Kỹ năng sống: Thắp lửa yêu thương

Minh Tâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều người rất tích cực cho con theo học các lớp kỹ năng sống, phát triển nhân cách… và họ cũng luôn đòi hỏi ở trẻ phải ngoan, phải nghe lời khi người khác nói.

Nhưng chính họ lại không bao giờ “nhìn lại mình”, quên đi những ứng xử trong gia đình. Không ít người luôn “bắt” con sống trong môi trường căng thẳng bởi mâu thuẫn của người lớn. Trong khi đó, nhiều nghiên cứu đã cho thấy, bất cứ những hành vi không đúng chuẩn mực nào trong cách cư xử của bố mẹ cũng gây tác hại to lớn, làm tổn thương tâm thần ở trẻ em, có khi kéo dài suốt cả cuộc đời. Ngay cả việc bố mẹ cãi nhau cũng trở thành nỗi khiếp sợ của con trẻ khi phải chứng kiến. Bởi trong đầu óc non nớt của chúng mới chỉ hiểu được gia đình là chỗ che chở, bao bọc, nên rất sợ hãi trước cảnh đó.

 Ảnh minh họa.

Ngay từ khi biết nói, trẻ đã cảm nhận được mọi thứ xung quanh và việc bố mẹ cãi nhau đã để lại ấn tượng không tốt trong lòng trẻ. Lâu dần, như giọt nước tràn ly, hành động này của bố mẹ sẽ hình thành trong trẻ sự phản kháng... Những hình ảnh căng thẳng trong gia đình lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ trở thành một vết thương khó phai mờ trong trí não trẻ.

Nhiều chuyên gia cho rằng, con cái trong những gia đình bố mẹ cư xử với nhau thiếu tình yêu thương, hòa thuận thường không có cơ hội tìm thấy sự bình an trong tâm hồn, khó hòa nhập với cuộc sống cộng đồng trong tương lai, cũng như không sao khắc phục được tư tưởng trầm uất triền miên trong cuộc sống riêng tư. Những con số thống kê về bạo lực gia đình ngày càng tăng, ly hôn ngày càng nhiều khiến trẻ em chứng kiến cảnh bạo lực gia đình và bị tổn thương về thể chất, tinh thần đang là vấn đề bức xúc của xã hội cần được giải quyết triệt để.

Do đó, để trẻ phát triển đầy đủ về nhân cách, kỹ năng sống, không chỉ trông chờ vào các lớp rèn luyện kỹ năng, mà mỗi gia đình phải thực sự là một tổ ấm. Các bậc phụ huynh nên thắp lên ngọn lửa yêu thương, để gia đình luôn ấm áp... Và trước hết người lớn cũng phải tự học kỹ năng kiềm chế bản thân, dung hòa các mối quan hệ, để không xảy ra tình trạng “cả giận mất khôn” làm ảnh hưởng đến hình ảnh của mình trước mặt con. Gia đình là một xã hội thu nhỏ, cũng cần có những quy định cụ thể mà mỗi thành viên phải chấp hành. Bố mẹ là người tập cho con thực hiện những quy định này thì bản thân họ phải là những người gương mẫu. Do đó, kể cả khi xảy ra mâu thuẫn, các cặp vợ chồng nên có ý thức tôn trọng nhau và tôn trọng cả con cái của mình. Thay vì cãi vã, vợ chồng nên cùng nhau thảo luận dựa trên sự tôn trọng này. Đấy chính là một cách tự tạo cho mình kỹ năng sống tốt và giúp con có được kỹ năng ấy trong tương lai. Thực tế đã chỉ ra rằng, những đứa trẻ lớn lên trong gia đình êm ấm, hạnh phúc luôn phát triển tốt về kỹ năng ứng xử và phương thức sống.