Kỷ niệm 110 năm ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn: Người Cộng sản mẫu mực

Hải Dương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hôm nay (7/4), kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (7/4/1907 - 7/4/2017) - một nhân cách Cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Với 79 tuổi đời, 56 tuổi Đảng, gần 60 năm hoạt động cách mạng, cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Lê Duẩn gắn liền với quá trình cách mạng của dân tộc ta từ những năm 20 đến những năm 80 của Thế kỷ XX, nêu tấm gương sáng của một chiến sỹ Cộng sản tiên phong.

Tổng Bí thư Lê Duẩn thăm Hợp tác xã Yên Sở, Thanh Trì, Hà Nội, tháng 1/1979 (Ảnh tư liệu)

Đồng chí Lê Duẩn, tên thật là Lê Văn Nhuận, sinh ngày 7/4/1907, trong một gia đình lao động có truyền thống yêu nước tại làng Bích La, xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Quá trình hoạt động cách mạng của đồng chí Lê Duẩn diễn ra liên tục trên phạm vi cả nước với nhiều trọng trách được Đảng và Nhân dân tin cậy, giao phó như Ủy viên ban Tuyên huấn Xứ ủy Bắc Kỳ (năm 1931); Bí thư Xứ ủy lâm thời Trung Kỳ (năm 1937); Ủy viên Thường vụ T.Ư Đảng (năm 1939); Bí thư Xứ ủy Nam bộ (1946 - 1951, 1954 - 1957); Bí thư T.Ư Cục miền Nam (1951 - 1954); Ủy viên Bộ Chính trị (từ năm 1951); Bí thư Thứ nhất, Tổng Bí thư Ban Chấp hành T.Ư Đảng (1960 - 1986).

Với 26 năm liên tục đảm nhận cương vị Bí thư Thứ nhất và Tổng Bí thư của Đảng, thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược của toàn dân tộc là xây dựng, bảo vệ chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội, trong những thời điểm đầy thử thách cam go, phức tạp, đồng chí Lê Duẩn đã có những đóng góp rất lớn cho cách mạng, thể hiện ở những quyết sách mang tính đột phá và tầm nhìn xa trong tư duy lãnh đạo của mình.

Đồng chí Lê Duẩn là một tấm gương sáng chói về lòng trung thành vô hạn với lý tưởng cách mạng của Đảng và dân tộc, về ý chí và tinh thần cách mạng tiến công, về tình cảm nồng nàn, tha thiết với Tổ quốc và Nhân dân, với đồng chí và đồng bào, về một tư duy không ngừng nghỉ để tìm tòi, sáng tạo trong đấu tranh và xây dựng… Tổng Bí thư Lê Duẩn thực sự là sản phẩm của trí tuệ cách mạng Việt Nam, của giá trị lịch sử - văn hóa Việt Nam, của ý chí độc lập, tự chủ Việt Nam, được thăng hoa lên dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh.

Theo GS.TS Nguyễn Xuân Thắng – Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, cuộc đời chiến đấu kiên cường gần 60 năm của đồng chí Lê Duẩn cho dân tộc, thống nhất của Tổ quốc, cho hạnh phúc của Nhân dân, cho sự nghiệp cách mạng của Đảng là một tấm gương sáng chói về lòng trung thành vô hạn với lý tưởng cách mạng của Đảng và dân tộc, về ý chí và tinh thần cách mạng tiến công, về tình cảm nồng nàn, tha thiết với Tổ quốc và Nhân dân, với đồng chí và đồng bào, về một tư duy không ngừng nghỉ để tìm tòi, sáng tạo trong đấu tranh và xây dựng đất nước.

Điều chủ yếu toát lên từ tấm gương Tổng Bí thư Lê Duẩn, đó là một nhà lãnh đạo suốt đời say mê tìm tòi, sáng tạo, luôn luôn nêu cao phong cách tư duy độc lập, tự chủ, luôn luôn xới lật vấn đề, khuyến khích tranh luận để tiếp cận chân lý. Đồng chí đặc biệt nhấn mạnh đến việc phát hiện quy luật, vận dụng cho được quy luật vào thực tiễn cuộc sống, lấy thực tiễn để kiểm nghiệm chân lý. Nhờ đó, trên bình diện nhà lý luận, Tổng Bí thư Lê Duẩn thực sự đã có những đóng góp quan trọng, làm phong phú thêm lý luận của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX.

Tại hội thảo khoa học: “Đồng chí Lê Duẩn - nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng, người con ưu tú của quê hương Quảng Trị” mới đây, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Võ Văn Thưởng đã nhấn mạnh: “Tưởng nhớ đồng chí Lê Duẩn, chúng ta tưởng nhớ đến một nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng và Nhân dân ta, một tư duy sáng tạo lớn của cách mạng Việt Nam, một người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chúng ta nguyện học tập tấm gương về ý chí kiên cường, về nhân cách cộng sản mẫu mực của đồng chí Lê Duẩn; kiên trì vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; phát huy tinh thần yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc; quyết tâm thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế có hiệu quả, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.