Kỹ năng sống: Làm bạn với con

Minh Tâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vừa về đến nhà, thấy con đang trèo lên bàn, sẵn bực tức trong người, chị vớ ngay cái roi quất con mấy cái thật đau.

Thằng bé vừa khóc, vừa van vỉ: "Con xin lỗi mẹ, con xin lỗi mẹ". Một ngày, không biết thằng bé bị mẹ đánh bao nhiêu lần vì đủ thứ tội, nào là nghịch bẩn, lười ăn, nói không nghe. Chồng chị cũng có cách dạy con không khác vợ là mấy, nhưng nếu anh đã bực mình lên thì trận đòn ấy đến chính chị cũng phải xót xa. Chị bảo anh: "Đánh nó khẽ thôi, chỉ để dọa mà", anh bảo: "Đã đánh phải đánh thật đau cho nó sợ, lần sau chỉ cần giơ roi ra là phải biết điều". Anh chị cũng như rất nhiều người đang dùng biện pháp “roi để trị” với con. Họ còn để sẵn roi ở góc nhà để mỗi khi trẻ phạm lỗi là có ngay cái để phạt lỗi. Họ lý giải rằng trẻ sẽ “chừa” khi nhớ đến những trận đòn đau. Nhưng nào con có sợ, sau mỗi trận đòn nó càng nghịch phá hơn.
 Ảnh mang tính chất minh họa.
Một người phụ nữ khác cũng quan niệm rằng, con sẽ chừa nếu bị những trận đòn đau, chị còn đem kinh nghiệm này phổ biến cho bạn bè. Nhưng bé con nhà chị càng ngày càng trở nên lì lợm, khó bảo, không suy chuyển và có biểu hiện nhờn đòn. Trên thực tế, không ít trường hợp, bố mẹ càng đánh, con cái càng lì thêm. Nguy hại hơn, có nhiều trẻ mang trong đầu tư tưởng: làm sai chịu một trận đòn là hết chuyện. Và như thế, bố mẹ sẽ hoàn toàn bất lực trong việc giáo dục con cái.

Không chỉ với trẻ nhỏ, nhiều bậc phụ huynh còn dùng cả đòn roi với cả những đứa con đã lớn, đã có hiểu biết. Chính điều đó, đã gây ra tổn thương rất lớn trong lòng con. Nhiều chuyên gia tâm lý cho rằng, đánh, mắng con trẻ có thể khiến các em bị đau, nhưng điều quan trọng hơn cả là chấn động về tinh thần, tác động tiêu cực đến việc hình thành tính cách, tâm lý và tình cảm của trẻ. Đặc biệt, các hành vi đánh, mắng không chỉ làm giảm sút uy tín, tình cảm và hình ảnh tốt đẹp của bố mẹ mà còn góp phần hình thành tính bạo lực ngay trong suy nghĩ và cách hành xử của trẻ khi trưởng thành.

Hãy dùng tình thương, sự bao dung để khuyên răn, dạy bảo con, giúp con nhận ra cái sai mà sửa, đừng biến những trận đòn thành phương tiện để bố mẹ trút giận là điều nhiều chuyên gia khuyên. Dạy con đúng cách là làm cho trẻ hiểu ra vấn đề, từ đó tự ý thức để khắc phục, sửa sai. Có những người dù chưa một lần sử dụng đến đòn roi nhưng vẫn thể hiện được cái uy của mình đối với con. Những ánh mắt nghiêm nghị, những lời nói thấm thía, sâu sắc có giá trị hơn gấp trăm lần những trận đòn roi làm con sợ hãi. Một số phụ huynh đã rất thành công trong việc giáo dục con cái bằng cách làm bạn với chúng. Mối quan hệ ấy sẽ tạo ra bầu không khí thoải mái để trẻ dễ dàng tâm sự, thổ lộ những băn khoăn, khúc mắc trong cuộc sống. Khi đó, cha mẹ vừa là thầy, vừa là bạn, giúp trẻ giải quyết mọi sự cố để chúng trưởng thành hơn. Điều cần nhất khi bố mẹ dạy dỗ con còn là tấm gương của chính họ hàng ngày. Thực tế cho thấy, trẻ được dạy bảo với thái độ nghiêm khắc đúng lúc, đúng chỗ lại ngoan hơn trẻ lớn lên trong đòn roi.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần