Ký ức năm tháng với những thước phim “Vĩ tuyến 17 – Chiến tranh nhân dân”

Minh Tân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Chiến tranh và những đau thương, mất mát đã đi qua nhưng ký ức về những năm tháng hào hùng đó vẫn vẹn nguyên qua bộ phim tư liệu “Vĩ tuyến 17 – Chiến tranh nhân dân” của của đạo diễn nổi tiếng người Hà Lan Joris Ivens.

Những ký ức đó đã lần nữa tái hiện tại buổi tổ chức buổi chiếu phim “Vĩ tuyến 17 - Chiến tranh nhân dân” và giao lưu với các nhân chứng của Đoàn làm phim, nhân vật của phim năm 1967 do Sở TT&TT tỉnh Quảng Trị, UBND huyện Vĩnh Linh, Viện Phim Việt Nam (Bộ VH-TT&DL) tổ chức tại huyện Vĩnh Linh.

“Bộ phim được chiếu hôm nay được phục tráng từ phim đen trắng thành phim màu lần đầu tiên được chiếu tại Vĩnh Linh. Phim được anh Viên Hồng Quang ở Hà Nội tự đầu tư và phục chế miệt mài trong gần 1 năm”, ông Nguyễn Hoàn, Phó Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Quảng Trị chia sẻ.

Những hình ảnh vô giá

Joris Ivens (1898-1989) là một nhà làm phim tư liệu người Hà Lan nổi tiếng. Ông đã làm phim ở nhiều nước và nhận được nhiều giải thưởng. Năm 1965 - 1970, ông làm một số phim chống chiến tranh ở Việt Nam. Những bộ phim về Việt Nam: “Bầu trời, Mặt đất” (1966), “Việt Nam xa xôi” (1967), “Vĩ tuyến 17 - Chiến tranh nhân dân” (1968), “Đàm thoại với Chủ tịch Hồ Chí Minh” (1969).

Đặc biệt, bộ phim “Vĩ tuyến 17-Chiến tranh nhân dân” đã gây chấn động dư luận  phương Tây khi công chiếu vào thập kỷ 70.

Lần đầu tiên bộ phim "Vĩ tuyến 17 - Chiến tranh nhân dân" của đạo diễn Joris Ivens được phục tráng thành phim màu được chiếu tại Vĩnh Linh, Quảng Trị.
Lần đầu tiên bộ phim "Vĩ tuyến 17 - Chiến tranh nhân dân" của đạo diễn Joris Ivens được phục tráng thành phim màu được chiếu tại Vĩnh Linh, Quảng Trị.

Joris Ivens từng viết: “Tôi đã chọn máy quay phim làm vũ khí. Nếu những phim tôi làm ở Việt Nam khiến cho nhân dân đang bị áp bức trên thế giới hiểu được rằng: Cuộc chiến đấu của họ chống lại chủ nghĩa đế quốc nhất định sẽ thắng lợi, thì nghĩa là chiếc máy quay phim của tôi cũng là một vũ khí có hiệu quả”.

Chính vì vậy, năm 1967, ông đã cùng vợ là Marceline Loridan đi vào vùng tuyến lửa Vĩnh Linh – nơi đầu giới tuyến để có những hình ảnh chân thực hơn, một góc nhìn từ bên trong cuộc chiến, từ nơi bị dội bom ác liệt nhất, nơi bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi chiến sự.

Đạo diễn Joris Ivens (ảnh tư liệu).
Đạo diễn Joris Ivens (ảnh tư liệu).

Được thể hiện với độ dài gần 120 phút, những thước phim chân thực của Joris Ivens đã ghi lại cuộc sống, chiến đấu của người dân tuyến lửa Vĩnh Linh (bờ Bắc Vĩ tuyến 17) một cách chân thực nhất. Giữa mưa bom, bão đạn, tiếng gầm rú của các loại máy bay ném bom, sự sống của người dân Vĩnh Linh vẫn bất diệt, vươn lên mạnh mẽ.

Đó là buổi diễn văn nghệ dưới hầm địa đạo, điệu hò, tiếng hát cùng tiếng vỗ tay đã át đi những tiếng bom nổ trên mặt đất, máy bay đang gầm rú trên bầu trời. Hay đó, là lớp học của những cô, cậu bé 6-7 tuổi đào sâu xuống dưới, mái lớp học tạm bợ nằm ngang với mặt đất… để tránh mảnh bom, đạn.

Đạo diễn Joris Ivens, bà Nguyễn Thị Xuân Phượng cùng các thành viên trong đoàn làm phim "Vĩ tuyến 17 - Chiến tranh nhân dân". (Ảnh tư liệu)
Đạo diễn Joris Ivens, bà Nguyễn Thị Xuân Phượng cùng các thành viên trong đoàn làm phim "Vĩ tuyến 17 - Chiến tranh nhân dân". (Ảnh tư liệu)

Bộ phim của ông khi công chiếu ở 4 rạp phim tại Paris (Pháp) năm 1968, khi bộ phim kết thúc, tất cả khán giả đều im lặng, không ai dám vỗ tay. Khán giả đã ngồi im, giống như họ không biết trở về với thực tại như thế nào sau khi “sống” trong 120 phút nơi tuyến lửa Vĩnh Linh. Những hình ảnh đó đã lay động đến tận đáy lòng của triệu triệu người dân yêu chuộng hòa bình khắp hành tinh này.

Và đặc biệt, cảnh mở đầu bộ phim đã tạo nên những ấn tượng, chủ đề xuyên suốt của bộ phim. Ông đã dặn với người quay phim trèo lên đỉnh cột cờ giới tuyến Hiền Lương để bắt được giây phút gió thổi tung lá cờ, bóng trải dài vươn lên phía Nam bờ Bến Hải.

“Lá cờ Việt Nam sẽ tung bay từ bờ Bắc, bóng cờ sẽ lan sang bờ Nam, là ý nguyện thống nhất hai bờ của một đất nước”, Joris Ivens từng dặn với người quay phim.

Ký ức không bao giờ quên

Đạo diễn Nguyễn Thị Xuân Phượng (93 tuổi), phiên dịch cho Đoàn làm phim năm 1967, người cộng sự của đạo diễn Joris Ivens nhớ lại: Năm đó, tôi 38 tuổi được cử vào Vĩnh Linh để chăm sóc sức khỏe và phiên dịch cho Joris Ivens và vợ ông là bà Maceline Loridan cùng đoàn làm phim.

Trước khi lên đường vào giới tuyến, Bác Hồ căn dặn với chúng tôi: “Bằng mọi giá phải bảo vệ đồng chí ấy. Những thước phim của Ivens sẽ có giá trị to lớn đối với quốc tế khi nói về cuộc chiến tranh chính nghĩa của dân tộc ta… Về tuyên truyền đối ngoại, phim của Ivens có sức mạnh như một sư đoàn, một lữ đoàn, một binh đoàn”.

Đạo diễn Nguyễn Thị Xuân Phượng và những ký ức không bao giờ phai về đoàn làm phim và mảnh đất Vĩnh Linh - nơi đã thay đổi cuộc đời của bà.
Đạo diễn Nguyễn Thị Xuân Phượng và những ký ức không bao giờ phai về đoàn làm phim và mảnh đất Vĩnh Linh - nơi đã thay đổi cuộc đời của bà.

Và để có được thước phim đắt giá đã đổi lấy cả máu và tính mạng. Có lần, quả bom nổ gần đó đã vùi lấp bà và ông Ivens dưới căn hầm. “Khi mọi người vừa mới đưa ông dưới lớp đất đá lên, điều đầu tiên ông ấy quay sang hỏi: Tuấn (quay phim) đã quay được thước phim trước đó chưa”, bà Phượng kể.

Cùng với những ký ức về một thời làm phim dưới mưa bom, bão đạn, một nhân vật trong phim “cậu bé 9 tuổi cầm súng” vừa dễ dàng tháo lắp khẩu súng vừa trả lời: “Cọp thì cháu sợ chứ Mỹ cháu không sợ” đã gây ấn tượng mạnh mẽ. Năm nay, 64 tuổi, thầy giáo Phạm Công Đức vẫn nhớ như in về đoàn làm phim vào những năm tháng đó.

"Cậu bé 9 tuổi cầm súng" Phạm Công Đức, nhân vật trong phim giao lưu cùng khán giả.
"Cậu bé 9 tuổi cầm súng" Phạm Công Đức, nhân vật trong phim giao lưu cùng khán giả.

Về sau này, khi gặp lại được bà Phượng, cậu bé Đức ngày nào đã trở thành một giáo viên và chính tay gửi biếu 2 gói tiêu đen của vườn nhà cho vợ chồng ông bà Ivens. Năm 2017, khi bà Xuân Phượng sang Paris, lúc này ông Ivens đã mất, chỉ còn bà Marceline.

“Bà ấy mang một ít tiêu ra nghĩa trang rồi đặt lên nầm mồ của Ivens, thắp 1 cây nến bà nói trước mộ ông: Joris ơi! Đây là quà của em bé 9 tuổi cầm súng này em đó đã có gia đình, có một vườn tiêu, nay em ấy được sống như những người bình thường trên thế giới này”, bà Xuân Phượng bồi hồi nhớ lại.

Sau 2 tháng ở mảnh đất tuyến lửa Vĩnh Linh với người thầy là đạo diễn Joris Ivens, ở tuổi 38, Xuân Phượng đã tình nguyện bỏ nghề bác sĩ ở mảnh đất thủ đô Hà Nội, bỏ nghề phiên dịch và trở thành một phóng viên chiến trường từ đó.

Tại buổi chiếu phim và giao lưu giúp cho thế hệ trẻ hiểu thêm về một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc của những con người "Vĩnh Linh lũy thép anh hùng".
Tại buổi chiếu phim và giao lưu giúp cho thế hệ trẻ hiểu thêm về một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc của những con người "Vĩnh Linh lũy thép anh hùng".

Bà đã làm biên kịch, đạo diễn phim tài liệu đạt nhiều giải tại các liên hoan phim quốc tế và Việt Nam; tổ chức nhiều triển lãm tranh ở trong nước và nước ngoài; năm 2011, bà được Chính phủ Pháp tặng Huân chương Hiệp sĩ Bắc đẩu Bội tinh về những đóng góp cho chiếc cầu hữu nghị Việt - Pháp. 

Đạo diễn Xuân Phượng tâm sự: “Nếu tôi sống được 2 cuộc đời, tôi xin nguyện được đi con đường vất vả, gian khổ mà hạnh phúc mà tôi đã đi qua. Hôm nay, được nhìn những gương mặt này, nhất là ở Vĩnh Linh, mảnh đất mà đã thay đổi cuộc đời tôi. Tôi nghĩ rằng không phải ai cũng được hạnh phúc này, mừng vui, xúc động như ngày hôm nay mà tôi đã trải qua".