Lãi suất huy động giảm tiếp về cuối năm

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xu hướng giảm lãi suất huy động tiếp tục diễn ra trên diện rộng. Biểu lãi suất tiền gửi tiết kiệm VND tại các ngân hàng trong tháng 11/2023 tiếp tục giảm từ 0,1 - 0,5%/ tùy kỳ hạn và do quy định của từng ngân hàng, so với cùng kỳ tháng 10/2023.

Lãi suất xuống dưới 6% tại hầu hết ngân hàng

Ngân hàng Techcombank vừa công bố biểu lãi suất huy động mới, điều chỉnh giảm các kỳ hạn từ 6 - 36 tháng. Theo đó, lãi suất huy động trực tuyến dành cho tài khoản tiết kiệm mở mới dưới 1 tỷ, kỳ hạn 6 – 8 tháng giảm 0,2% xuống còn 4,75%/năm. Kỳ hạn 9 – 11 tháng cũng chính thức mất mốc 5%, lùi về 4,8%/năm. Lãi suất tiền gửi các kỳ hạn 12 – 36 tháng giảm đồng loạt 0,1% còn 5,25%/năm.

Từ đầu tháng 11, ngân hàng ồ ạt giảm lãi suất huy động. Ảnh minh hoạ
Từ đầu tháng 11, ngân hàng ồ ạt giảm lãi suất huy động. Ảnh minh hoạ

VIB công bố biểu lãi suất huy động mới kể từ 6/11, sau khi giảm 0,1% tại nhiều kỳ hạn. Cụ thể, lãi suất huy động trực tuyến kỳ hạn 1 – 3 tháng còn 3,8%/năm, kỳ hạn 3 – 5 tháng cũng giảm xuống còn 4%/năm. Cũng với mức giảm như trên, lãi suất ngân hàng kỳ hạn 6 – 8 tháng còn 5,1%/năm, kỳ hạn 15 – 18 tháng giảm xuống 5,6%/năm. VPBank cũng vừa điều chỉnh giảm lãi suất huy động ở các kỳ hạn dưới 6 tháng. Lãi suất huy động trực tuyến kỳ hạn 1- 2 tháng được điều chỉnh giảm 0,2% xuống còn 3,7%/năm. Lãi suất huy động kỳ hạn 3 – 5 tháng giảm 0,15% xuống còn 3,8%/năm.

Trước đó, từ 1/11, Sacombank là ngân hàng đầu tiên trong tháng 11 giảm lãi suất đối với tiền gửi kỳ hạn 6-11 tháng 0,3%. Khảo sát đến 8/11, tại NCB, SHB, Bac A Bank, Nam A Bank, VietBank cũng đồng loạt giảm lãi suất huy động trong tháng 11.

Ở nhóm thương mại có vốn nhà nước, biểu lãi suất đầu tháng 11/2023 tiếp tục giảm so với cùng kỳ tháng trước đó. Tại Vietcombank, sau 2 lần điều chỉnh giảm lãi suất trong tháng 10 vừa qua, lãi suất huy động của ngân hàng này đối với kỳ hạn 6 và 9 tháng còn ở mức 4,1%/năm (giảm 0,4% so với cùng kỳ tháng 10/2023); kỳ hạn từ 12 tháng trở lên có mức lãi suất huy động là 5,1%/năm (giảm 0,4%). Lãi suất tiền gửi tiết kiệm cao nhất tại Vietcombank hiện ở mức 5,1%/năm.

Hay tại BIDV, biểu lãi suất tiền gửi tiết kiệm cũng điều chỉnh giảm đồng loạt 0,2% ở các kỳ hạn, cụ thể: Kỳ hạn 6 và 9 tháng hiện có mức lãi suất là 4,3%/năm (giảm 0,2% so với đầu tháng 10/2023), kỳ hạn từ 12 tháng trở lên có mức lãi suất là 5,3%/năm (giảm 0,2%). Đây cũng là biểu lãi suất được niêm yết tại 2 ngân hàng còn lại trong nhóm Big4 là VietinBank, Agribank.

Phần lớn các ngân hàng đã rời mốc lãi suất tiết kiệm 6%/năm ở kỳ hạn 12 tháng. Trước đó, trong tháng 10, dù phần lớn các ngân hàng giữ mức lãi suất tiết kiệm xung quanh khung 5%, nhưng vẫn còn 6 ngân hàng giữ mốc lãi suất 6%, dẫn đầu là PVcomBank với 6,4%/năm.

Đối với tiền gửi kỳ hạn 18 tháng trở lên, hiện còn 17 ngân hàng duy trì lãi suất từ 6%/năm, trong đó mức lãi suất cao nhất là 6,5%/năm (HDBank và PVCombank).

Trên thị trường liên ngân hàng, sau khi tăng trở lại trong vài tuần gần đây, thì lãi suất VND bình quân liên ngân hàng đã hạ nhiệt và giảm xuống dưới 1%/năm còn 0,85%.

Lãi suất cho vay giảm chậm

Chuyên gia tài chính - ngân hàng TS Nguyễn Trí Hiếu phân tích, các ngân hàng hạ lại suất huy động là do thời gian qua họ huy động lãi suất cao đã thu hút hầu hết người dân đổ tiền vào gửi, trong khi các ngân hàng đang ế tiền vì không có người vay. Bất chấp lãi suất huy động giảm nhanh, tiền gửi của dân cư chảy vào hệ thống ngân hàng vẫn duy trì mức cao. Theo dữ liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, tiền gửi tiết kiệm của người dân đã vượt 6,4 triệu tỷ đồng.

Ở thời điểm này, việc đầu tư vào các kênh này không có lợi, thậm chí rất rủi ro nên người dân đổ dồn vào tiết kiệm. Chị Thu Thuỷ (ở Đống Đa, Hà Nội) cho biết, tôi đang có khoản tiền gửi 2 tỷ đồng đến kỳ tất toán nhưng chưa biết đầu tư kênh nào. Trước đây tôi đầu tư chứng khoán nhưng giai đoạn vừa rồi biến động mạnh nên khoản này đang thua lỗ. Giá vàng biến động mạnh và vàng SJC cách biệt quá lớn với giá thế giới nên tôi không tham gia. Trong khi bất động sản vẫn trầm lắng.

TS Võ Trí Thành nhận xét, hiện tại, mức lãi suất tiết kiệm vẫn cao hơn lạm phát nên tiền nhà đầu tư vẫn có lợi. Việc giảm lãi suất huy động cũng để người dân chuyển tiền tiết kiệm sang, kích thích người dân sử dụng tiền để mua sắm, tiêu dùng.

Trong khi lãi suất huy động giảm sâu, lãi suất cho vay vẫn giảm chậm. Theo chị Minh Hằng ở Thanh Xuân, Hà Nội, khoản vay mới mà ngân hàng mời chào là 9%. Tuy nhiên, với những khoản vay cũ lãi suất vẫn rất cao.

Trường hợp ông Nguyễn Hoàng (ở Thanh Xuân) vừa được điều chỉnh vay về mức lãi suất 8,7%/năm nhưng cũng khá hồi hộp vì ngân hàng thay đổi cách tính lãi suất theo từng tháng. Kinh nghiệm và lịch sử vay vốn tại ngân hàng này nhiều năm trước thì thông thường lãi suất cho vay của ông sau 3 tháng đầu được xem là "ưu đãi", sau đó sẽ cao hơn khoảng 1-1,5%/năm. "Lãi suất tiết kiệm thì giảm mạnh mà lãi suất cho vay như hiện nay vẫn còn quá cao"- chủ một hộ kinh doanh bày tỏ.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, hiện còn một số khoản cho vay cũ khi các ngân hàng thương mại huy động vốn cao có thể vẫn đang neo cao do độ trễ của chính sách, cũng như để đảm bảo hài hòa phương án tài chính của các ngân hàng thương mại. Ngân hàng Nhà nước đã đề nghị các ngân hàng thương mại bằng mọi biện pháp từ nay đến cuối năm tiết giảm lãi suất của những khoản cũ để đảm bảo hỗ trợ cho doanh nghiệp.