Kinh tế Trung Quốc lạc quan hơn sau cam kết từ Bộ Chính trị?

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chứng khoán Trung Quốc tăng vọt hôm thứ Ba (25/7) sau khi các nhà lãnh đạo hàng đầu tập trung tại Bắc Kinh và cam kết tăng cường các biện pháp thúc đẩy nền kinh tế đang phát triển chậm chạp của nước này.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc hôm 24/7 đã tuyên bố sẽ làm nhiều hơn nữa để hỗ trợ sự phục hồi kinh tế "bấp bênh", đang tỏ ra mất đà sau đợt bùng nổ hồi đầu năm nay.

Cam kết này bao gồm việc "điều chỉnh và tối ưu hóa các chính sách một cách kịp thời" cho lĩnh vực bất động sản đang gặp khó khăn, đồng thời nâng việc làm ổn định lên thành mục tiêu chiến lược, cùng với các cam kết khác nhằm thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng trong nước và giải quyết rủi ro nợ địa phương.

24 nhà lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc cũng cho biết sẽ thực hiện chính sách "ngược chu kỳ" và chủ yếu tuân theo chính sách tiền tệ thận trọng cùng chính sách tài khóa chủ động - theo một báo cáo được công bố trong cuộc họp hàng quý của Bộ Chính trị hôm 24/7.

Lời hứa đã ngay lập tức thúc đẩy cổ phiếu của các công ty liên quan đến Trung Quốc trong phiên sáng 25/7. Cổ phiếu của các công ty phát triển bất động sản Trung Quốc, hiện đang sa lầy trong đợt sụt giảm kỷ lục tồi tệ nhất của ngành, đã tăng vọt trở lại.

Sự phục hồi của bất động sản đã giúp chỉ số Hang Seng chuẩn của Hồng Kông giao dịch cao hơn 3%, sau khi kết thúc phiên giao dịch trước đó trong sắc đỏ. Chỉ số của 300 cổ phiếu hàng đầu được giao dịch trên sàn chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến cũng tăng hơn 2,6%.

Hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa xã dẫn báo cáo hôm 24/7 của Bộ Chính trị thừa nhận, “nền kinh tế đang đối mặt với những khó khăn và thách thức mới", chủ yếu là do nhu cầu trong nước yếu, những thách thức trong hoạt động đối với các công ty cũng như "môi trường bên ngoài khắc nghiệt và phức tạp".

"Cuộc họp nhấn mạnh rằng cần tích cực mở rộng nhu cầu trong nước, phát huy đầy đủ vai trò cơ bản của tiêu dùng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mở rộng tiêu dùng bằng cách tăng thu nhập của người dân" - theo Tân Hoa xã.

Một loạt dữ liệu kinh tế đáng thất vọng của Trung Quốc, được công bố hồi tuần trước, đã dấy lên những lời kêu gọi mới về hỗ trợ chính sách, nhằm thúc đẩy tăng trưởng, mặc dù Thủ tướng Lý Cường trước đó đã nói rằng Trung Quốc đang trên đà đạt được mục tiêu tăng trưởng hàng năm khoảng 5% trong năm nay.

GDP trong quý II/2023 của Trung Quốc tăng 6,3% so với một năm trước, kém hơn mức 7,3% được kỳ vọng. Đây là mức tăng trưởng 0,8% so với quý đầu tiên, nhưng chậm hơn so với tốc độ 2,2% theo quý được ghi nhận trong khoảng thời gian từ tháng 1 - 3.

Các nhà đầu tư đã rất hy vọng Bắc Kinh sẽ đưa ra các biện pháp kích thích cụ thể hơn sau cuộc họp tháng 7 của Bộ Chính trị - vốn thường định hướng chính sách kinh tế của Trung Quốc trong nửa cuối năm.

CNN dẫn một ghi chú của Stephen Innes, đối tác quản lý tại SPI Asset Management, bình luận rằng báo cáo lần này cho thấy ban lãnh đạo Trung Quốc thực sự nghiêm túc về việc đưa ra các hành động chính sách quyết đoán hơn.

"Tại sao lần này lại khác? Bởi vì các nhà hoạch định chính sách đã thừa nhận các vấn đề" - Innes viết trong một ghi chú: "Các nhà đầu tư hiện tin rằng cuộc họp của Bộ Chính trị sẽ tạo ra một thông điệp khích lệ cho việc nới lỏng chính sách toàn diện và đáng kể hơn trong tương lai".

Các nhà quan sát đặc biệt lưu ý rằng Bộ Chính trị đã loại bỏ câu từ "nhà ở là để ở, không phải để đầu cơ" khỏi các tuyên bố mới nhất về lĩnh vực bất động sản của đất nước. Thay vào đó, các nhà lãnh đạo quốc gia hiện đề cập đến việc thích ứng với "những thay đổi lớn" trong động lực cung - cầu trên thị trường bất động sản, với các biện pháp cụ thể của từng địa phương để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân về nhà ở tốt hơn.

Lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc đang phải vật lộn để thoát khỏi cuộc khủng hoảng tín dụng sau khi Chính phủ Bắc Kinh siết chặt mức nợ hồi tháng 8/2020. Theo một số tính toán, lĩnh vực này hiện vẫn chiếm tới 1/4 hoạt động kinh tế hàng năm của Trung Quốc.