Trung-Ấn

Kình địch Trung-Ấn khiến BRICS chao đảo

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Sự đối lập trong tầm nhìn chiến lược của hai ông lớn đang khiến cả khối rơi vào khó khăn trong định hình phát triển.

Chỉ mới hơn một thập kỷ thành lập, khối BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) đã phát triển nhanh chóng đến mức có thể trở thành đối trọng hàng đầu của G7 – nhóm 7 cường quốc công nghiệp.

Với tổng dân số hơn 3,24 tỷ người, tương đương 41% dân số thế giới và tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lên đến 26.000 tỷ USD, bằng 60% GDP của các nước G7, BRICS thực sự đang phả hơi nóng vào tham vọng bá chủ toàn cầu của nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu.

BRICS cũng là nơi mà các quốc gia Nam bán cầu có thể tự tin bày tỏ ý kiến và quan điểm của mình về biến động chính trị, đặc biệt những vấn đề liên quan đến các siêu cường.

Tuy vậy, sự phát triển của BRICS còn phụ thuộc nhiều vào tầm nhìn chiến lược của hai siêu cường chủ chốt là Ấn Độ và Trung Quốc, nhất là khi hai đối thủ cạnh tranh đang có những mục tiêu hoàn toàn trái ngược.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đang có quan điểm trái ngược nhau về phát triển BRICS. Nguồn: New Atlanticist
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đang có quan điểm trái ngược nhau về phát triển BRICS. Nguồn: New Atlanticist

Hướng đi đối lập của hai nền kinh tế hàng đầu châu Á này đang khiến những thành viên còn lại rơi vào thế khó xử, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển vốn không muốn bị kéo vào trò chơi quyền lực của các ông lớn.

Trong khi New Delhi mong muốn BRICS hợp tác hơn nữa với các nước đang phát triển, đồng thời tham gia bàn bạc, thảo luận với G7 về cải cách hệ thống kinh tế, tài chính quốc tế cũng như đối phó với biến đổi khí hậu, Trung Quốc lại hi vọng tổ chức này có thể đối đầu trực diện với phương Tây. Bắc Kinh muốn BRICS là cánh tay đắc lực để hiện thực hóa các chính sách địa chính trị của mình như: Sáng kiến Vành đai và Con đường hay Sáng kiến Phát triển Toàn cầu.

Khác với kình địch láng giềng, Ấn Độ hướng nhóm này vào hợp tác kinh tế và tài chính với các nước phía nam khác cũng như giảm lệ thuộc vào hệ thống thanh toán quốc tế dựa trên đồng USD, hay cải cách các tổ chức tài chính quốc tế để giúp nhóm nước đang phát triển có tiếng nói hơn.

Quan điểm này nhận được đồng thuận của Nam Phi và có thể được bàn thảo trong thượng đỉnh sắp tới. Bên cạnh đó, hầu hết các quốc gia đang phát triển đều không mong muốn rơi vào vòng xoáy cạnh tranh tầm ảnh hưởng của các siêu cường.

Một điểm bất đồng nữa là Ấn Độ không hề muốn Trung Quốc đẩy nhanh quá trình kết nạp thêm thành viên của khối trước thềm thượng đỉnh BRICS vào ngày 22-24/8 tại Johannesburg, Nam Phi.

Theo các quan chức Nam Phi, 22 quốc gia đã nộp đơn xin gia nhập BRICS và một số quốc gia khác cũng bắt đầu quan tâm. Dù việc đó giúp nâng tầm ảnh hưởng của khối, BRICS cũng sẽ gặp phải một số vấn đề như: loãng tổ chức do kết nạp quá nhiều thành viên mới hay giảm hiệu quả nguyên tắc hoạt động trên cơ sở đồng thuận. Quan trọng hơn cả, điều này sẽ khiến vị thế của Ấn Độ trong tổ chức bị ảnh hưởng đáng kể.

Việc Trung Quốc và Nga lần lượt kết nạp các đồng minh thân cận vào BRICS nhằm nâng tầm ảnh hưởng sẽ khiến Ấn Độ rơi vào thế yếu trong các cuộc cạnh tranh quyền lực với nước láng giềng, nhất là khi các tranh chấp biên giới giữa diễn ra liên tục. Để ngăn chặn điều này, Ấn Độ đã đề xuất thảo luận về tiêu chí trở thành thành viên tại Hội nghị Thượng đỉnh tới đây.

Động thái đối phó của G7

Theo giới chuyên gia, trước sự phát triển của BRICS, G7 nên tìm ra đối sách hiệu quả nhằm hài hòa mối quan hệ hai bên. Nếu nhóm các quốc gia này đi theo hướng của Ấn Độ, G7 sẵn sàng hợp tác và thảo luận nghiêm túc việc cải cách hệ thống tài chính và kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, nếu BRICS theo Trung Quốc, G7 nên trực tiếp đưa ra giải pháp đối phó cụ thể nhằm ngăn chặn sự mở rộng của thế lực mới này, tốt nhất là sử dụng các biện pháp cải thiện hệ thống kinh tế và tài chính để lôi kéo các quốc gia đang phát triển như Nam Phi, Brazil,…