thai không phải làm xét nghiệm, chụp chiếu thì thời gian khám thai chỉ trong nửa ngày và lao động nữ có thể quay về làm việc ca chiều (hoặc không phải nghỉ ngày làm việc trong tuần để đi khám thai).

Vì vậy, để đảm bảo quyền lợi cho những lao động nữ cần tăng số lần khám thai tương ứng số tháng từ khi mang thai đến khi sinh con từ 5 đến 9 lần, thời gian nghỉ việc hưởng chế độ khi khám thai tối đa là 2 ngày. Trong trường hợp lao động nữ không sử dụng hết thời gian đi khám thai, sức khỏe đảm bảo và được người sử dụng lao động đồng ý thì ngoài tiền được thanh toán chế độ BHXH, người lao động được trả thêm tiền lương theo công việc đã làm trong thời gian được nghỉ. Thời gian làm việc này không tính vào thời giờ làm thêm của người lao động.

Cũng theo đại diện Công đoàn ngành Dệt may Việt Nam, Dự thảo Luật quy định điều kiện hưởng chế độ thai sản là lao động nữ phải đóng BHXH từ đủ 3 - 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con, nhưng hiện nay do ô nhiễm môi trường, thực phẩm và dịch bệnh nhiều... nên nhiều công nhân lao động ngành may hiếm muộn và phải áp dụng các biện pháp y khoa để điều trị. Các lao động nữ thường phải nghỉ dài ngày từ 3 - 6 tháng, thậm chí hàng năm mới có thể mang thai và khi mang thai cũng phải nghỉ lao động để theo dõi.

Do phải nghỉ việc không lương trên 14 ngày nên lao động nữ này bị gián đoạn thời gian đóng BHXH và không đáp ứng được điều kiện đóng từ đủ 3 - 6 tháng trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con. Vì vậy, lao động nữ không được hưởng chế độ thai sản (dưỡng thai, hưởng chế độ khi sinh con) mặc dù trước đó đã có thời gian đóng BHXH 5 năm liên tục trở lên.

Trưởng ban Chính sách - Pháp luật Công đoàn Dệt May Việt Nam Nguyễn Thanh Hoàn
Trưởng ban Chính sách - Pháp luật Công đoàn Dệt May Việt Nam Nguyễn Thanh Hoàn

Từ thực tế đó, đại diện Công đoàn ngành Dệt may Việt Nam kiến nghị bổ sung thêm quy định về điều kiện hưởng chế độ thai sản cho các trường hợp hiếm muộn phải nghỉ việc không lương dài ngày để điều trị tại các cơ sở khám chữa bệnh có thẩm quyền đối với lao động nữ đã có thời gian đóng BHXH 5 năm liên tục trở lên.

Ngoài ra, đại diện Công đoàn Dệt may Việt Nam cũng kiến nghị tăng thêm ngày nghỉ đối với lao động nam đang tham gia BHXH khi vợ sinh con được hưởng chế độ thai sản tăng thêm 3 ngày đối với mỗi trường hợp (8 ngày làm việc khi vợ sinh con; 10 ngày làm khi vợ sinh con phải phẫu thuật, hoặc sinh con dưới 32 tuần tuổi; 13 ngày làm việc khi vợ sinh đôi...). Việc tăng thời gian của lao động nam tham gia BHXH khi vợ sinh con (trong khoảng 60 ngày sau khi người vợ sinh con) giúp người chồng có điều kiện chăm sóc vợ, con, phù hợp với mục tiêu xây dựng gia đình hạnh phúc.