Kinh tế Nga sẽ khiến phương Tây bất ngờ?

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chuyên gia Gao Jixiang - phó giám đốc bộ phận của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (CASS) nhận định, nền kinh tế Nga đã cho thấy rõ khả năng phục hồi trong ngắn hạn dù đang hứng chịu các lệnh trừng phạt từ phương Tây.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 3/8 tuyên bố Nga đã tránh được cuộc suy thoái kinh tế trước áp lực từ các lệnh cấm vận kinh tế của phương Tây và nền kinh tế đang trên đà phục hồi trong năm nay.

Theo hãng tin Tass, phát biểu tại diễn đàn thanh niên ở Moscow, ông Peskov lưu ý rằng nền kinh tế - xã hội Nga đã không "rơi xuống vực thẳm” như dự báo của phương Tây khi tung hàng loạt lệnh trừng phạt mạnh chưa từng có đối với Moscow.

Quan chức Điện Kremlin nhấn mạnh: "Chúng ta đã thoát khỏi cuộc khủng hoảng trừng phạt kinh tế của các nước phương Tây và triển vọng phục hồi kinh tế rất sáng. Điều này chắc chắn sẽ gây bất ngờ đối với “những quốc gia không thân thiện” với nước Nga”.

Tuần trước, Tổng thống Vladimir Putin cho biết tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga dự kiến sẽ tăng hơn 2% trong năm nay và mức tăng trưởng này sẽ bù đắp hoàn toàn cho sự suy giảm kinh tế trong năm ngoái. Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng các biện pháp trừng phạt của phương Tây vẫn có thể có tác động tiêu cực trong trung hạn.

Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov hồi tháng 4 tuyên bố các nước phương Tây, đặc biệt là Liên minh châu Âu (EU), đã cạn kiệt các lựa chọn để gây sức ép kinh tế đối với Moscow.

Mới đây, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng nâng dự báo tăng trưởng đối với nền kinh tế Nga trong năm 2023.

Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới được IMF công bố ngày 25/7, GDP của Nga dự kiến ​​sẽ tăng 1,5% trong năm nay. Trước đó, IMF dự đoán GDP của Nga chỉ tăng 0,7% trong báo cáo công bố vào tháng 4.

Giám đốc kinh tế của IMF Pierre-Olivier Gourinchas thừa nhận Nga có thể duy trì “một chút động lực trong nền kinh tế” bằng cách thực hiện các biện pháp tài khóa mạnh mẽ.

Theo IMF, việc điều chỉnh như hiện tại phản ánh nền kinh tế của Nga đột phá trong nửa đầu năm ở một số lĩnh vực như thương mại bán lẻ, xây dựng và sản xuất công nghiệp, nhờ hoạt động kích thích tài chính.

GDP của Nga chỉ giảm hơn 2% vào năm ngoái nhờ nguồn doanh thu lớn từ dầu mỏ và khí tự nhiên sau khi thúc đẩy hợp tác với các nước không tham gia vào lệnh trừng phạt của phương Tây.

Đáp trả việc Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine vào tháng 2/2022, Mỹ và nhiều đồng minh đã áp lệnh trừng phạt được cho là mạnh mẽ chưa từng thấy lên Moscow.

Các biện pháp này cũng đã được thắt chặt trong thời gian qua, từ hạn chế khả năng Nga giao dịch với các ngân hàng trên thế giới cho tới áp lệnh cấm nhập khẩu công nghệ, tẩy chay các sản phẩm năng lượng và áp giá trần dầu mỏ nhằm ngăn chặn nguồn doanh thu hàng đầu của Moscow.

Khả năng phục hồi trong ngắn hạn

Tờ China Daily ngày 2/8 dẫn Báo cáo thường niên về phát triển của Nga (2023) do Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (CASS) công bố cho hay, nền kinh tế Nga đang ghi nhận sự phục hồi ổn định bất chấp các lệnh cấm vận của phương Tây.

Nền kinh tế Nga cho thấy rõ khả năng phục hồi trong ngắn hạn. Ảnh: Tass
Nền kinh tế Nga cho thấy rõ khả năng phục hồi trong ngắn hạn. Ảnh: Tass

Theo ông Gao Jixiang, phó giám đốc bộ phận của Viện nghiên cứu Nga, Đông Âu và Trung Á (thuộc CASS), nền kinh tế Nga đã cho thấy rõ khả năng phục hồi trong ngắn hạn với tốc độ tăng trưởng GDP chỉ giảm 2,1% trong năm 2022, thấp hơn nhiều so với dự kiến.

Ông Jixiang nêu bật sự chuyển đổi cơ cấu do Chính phủ Nga dẫn đầu, và các chính sách tài chính, cũng như tiền tệ hợp lý giúp thúc đẩy nền kinh tế. Ví dụ, việc Nga đưa ra quyết định thanh toán bằng đồng ruble đối với các giao dịch thương mại đã giúp ổn định tỷ giá hối đoái của đồng nội tệ và giá cả trong thời gian ngắn.

Tuy nhiên, báo cáo của CASS lưu ý rằng, hiện kinh tế Nga đang hơi thiếu động lực để duy trì mức phát triển như vậy lâu dài. Một số bất cập cần được khắc phục như thiếu cơ sở hạ tầng dữ liệu và tiềm năng đổi mới.

Cũng theo bản báo cáo, Nga đang tích cực duy trì và đẩy mạnh quan hệ với các nước bên ngoài phương Tây để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Hợp tác giữa Nga và Trung Quốc tiếp tục được đẩy mạnh, khi thương mại song phương đạt 190,27 tỷ USD trong năm 2022, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm 2021.

Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho biết, kim ngạch xuất khẩu của nước này sang Nga đã tăng 12,8%, trong khi mức nhập khẩu các mặt hàng từ Nga nhảy vọt tới 43,4% trong năm 2022. Bắc Kinh và Moscow đang mở rộng hợp tác trong lĩnh vực cung cấp năng lượng, cơ sở hạ tầng giao thông vận tải và các lĩnh vực khác.